Trưa nắng nhẹ. Đảo quê tôi lộng gió mát lành. Ngoài kia sóng vỗ ru bờ những khúc hát đại dương rào rạt. Hàng thông lao theo gió đưa cành hát giọng vi vu… Chúng tôi ngồi với thầy trong một quán nước mía nhỏ nằm dưới bóng hàng dừa; thầy trò chúng tôi vẫn thường ngồi cùng nhau như vậy vào những hôm học cả ngày. Thầy với về trường đảo quê tôi chưa được một năm, lạ đất lạ người nên vẫn chưa có nhiều bạn. Chúng tôi, những đứa trò nhỏ yêu văn học, quấn quýt lấy thầy; thầy trò gặp nhau luôn, và thầy cũng sẵn sàng kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Như trưa nay, thầy đã thuật cho chúng tôi nghe chuyện thầy ra với đảo quê tôi…
Thầy tôi là con trai duy nhất của một gia đình thương gia khá giả ở thành phố Đà Nẵng. Cha mẹ thầy muốn thầy theo học ngành kinh tế để sau này gánh vác công việc kinh doanh của gia đình. Nhưng tình yêu văn học và lòng quý trọng các thầy cô trên bục giảng đã un đúc tâm hồn từ những ngày thầy còn học phổ thông, thầy quyết định thi vào ngành sư phạm văn trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ. Lúc đầu cha mẹ thầy cương quyết phản đối; nhưng rồi bằng sự chân thành, thầy đã thuyết phục được cha mẹ. Thầy bảo với chúng tôi rằng ngày nhận được kết quả đỗ vào trường Đại học Sư phạm Đã Nẵng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời thầy. Suốt bốn năm trên ghế giảng đường, thầy đã miệt mài học tập với tất cả mơ ước và hoài bão. Kết quả tất nhiên là thầy tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, đó cũng là niềm tự hào của cha mẹ và chính bản thân thầy. Trong những lần ngồi trò chuyện, thầy thường bảo chúng tôi rằng sau này các em học ngành gì cũng tốt cả, miễn sao luôn nỗ lực thì kết quả sẽ xứng đáng với những ai nghiêm túc học hành. Thầy tôi đã nhận được kết quả học tập cao bởi sự nghiêm túc ấy. Trong suy nghĩ của tôi, thầy xứng đáng được về giảng dạy ở một trường thành phố hơn, nơi thầy có thể phát huy hết năng lực và tâm huyết của mình.
Nhưng rồi thầy lại chọn cho mình nơi đến là đảo xa quê tôi. Trước quyết định này, một lần nữa thầy lại gặp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ. Gia đình thầy kinh tế khá vững, cha mẹ thầy có những mối quan hệ rộng, việc xin về một trường ở thành phố không khó khăn gì. Cha mẹ không muốn thầy đi xa, vì thầy là con một. Nhưng rồi thầy tôi vẫn “nói lời dứt áo ra đi”. Nếu bốn năm trước, thầy mới là một cậu học trò vừa tốt nghiệp cấp ba thì bây giờ, thầy đã là một tân giáo viên, một người đã lớn. Thầy đã thưa với cha mẹ, xin cho thầy ra đảo, để thầy được đến với những miền Tổ quốc xa xôi nơi đầu sóng ngọn gió mà thầy hằng yêu mến và gửi vào đó ước mơ, lý tưởng công hiến trong những ngày ngồi giữa giảng đường đại học; để thầy tự học cách bước vào cuộc đời. Cuối cùng cha mẹ thầy cũng đành phải gật đầu trước sự quyết tâm của thầy. Ngày tiễn chân thầy ra đảo, cha mẹ thầy rất lưu luyến, vì có cha mẹ nào mà không đành tâm thấy con đi xa! Nhưng thầy bảo, thầy thấy được giữa sự xúc động ấy vẫn là những ánh mắt tự hào và tin tưởng của cả hai người. Thầy biết cha mẹ thầy đã hiểu thầy và thật sự ủng hộ quyết định của thầy. Thầy nói ánh mắt ấy đã là chỗ dựa, là nơi tiếp thêm sức mạnh cho thầy vượt qua khó khăn của những ngày đầu về trường, đứng lớp.
Những ngày đầu về đảo của thầy thật sự rất vất vả. Thầy chưa kịp thích nghi với cuộc sống mới. Nhiều thói quen của gười dân đảo quê tôi còn rất xa lạ với thầy. Cả những điều kiện vật chất còn thiếu thốn đôi khi làm thầy lúng túng. Sóng điện thoại ngoài này thường hay chập chờn.
Thầy mang theo laptop nhưng chỉ có sóng 3G mà cũng rất yếu. Rồi những điều kiện ăn ở cũng khác xa với khi thầy còn ở thành phố. Nhưng rồi, bằng bản lĩnh của một người giáo viên trẻ, thầy đã sớm vượt qua và quen dần với cuộc sống nơi đảo xa quê tôi. Thầy đã khiến nhiều bà con xóm tôi ngạc nhiên bởi chỉ sau hơn vài tháng về đảo, vào những ngày chủ nhật hay những buổi hết tiết dạy, thầy có thể ra giúp mọi người vá lưới, chèo thuyền thúng, đi câu mực chẳng khác gì một người dân biển thực thụ. Ngoài giờ lên lớp, thầy hay trồng và chăm sóc rau xanh, cây cảnh hoặc đi thăm nhà nhiều em học sinh trong lớp. Thầy về đảo chưa tròn một năm mà gần hai trăm hộ dân đảo tôi ai cũng biết thầy, ai cũng quý, cũng yêu và xem thầy như người thân trong gia đình. Đã nhiều lần thầy nói với chúng tôi, đảo quê mình đẹp quá, mấy năm nữa luân chuyển về đất liền, chắc thầy xin ở lại luôn em à. Rồi thầy cười, tôi thấy ở nụ cười thầy niềm vui, sự gắn bó. Tôi lại nghĩ trong lòng, không ngờ mảnh đất hoang vu xa cách đất liền hàng trăm hải lý này lại níu được chân thầy…
Cũng có khi chúng tôi hỏi, thầy ở lại đây thì bỏ cô cho ai, ý chúng tôi muốn nói về người yêu của thầy. Thầy cũng đã có người yêu nơi thầy sinh ra và lớn lên. Người yêu thầy cũng học cùng trường, cùng ngành nhưng sau thầy một khóa, hiện nay đã là năm cuối rồi. Thầy bảo thầy và cô quen nhau trong một lần thăm triển lãm về biển đảo, mến nhau vì cùng một ước mơ được đem tri thức ra với đảo xa. Thầy bảo, cô cũng giống thầy nhiều chỗ. Có lẽ rồi cô cũng xin ra ngoài này. Nghe thầy kể, thấy vui, vì thầy được đền đáp bằng một người yêu tâm đầu ý hợp. Tôi thì chưa hiểu gì lắm về chuyện người lớn, nhưng lúc nào cũng mong cho cô tốt nghiệp xong, xin ra đảo để cùng thầy viết nên những trang đời mơ ước. Đảo quê tôi nhỏ, dân đảo quê tôi không đông, bao đời nay vẫn còn lam lũ nhưng sống nghĩa tình, đã thương ai thì thương cho trọn, đã yêu ai thì sau trước một lòng. Tôi lại nghĩ đến lúc thầy cô cùng ra đây, lập nghiệp với hòn đảo này, mỗi ngày hăng say đem tri thức nơi đất liền vượt sóng trùng dương ra với đảo xa, thì còn gì vui bằng nữa…
Trưa trên đảo, nắng nhiều và gió lộng, chúng tôi ngồi nghe thầy kể chuyện mà có cảm tưởng như được lớn thêm nhiều. Thầy có thể bỏ lại sau lưng cuộc sống đầy đủ tiện nghi, những người bạn thân thiết để ra với đảo này, nơi một cuộc gọi điện nhiều khi cũng chập chờn. Vậy mà thầy vẫn luôn hăng say với từng bài giảng, từng buổi đến trường. Riêng tôi, tôi học được ở thầy tình yêu nghề, lòng yêu Tổ quốc và ước mơ cống hiến, xây dựng quê hương, đi bất cứ nơi đâu khi đất nước cần. Đất nước mình ngày càng lớn mạnh, đảo quê tôi cũng đang thay da đổi thịt từng ngày, làm sao quên được những con người hy sinh cả tuổi trẻ để đem tri thức vượt đầu ngọn sóng, ra với đảo quê hương. ■
Phạm Hùng Cường
Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 189
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét