Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Tạp bút NGHE DANH CÔNG TỬ BẠC LIÊU (Phạm Tuấn Vũ)


Ngày nhỏ tôi sống với bà. Mỗi lần nghe bà nói chuyện về những người giàu có, bà thường ví với Công tử Bạc Liêu, kiểu như “giàu bằng Công tử Bạc Liêu là cùng”. Ngày ấy, trong suy nghĩ giản đơn thơ trẻ, tôi chưa biết Bạc Liêu ở đâu mà cũng chẳng bận tâm Công tử Bạc Liêu là ai (lần đầu nghe bà nói, tôi còn nghĩ đó là con của vua ở nước… Bạc Liêu nữa đó). Tôi chỉ nghĩ rằng, đó là người rất giàu, giàu nhất thế gian!

Lớn hơn một chút, tôi về sống với mẹ. Mẹ là người thích nghe cải lương và đờn ca tài tử. Trong những bản vọng cổ mẹ mở trong máy cát-sét, thỉnh thoảng tôi được nghe câu ca “nghe danh Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”. Vậy là hình ảnh về một chàng công tử giàu có mà tôi hay được nghe bà nhắc đến khi trước lại hiện về. Nhưng cảm nhận của tôi hồi ấy khác hơn một chút, đó là không chỉ giàu có mà vị công tử này còn rất… chịu chơi. Dĩ nhiên thuở ấy quê tôi còn nghèo lắm, điện vẫn chưa được kéo về, người ta chẳng biết gì nhiều về thế giới rộng lớn bên ngoài xóm mình. Tôi cũng không biết gì nhiều hơn Công tử Bạc Liêu ngoài hình ảnh về một con người hào hoa, sang trọng (lúc ấy đi học nên tôi đã biết… Bạc Liêu là một tỉnh ở miền Nam).

Từ những kỷ niệm ngô nghê của tuổi bé thơ, tôi bắt đầu có ấn tượng nhiều hơn về Bạc Liêu, vùng đất sản sinh ra những con người huyền thoại của một thời. Cũng từ ấy, trong tôi nảy nở một mơ ước bé nhỏ nhưng cứ luôn âm ỉ trong lòng, là sẽ đến với Bạc Liêu, đi tham quan vùng đất và gặp gỡ con người nơi đây, nghe người dân tại đây kể về Công tử Bạc Liêu của họ.

Sau này lớn lên, đi học xa, đọc sách vở và tiếp xúc qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết nhiều hơn về Công tử Bạc Liêu. Đó là con người nổi tiếng với nhiều giai thoại được người đời truyền tụng khắp nơi. Công tử Bạc Liêu tên thật Trần Trinh Quy, sau đổi thành Huy vì ông cho rằng tên Quy không… sang cho lắm. Ông còn được gọi bằng nhiều biệt danh khác như: Ba Quy, Hội đồng Ba, Hắc công tử (vì nước da ngăm đen, để phân biệt với Bạch công tử là Lê Công Phước). Công tử Bạc Liêu sinh vào năm đầu tiên của thế kỷ XX (ngày 22/6/1900), là con thứ của Hội đồng Trạch, tức Trần Trinh Trạch, một điền chủ lớn ở Bạc Liêu nói riêng, miền Nam lục tỉnh nói chung lúc bấy giờ. Công tử Bạc Liêu là một trong những nhân vật tiếng tăm nhất miền Nam những năm 1930, 1940 của thế kỷ trước.

Mấy năm trước, một lần ra tiệm sách, tôi may mắn mua được cuốn sách Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại do nhà văn Phan Trung Nghĩa (người Bạc Liêu) viết. Tôi đã đọc hết cuốn sách ngay trong hôm đó. Cuốn sách mang đến cho tôi nhiều hiểu biết và cảm xúc mới về một con người nổi danh giàu sang, phóng khoáng. Tôi biết thêm về sự thật đằng sau những giai thoại của Công tử Bạc Liêu như việc đi học ở Pháp, lấy vợ Tây, thú chơi xe, tính mê võ, thú xê dịch; cuộc giao tranh với Bạch công tử; là người Việt Nam đầu tiên có máy bay tư nhân… Tôi cũng biết thêm, tên gọi “Công tử Bạc Liêu” đã trở thành danh từ chung chỉ cho các công tử nổi tiếng giàu có, ăn chơi lúc bấy giờ, bên cạnh Hắc công tử còn có Công tử Đinh (Trần Trinh Đinh, anh của Hắc công tử), cậu Tám Bò (Trần Trinh Khương, em của Hắc công tử), Dù Hột (Huỳnh Văn Phước)… Trong đó, Hắc công tử là người nổi tiếng nhất.

Sau này, trong những lần đi công tác miền Nam, tôi có dịp vài lần qua Bạc Liêu, ở lại nơi này dăm ba bữa và được nghe bà con tại đây kể về nhiều giai thoại khác liên quan đến cuộc đời lừng lẫy của Công tử Bạc Liêu. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Bạc Liêu là đất nơi đây trù phú, phóng khoáng, người dân gần gũi, chan hòa, có lẽ vậy mà Bạc Liêu đã sản sinh ra những người nổi danh một thời. Mỗi lần đến Bạc Liêu, trong tôi lại có nhiều cảm xúc mới. Đất và người nơi này có sức hấp dẫn lạ kỳ trong tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến tận bây giờ và cả những lần hẹn sau này trở lại.

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Báo Bạc Liêu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét