Ngày nhỏ tôi nhớ hoài, ai xa về chơi nhà Nội cũng tấm tắc khen Nội có vườn chè rất đẹp. Nội tôi nghiện uống chè xanh nên sau vườn ông dành hết để trồng chè. Đất ở quê tôi không hợp với cây chè lắm nên có ít nhà trồng. Ông hay kể, ông phải lên tận mấy huyện miền núi để xin cây chè con về làm giống. Rồi qua bàn tay chăm bón kĩ càng của nội, cây chè quen dần với đất đồng bằng, vườn chè của ông cứ thế lớn lên, xanh những búp lá non, rợp mát cả khu vườn, mang về cho ông niềm vui đơn sơ những nụ cười hiền hậu.
Ông tôi chỉ uống nước chè. Nước trong ông không uống được. Ăn cơm xong mà không có bát nước chè xanh thì thấy trong người khó chịu và thể nào ông cũng phải ra vườn hái chè về nấu nước. Ông có thói quen hôm nào cũng dậy sớm, không kể trời nắng hay mùa lạnh. Việc làm đầu tiên trong ngày của ông là đi thể dục quanh vườn chè rồi hái một nắm chè non còn đầm sương mai về pha nước sôi cho cả nhà. Hồi nhỏ tôi không thích uống vì nước chè chát quá (thật ra vì có một lần bụng đang đói mà uống nước chè bị say nên từ đó tôi…sợ). Nhưng mỗi sáng chạy qua ông, ông hay cho xôi bánh bà làm để ăn mai, rồi ngồi uống nước chè và nghe ông kể chuyện. Dần rồi tôi nghiện chè như ông, lớn lên rồi đi xa cũng không thể bỏ được thứ nước uống dân dã và tốt cho sức khỏe này.
Vườn chè sau nhà ông nâng nui lắm. Ông chăm từng gốc chè, làm bờ giậu cho trâu bò khỏi vào đạp phá. Ông hay bảo, đất dưới mình không hợp, trồng được cây chè đâu dễ gì, hồi nhỏ tôi chẳng biết gì, sau này lớn lên ngộ dần ra những lời ông dạy, cây ở với người thân thiết, người có lòng cây chẳng phụ bao giờ. Tôi nhớ những chiều học về, chưa kịp thay đồ cất cặp là tôi đã chạy sang ông. Mẹ hay chọc tôi mê ông hơn cả mấy trò đá banh thả diều cùng đám bạn. Thật thì hồi nhỏ tôi là đứa trẻ không được khỏe mạnh lắm, những trò chạy nhảy ngoài đồng tôi chẳng tham gia bao giờ, ba mẹ làm đồng từ sáng đến tối nên cả ngày tôi cứ lẽo đẽo theo ông. Vui nhất là những chiều theo ông ra vườn chè, những trưa không ngủ được ông cháu pha nước chè ngồi uống, ông kể tôi nghe đủ thứ chuyện trên đời.
Ông tôi hiền lắm. Chẳng bao giờ ông lớn tiếng với ai. Người trong làng ai cũng quý ông, đi xa thường hay điện về thăm hỏi, ở gần thì chiều chiều lại đến cùng ông uống nước chè. Ai đến ông chỉ có một thứ nước chát chát ấy đem tiếp, về ông mang cho bó chè làm quà, thỉnh thoảng ai đi xa ông còn hái chè lá về xào rồi cho vào bì gửi theo. Ông hay bảo tôi, ông bà mình có bát nước chè tình nghĩa, thương nhau bưng bát nước đầy, sống ở đời nên biết sẻ chia và cho đi, dù chỉ là những điều giản dị. Ông còn dặn cha tôi, sau này ông không còn nữa, vườn chè của nhà đừng chặt phá hay bán đi, nhớ chăm cho tốt để bà con trong làng ai muốn uống thì đến hái về.
Rồi tuổi già cũng sẽ qua đi, mới đó đã gần mười năm ông về với cõi tiên hạc. Căn nhà và vườn chè của ông cha vẫn giữ, ai có gạ mua thế nào cha cũng quyết không bán đi. Rồi cha lại theo ông, chăm thật tốt từng gốc chè, mỗi sáng sớm ra vườn hái những đột non về pha nước sôi, trong nhà lúc nào cũng có ấm chè đậm để mời những ai đến. Còn với riêng tôi, kỷ niệm về ông gắn với tuổi thơ và vườn chè không bao giờ mờ phai. Đi học xa, mỗi lần nghe miệng mình nhạt, thèm cái vị đậm đà của nước chè xanh là tôi chạy về với ông, nhổ cỏ trên mộ ông và kể ông nghe những gì mình làm được. Trên kia bầu trời xanh ngát, và vườn chè tuổi thơ xanh biếc đến bây giờ, tôi biết ông vui và luôn ở bên tôi trên từng con đường khôn lớn…
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét