Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Nghiên cứu ĐỊA DANH TRONG CA DAO XỨ QUẢNG (Phạm Tuấn Vũ)


Ở mỗi địa phương, so với các thể loại văn học dân gian khác (như truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, thành ngữ, tục ngữ…), ca dao bao giờ cũng nhắc đến các địa danh ở địa phương mình với số lượng lớn hơn cả. Bởi bộ phận văn học dân gian này không những có số lượng tác phẩm lớn mà còn mang tính địa phương rõ nét. Do đó, ca dao địa phương, đặc biệt là bộ phận ca dao địa danh, được xem như một bảo tàng lịch sử, nơi lưu giữ một lượng lớn địa danh của địa phương mình cũng như chứng kiến sự biến đổi của nhiều địa danh trong tiến trình lịch sử. Ca dao xứ Quảng không nằm ngoài đặc điểm mang tính phổ biến này.

Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương của cả nước có kho tàng ca dao khá đồ sộ. Trong đó, bộ phận ca dao địa danh chiếm số lượng lớn với hàng trăm tên gọi được nhắc đến. Nhiều địa danh vẫn còn đến ngày nay và cũng có những địa danh đã lùi vào quá khứ nhưng nhìn chung, hệ thống địa danh trong ca dao xứ Quảng không những có số lượng lớn mà còn rất phong phú, đa dạng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, hệ thống địa danh trong ca dao xứ Quảng mang mấy đặc điểm chính như sau:

Một là, địa danh được phản ánh trong ca dao xứ Quảng có số lượng lớn, trải rộng theo không gian địa lí. Từ Đà Nẵng đến Trà My, từ vùng núi cao về miền biển đảo, hầu như ở huyện nào cũng có một số địa danh được nhắc đến trong cao dao. Tuy nhiên, sự phân bố của các địa danh này không đồng đều. Ở những địa phương có lịch sử cư trú lâu đời, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, đời văn hóa phong phú, gắn với những biến cố lịch sử lớn hoặc có nhiều thắng cảnh, sản vật như Đà Nẵng, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ… địa danh thường được phản ánh với số lượng nhiều hơn.

Hai là, địa danh được nói đến trong ca dao xứ Quảng khá đa dạng về loại hình, với nhiều tiểu loại khác nhau. Địa danh chỉ địa hình tự nhiên có núi (như Quê em có núi Ngũ Hành/ Có nghề khắc đá lừng danh khắp vùng), đèo (Gập ghềnh Giảm Thọ, Đèo Le/ Cu ngói quẫy mè, cà cưỡng còng khoai), dốc (Đường ô xa bằng đười Gia Cốc/ Dốc mô ngược bằng dốc Phú Cang), hòn (Năm hòn nằm đó không sai/ Hòn Khô, hòn Dài lố nhố thêm vui), hang (Rủ nhau cơm gói ra Hòn/ Muốn ăn được yến phải lòn hang Khô), lạch (Sông Thu Bồn chảy ra cửa Đại/ Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn), vũng (Tai nghe súng nổ đì đùng/ Tàu Tây đã lại vũng Thùng hôm qua), sông (Sông Tiên nước chảy ngược dòng; Sông Thu chẳng thiếu đò đưa), cửa [sông, biển] (Ngó về cửa Đại, than ôi; Từ ngày Tây lại cửa Hàn), gò (Nương dâu xanh thắm quê mình/ Ngó lên gò Nổi đượm tình thiết tha), cồn (Ngó lên chợ Tổng bao xa/ Bước qua Phú Thượng, Đại La, Cồn Dầu), bãi [dâu] (Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông), biển (Em xuôi biển Rạng cùng anh/ Được ăn rau mức nấu canh cá chuồn),… 

Địa danh chỉ công trình xây dựng tuy có số lượng tít hơn những cũng khá đa dạng với một số tiểu loại chính như: cầu (Hẹn nhau lại gặp bến cầu Rô Be; Bao giờ cầu Mống gãy đôi), đường (Đường mô xa được đường Gia Cốc; Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu), chợ (Nhớ cô dệt đũi chợ Chùa/ Rượu ngon chợ Vạn bốn mùa anh say), chùa (Ai đi phố Hội, chùa Cầu; Ngập chùa Non Nước lời đồn em mới tin), miếu (Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra), lầu (Tam Kỳ, chợ Vạn bao lâu/ Ngó qua đường cái thấy lầu Ông Tây), thành (Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông Chợ Củi, có thành Đồng Dương), lò (Gió nam thổi xuống lò Vôi/ Ai đồn với bạn ta có đôi cho bạn buồn),…

Về địa danh hành chính trong ca dao xứ Quảng, có mấy điểm đáng chú ý sau: 1. Có số lượng lớn hơn hẳn so với địa danh chỉ địa hình tự nhiên và công trình xây dựng; 2. Trong phức thể cấu tạo địa danh, nếu hai bộ phận địa danh trước phần lớn có cấu tạo đầy đủ theo mô hình yếu tố chung (tức loại hình địa danh, không viết hoa, như sông, núi, chợ, chùa…) + yếu tố riêng (tức tên riêng, viết hoa, như Thu Bồn, Ngũ Hành, Vạn, Cầu…) thì đại đa số địa danh hành chính không mang yếu tố loại hình (như tỉnh, huyện, quận, xã, thôn…) mà chỉ có tên riêng; 3. Đa số bộ phận địa danh này chỉ các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, làng (mô hình: [huyện +] X, [xã +] Y, [làng] Z); 4. Trong ca dao xứ Quảng có nhiều bài “kể” dài, liệt kê hàng chục địa danh (chủ yếu là địa danh hành chính) như là một chức năng đặc thù của ca dao địa danh. Ví như:

Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm 
Cao lầu Phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà 
Tam Kỳ có món cơm gà 
Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon 
Đại Lộc nhiều trái bòn bon 
Khoai lang Trà Đỏa, Quế Sơn nếp mường 
Cẩm Sa có giống lúa vàng 
Gạo ngon thơm phức, trăng tròn mùa thu 
Bàn Lãnh có gốc mù u 
Cá trôi mùa lũ, sông Thu chảy về 
Vĩnh Điện chả lụa khỏi chê 
Xu xoa Khúc Lũy, thịt bê Chợ Cầu 
Quán Rườn, Chợ Đước Câu Lâu 
Bánh tráng cá hấp ở đâu ngon bằng? 
Cá thu, cá rựa, cá phèn 
Kho rim nước mắm đâu bằng Hội An 
Tằm dâu là xứ Trường Giang 
Đông Yên bủa kén, nhộng non mít xào 
Mỹ Xuyên bí rợ bí đao 
Mía mưng, nón lá quai thao tóc thề 
Duy Trinh đắp đập khai đê 
Cho cây thêm trái sum suê đầy vườn 
Đó là đặc sản quê hương 
Quảng Nam, Đà Nẵng tình thương quê nhà 

Ba là, địa danh trong ca dao xứ Quảng thường gắn với nhiệm vụ phản ánh một số nét đặc trưng nào đó của quê hương về thắng cảnh, thiên nhiên, sản vật, lịch sử xã hội, con người. Đây là một đặc điểm phổ biến của ca dao địa danh trong cả nước. Trong ca dao xứ Quảng, bên cạnh những địa danh phản ánh lịch sử (Ai lên mấy nhánh sông Con/ Hỏi thăm Hường Hiệu có còn đánh Tây; Từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu), điều kiện tự nhiên (Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm; Mây ráng Sơn Trà không gió thì mưa), cảnh đẹp quê hương (Quê em có núi Ngũ Hành; Em về biển Rạng cùng anh) có số lượng không nhiều, đa số những địa danh còn lại đều gắn liền với các làng nghề, sản vật nổi tiếng ở mỗi địa phương. Trong kho tàng ca dao xứ Quảng, bộ phận địa danh này xuất hiện với mật độ cao, nhiều dạng thức kết hợp. Nếu X là địa danh, y là làng nghề, sản vật hay một truyền thống nổi tiếng nào đó, có thể thấy, ca dao địa danh xứ Quảng xuất hiện dưới dạng các mô hình chủ yếu dưới đây: 

1. y + X. Ví dụ như các bài: Nem chả Hòa Vang/ Bánh tổ Hội An/ Khoai lang Trà Kiệu/ Thơm rượu Tam Kỳ hay Tiếng đồn mỳ Quảng Phú Chiêm/ Cao lâu phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà; Ốc bươu Ai Thái/ Trâu nái Cát Cao/ Bê thui Cầu Mống/ Cá bống Hội An/ Mua heo chợ Vạn/ Mua búa chợ Chùa…

2. X + y. Chẳng hạn như: Hà Lam đường mía cũng nhiều; Chiêm Sơn là lụa mĩ miều; Vĩnh Điện chả lụa khỏi chê; Mỹ Xuyên bí rợ bí đao…

3. X + có + y. Chẳng hạn như: Ai về chợ Vạn thì về/ Chợ Vạn có nghề nấu rượu nuôi heo; Ai về Bàu Ấu thì về/ Bàu Ấu có nghề đan giỏ cào nghêu; Ai về Trà Quế mà coi/ Trà quế có nghề giâm giá đậu xanh…

4. X1 + có + [y + X2] (X2 là bộ phận của X1). Chẳng hạn như: Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoa Trà Đỏa, có sông Tam Kỳ…

5. X + sản xuất, kinh doanh + y. Ví dụ: Hội An bán áo con trai/ Quế Minh bán nón, Xuân Đài bán tơ; Hội An bán gấm bán điều/ Mã Châu dệt lụa, Trà Nhiêu bán hành; Phú Bông dệt lụa dệt sa…

6. Hỗn hợp. Mô hình này bao gồm nhiều mô hình khác nhau, thường xuất hiện ở những bài ca dao có dung lượng lớn, giới thiệu nhiều sản vật, làng nghề của nhiều địa phương. Ví như: Đá than thì ở Nông Sơn/ Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè/ Thanh Châu buôn bán nghề ghe/ Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hòa/ Phú Bông dệt lụa dệt sa/ Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng hay như: Sông Thu chẳng thiếu đò đưa/ Bùi khoai chợ Được, mát dừa Kiến Tân/ Quế Sơn câu mít mấy tầng/ Mê bòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My…

Có thể nói, với một số lượng lớn những địa danh gắn liền với nhiều nét đặc trưng của quê hương, ca dao xứ Quảng không những phản ánh được phần nào sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa, xã hội của địa phương mình mà còn thể hiện ở đó ít nhiều phương diện đời sống tinh thần của con người nơi đây.

Cuối cùng, địa danh trong ca dao còn gắn liền với những tình cảm tốt đẹp của con người xứ Quảng. Trước hết, đó là lòng tự hào, yêu mến đối với quê hương được thể hiện qua việc “khoe” cảnh đẹp, sản vật, làng nghề, truyền thống văn hóa nổi tiếng. Các công thức như Quê em có + y, X (có) + y… xuất hiện thường xuyên, cùng với đó là giọng điệu tha thiết, trìu mến, say sưa là âm hưởng chủ đạo trong ca dao xứ Quảng, tất cả nói lên rằng, người Quảng yêu mến thiết tha, rất đỗi tự hào về mảnh đất quê hương mình.

Tình cảm tốt đẹp ấy còn thể hiện ở nếp sống tình nghĩa, chan hòa, coi trọng đạo lý của người Quảng. Trong kho tàng ca dao xứ Quảng, có nhiều địa danh được nhắc đến gắn liền với tình đất, tình người đằm thắm, như: Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say/ Bạn về nằm nghĩ gác tay/ Hỏi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta; Hội An đất hẹp người đông/ Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu hay Trà My sông núi đượm tình/ Nơi đây là chỗ thượng Tinh chan hòa…

Nhiều địa danh trong ca dao xứ Quảng còn được nhắc đến với tư cách là biểu tượng của con người Quảng chân thành, ngay thẳng, thủy chung. Nhiều địa danh được nhắc đến trong ca dao với những mệnh đề giả định phi lí để qua đó, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Quảng. Chẳng hạn: Bao giờ cầu Mống gãy đôi/ Sông Thu hết nước em mới thôi thương chàng; Bao giờ cạn nước Thu Bông/ Ngập chùa Non Nước lời đồn em mới tin…

Bên cạnh các địa danh của địa phương, trong ca dao xứ Quảng còn có một số địa danh của các địa phương khác. Chẳng hạn: Quảng Nam hay cãi/ Quảng Ngãi hay co/ Bình Định hay lo/ Thừa Thiên ních hết hay như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình/ Hỏi anh ba tỉnh em thuận tình tỉnh mô… Nhìn chung, đây không phải là những bài ca dao “thuần Quảng”. Phạm vi sử dụng của chúng rộng hơn một địa phương và “tác giả” của chúng là nhân dân của tỉnh nào cũng thật khó xác định. Tuy chiếm số lượng không lớn nhưng bộ phận ca dao này cũng góp phần nhất định vào việc làm phong phú, đa dạng và đặc sắc cho ca dao xứ Quảng nói chung, hệ thống địa danh trong ca dao xứ Quảng nói riêng.

Tóm lại, địa danh trong ca dao xứ Quảng không những có số lượng lớn, tần số xuất hiện cao, đa dạng về loại hình, nguồn gốc và phương thức định danh mà còn mang trong mình nhiều đặc trưng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất Quảng xưa, nay. Đặc biệt, địa danh trong những bài ca dao này còn phản ánh phần nào đời sống tinh thần cũng như tâm hồn, tính cách, lối sống của con người xứ Quảng. Tìm hiểu ca dao địa danh xứ Quảng, nhờ đó, có thể hiểu thêm về đất và người xứ Quảng trong tiến trình lịch sử.

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Tạp chí Non Nước


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét