Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Tản văn KHI PHỐ LÊN ĐÈN (Bút danh Tư Hương)



Có một chiều thôi bận bịu, ta lang thang xuống phố, ngồi ở một ghế đá vỉa hè hay mỗi quán cóc nào đó thân quen. Ta hãy gác lại những lo toan bề bộn, cất đi những lo lắng ưu tư, cứ để cho lòng mình miên man vô định, ta ngồi ngắm phố xá lên đèn…

Trong bóng chiều xuống vội, ngọn đèn đường và những ánh đèn màu của các cửa hiệu dần sáng lên, phố phường trở nên hối hả. Những vòng xe lăn vội, những ánh đèn nhòe và tiếng còi inh ỏi nơi ngã tư, trước công sở, cổng trường; phố lên đèn là thời điểm cuối ngày dễ khiến ta nao lòng. Sau những giờ làm việc, học hành căng thẳng, người ta hối hả về nhà, về bên tổ ấm yêu thương với mâm cơm chiều quây quần các thành viên. Nếu là người xa nhà lên phố đi làm hay đi trọ học, sẽ có những chiều ta cảm thấy tủi lòng như lạc giữa dòng người xa lạ chẳng biết nơi đâu đi về. Bữa cơm chiều bên mẹ yếu cha già, với anh chị em, đơn sơ mà sao khó đến thế! Bởi quê hương xa tít mịt mù, ta chỉ có gác trọ heo hút nơi hẻm vắng sớm hôm lủi thủi. Có những chiều ta chợt thấy mình bơ vơ giữa cuộc đời, quang gánh mưu sinh học hành trĩu nặng, ta thấy mệt nhoài đôi vai. Giữa phố thành đông đúc, nhưng ta như đi trong chốn không người. Phố xá lên đèn, dòng người xe tấp nập, dòng đời cứ thế vội vàng, biết đâu ta cũng bị cuốn trôi theo, nếu không có những chiều như thế, để ta thấy mình nhỏ bé trong cuộc đời, để thấy ta cần những san sẻ yêu thương.

Nhưng đâu chỉ mình ta. Khi phố lên đèn, còn có biết bao mảnh đời khuất lấp, những góc tối lặng thầm mà lòng ta hờ hững đôi khi lãng quên. Một chiều muộn xuống phố, ta đừng vội trở về, hãy trải lòng mình quan sát, ta sẽ bắt gặp đâu đó còn có những kiếp sống lay lắt, bơ vơ. Khi phố lên đèn, bao nhiêu người hối hả về nhà, vẫn có những em bán vé số lang thang hết quán này đến quán nọ, mong sao cho kịp hết xấp vé nhận trong ngày; vẫn có những cậu bé đánh giày lê đôi chân mệt nhọc về phía những quán ăn chẳng phải cho bữa tối mà nghĩ về những vị khách, không biết có ai muốn đánh giày. Khi phố lên đèn, bao nhiêu người có bữa cơm chiều bên gia đình ấm cúng thì vẫn còn đấy những bác xe ôm phải lao đi vội vã về phía nhà ga nơi có chuyến tàu chiều nay đỗ muộn, vẫn còn đấy những bác xích-lô ngồi lặng lẽ trong chính chiếc xe của mình mỏi mòn trông ngóng một vị khách nào đó đi nhờ. Rồi đâu đó bên vệ đường, nơi cuối con phố vắng, là bóng dáng liêu xiêu của đôi người hành khất dắt nhau đi về một chốn chưa dự định trước bao giờ. Ta còn có một quê nhà, một gia đình để mong ngóng; nhưng biết đâu những mảnh đời phiêu giạt ấy không còn một chốn nương thân. Người ta chẳng ai muốn làm hành khất, chẳng ai thích trôi giạt giữa dòng xoáy cuộc đời; nhưng cuộc đời lại đưa đẩy bao nhiêu người trôi giạt, khiến bao người phải thành hành khất tha hương…

Khi phố lên đèn, có nhiều điều đáng suy nghĩ. Trong cái chập choạng giữa ngày và đêm, đâu chỉ có người xe hối hả; vẫn còn đó những cuộc đời lặng lẽ, những bước chân nhọc nhằn. Phố lên đèn đâu chỉ có những vùng sáng rực rỡ, vẫn còn đó những gam tối, những góc khuất cuộc đời. Ta dù xa nhà nhưng vẫn có một nơi trở về sau những ngày mệt nhọc, một mái ấm để được chia sẻ yêu thương. Nhưng ngoài kia, trên vỉa hè của những con phố vắng lạnh, vẫn còn bao nhiêu cảnh đời lạc lõng, bơ vơ. Khi phố lên đèn, có khi nào ta chợt thấy mình đã hờ hững bấy lâu? ■„

Tư Hương
Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 189


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét