Nguyễn Du, nhà thơ xuất sắc của nhân loại, Danh nhân văn hóa thế giới, người có đóng góp to lớn cho lịch sử văn học Việt Nam. Ông vĩ đại trên nhiều phương diện nhưng trước hết, có lẽ bởi giá trị nhân đạo, là tình người, tình đời đẹp lấp lánh trong những vần thơ mà ông để lại cho đời.
Sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt nhưng sớm sa sút, sống trong thời đại có nhiều biến động, đất nước chìm trong bóng can qua, sơn hà mấy phen đổi chủ, xã hội bất ổn, nhân dân lầm than, nhiều giá trị đảo lộn; bản thân gặp nhiều bất hạnh, sớm mồ côi mẹ, phải sống cảnh ở đậu ăn nhờ, hơn nửa đời trôi dạt, tấm thân gởi nơi gió bụi quê người (Tha hương thân thế thác phù vân - Quê người thân thế gởi mây trôi), bản thân hay bệnh tật, gặp nhiều chuyện đau buồn, chất chứa trong lòng nhiều u ẩn không thể nói ra (Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ - Ta có tấc lòng không thể nói)…, có lẽ hơn ai hết, Nguyễn Du là người thấm thía sâu sắc nhất những nỗi đau của nhân sinh thế cuộc, trăm năm kiếp người…
Dù xuất thân quý tộc nhưng Nguyễn Du lại sống gần gũi với nhân dân lao động. Đây là may mắn đối với sự nghiệp văn chương của ông. Chính từ những ngày sống giữa nhân dân, nhà thơ nghe được tiếng nói của đời cần lao (Thôn ca sơ học tang ma ngữ - Tiếng hát thôn quê giúp ta biết được tiếng nói của kẻ trồng dâu, trồng gai), hiểu rõ hơn tâm tư của những kiếp người bé nhỏ trong xã hội. Cũng chính dân gian đã cung cấp cho ông nhiều vốn liếng quý báu, nuôi dưỡng tâm hồn thơ ca, khơi dậy mạch nguồn cảm hứng sáng tạo, nâng đôi cánh nghệ thuật thiên tài Nguyễn Du “bay bổng tuyệt vời”.
Bằng tâm hồn nhạy cảm và trái tim giàu lòng trắc ẩn, Tố Như thấu hiểu nỗi đau của người dân nghèo khổ, những thân phận con ong cái kiến trong xã hội xưa. Trong thời phong kiến, họ phải chịu nhiều bất hạnh, trong xã hội chiến tranh loạn lạc, họ càng phải gánh lấy biết bao bi kịch, khổ đau. Đó là những người lính đi mãi nơi chiến địa không biết ngày về (bài Đại tác cửu thú tư quy 1), những người vợ ở nhà mòn mỏi chờ đợi (Thu dạ 2), những người tị nạn nón mê, áo rách đi lầm lũi trên đường (Ngẫu hứng 5)… được thể hiện bằng những vần thơ cảm động.
Vượt ra ngoài biên giới, chủ nghĩa nhân đạo trong thơ Nguyễn Du hướng đến những nỗi khổ đau kiếp người mang tầm phổ quát cả nhân loại. Đó là nỗi đau bởi nghèo đói, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, chết chóc,… mà con người phải chịu đựng. Trong mười mấy tháng trời ròng rã đi sứ phương Bắc, tận mắt chứng kiến nhiều mảng hiện thực đen tối của xã hội Trung Hoa bấy giờ, bằng cái nhìn tỉnh táo và trái tim giàu lòng thương cảm, Tố Như đã ghi lại những cảnh sống bế tắc, lầm than, cùng cực của người dân nước này. Đó là cảnh bốn mẹ con đói rách ăn xin bên đường (Sở kiến hành), cảnh ông cháu người mù hát mướn miệng sùi bọt mép, tay rã rời (Khẩu phún bạch mạt, thủ toan súc) mà chỉ được năm sáu đồng (Thái Bình mại ca giả), cảnh khắp nơi tan tác vì nạn bắt lính (Trở binh hành),… được thể hiện một cách xót xa trong tập Bắc hành tạp lục.
Không chỉ đối với thế giới thực hữu, chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du còn hướng đến thế giới của siêu nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Tố Như, nhiều mồ mả, đền đài, hồn ma xuất hiện. Ông dành cho cả những hồn ma bất hạnh sự cảm thương kì lạ: Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người/ Hương khói đã không nơi nương tựa/ Hồn mồ côi lần lữa đêm đen (Văn chiêu hồn).
Tự nhận mình là người mang nỗi oan phong vận kì lạ (Phong vận kì oan ngã tự cư - Ta tự mang cái oan phong vận lạ lùng), Nguyễn Du dành tình cảm đặc biệt cho những người phụ nữ khổ đau trong xã hội xưa, nhất là những “đấng tài hoa” hồng nhan bạc mệnh, những ca nhi, kĩ nữ Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng(Truyện Kiều). Với tấm lòng “đồng cảm liên tài”, Tố Như viết về Thúy Kiều, nàng Tiểu Thanh, người đánh đàn ở đất Long thành, người ca giả đất La thành, người hát cũ của em trai mình, người đàn bà hóa đá vọng phu bằng những vần thơ như chứa chan nước mắt và “có máu trào ra ở đầu ngọn bút” (Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ nhân). Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu (Văn chiêu hồn), có lẽ, ít có ai như Tố Như viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa nghẹn ngào, cảm động như thế.
Là người ý thức về tài năng (Tráng niên ngã diệc vi tài giả - Thời trai trẻ ta cũng là kẻ có tài), Nguyễn Du là người biết tài và thương tài. Đối với các nhân vật lịch sử Trung Hoa, ông bộc lộ thái độ yêu ghét rõ ràng. Nhà thơ phê phán bọn gian thần, bạo chúa, những kẻ tiểu nhân nhưng đồng thời bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục đối với “những đấng tài hoa” (Bình sinh bội phục vị thường li - Một đời kính phục chưa từng rời). Họ là những hiền nhân bôn ba thuyết giáo khắp nơi (Khổng, Mạnh), thi nhân tài danh nhưng lận đận (Đỗ Phủ, Lý Bạch), trung thần bị hãm hại, dèm pha (Khuất Nguyên, Hàn Tín, Nhạc Phi), danh tướng bỏ tuổi xuân nơi chiến trường (Ban Siêu, Mã Viện), hiệp khách vì nghĩa lớn một đi không trở lại (Kinh Kha, Nhiếp Chính, Điền Quang),… được thể hiện một cách sinh động, đẹp đẽ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Trong thơ Tố Như, còn có những tình cảm riêng tư, thầm kín hơn. Đó là một tấc lòng quê đau đáu của con người mấy chục năm phiêu dạt khắp nơi (Hải giác thiên nhai tam thập niên - Chân trời góc bể ba chục năm) chỉ biết gởi nơi vầng trăng sáng (Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ - Một tấc lòng quê dưới ánh trăng), là tình cảm gia đình khắc khoải trong hoàn cảnh li tán (Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán - Chốn Hồng Lĩnh không nhà, anh em tan tác), là những nỗi lòng sâu thẳm không biết giãi bày cùng ai. Thế nhưng, vượt lên trên những “niềm tây sá gì” ấy, thơ Nguyễn Du còn hướng đến cuộc đời rộng lớn với những nỗi đau muôn thuở của kiếp người. Đó là điều đáng quý biết bao. “Nguyễn Du là người, như Khuất Nguyên, mang những vấn đề của ngàn năm, của triệu người nên cái đau khổ của ông là một đau khổ lớn, có tính cách đại diện cho nhân loại” (Xuân Diệu). Thơ Nguyễn Du vì thế mang đậm giá trị nhân văn, kết tinh truyền thống chủ nghĩa nhân đạo xuyên suốt trong lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại.
Kỉ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (1765-2015), tưởng nhớ về ông, ta càng tự hào về nhà thơ vĩ đại của dân tộc. Cùng đọc lại những tác phẩm mà Nguyễn Du đã đau đời viết nên để hiểu hơn về con người tự nhận mình trước lúc chết vẫn chưa hết nỗi lo buồn ngàn năm (Thiên tuế trường ưu vị tử tiền), khóc cùng ông như cách đây hơn hai trăm năm con người có “mắt nhìn thấy sáu cõi, tai nghe tới nghìn đời” (Mộng Liên Đường) từng day dứt: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như).
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét