Tháng Tám trăng rằm lại về rồi đó. Trung thu về, mang theo nhiều tất bật, rộn ràng. Cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn; ngày Tết Trung thu cũng dần đủ đầy, sung túc. Các em sẽ được những chiếc bánh ngọt xinh, những thứ quả chín mọng thơm lừng, được thỏa thích rước đèn ông sao, được múa lân, vui đùa ca hát. Còn niềm vui nào bằng vui Tết Trung thu.
Tôi đã đi qua tuổi thơ, bằng những tháng ngày nghèo khổ. Quê hương tôi tít tắp nơi những ngọn đồi trùng điệp, cách xa đồng bằng mấy chục cây số đường rừng. Ở nơi ấy tôi đã lớn lên, bình yên như rừng núi muôn đời xanh thẳm hiền hòa. Nơi ấy, tôi đã có những mùa Trung thu của tuổi thơ, đơn sơ như ánh trăng núi rừng mà nhiều năm đi mãi, chen chúc giữa bao phố thị mỹ lệ phồn hoa, những mùa trăng rằm ấy vẫn chưa một lần mờ nhạt.
Trung thu của tuổi thơ tôi không có những chiếc bánh ngọt vàng ươm thơm nức trong những chiếc hộp sang trọng, đắt tiền. Với tôi ngày ấy, hạnh phúc thỏa ước mơ trẻ dại là những chiếc bánh ngọt mẹ làm từ bột sắn hay bột nếp để dành. Có những năm mất mùa, khoai sắn thay cơm, niềm mơ ước trẻ thơ ấy đôi khi không thành hiện thực. Trung thu tuổi thơ tôi cũng không có nhiều hoa quả. Cuối vườn có một buồng chuối chín, hay đầu cành một quả bưởi còn sót lại cuối mùa là tất cả niềm vui mà lũ bạn chăn trâu chúng tôi đem cho nhau trong những đêm rằm. Vậy thôi, nhưng chắc rằng, chẳng chiếc bánh nào thơm ngon như bánh từ tay mẹ nấu. Chẳng thứ quả nào ngọt mát như quả trong vườn. Chiếc bánh Trung thu ngoài tiệm sang trọng thơm tho, nhưng tôi chắc, một khi ăn rồi, người ta quên mất. Nhưng đâu dễ gì quên những thức quà quê mộc mạc, đơn sơ mà vương vấn một đời, dẫu có đi xa, đi mãi…
Trung thu tuổi thơ tôi thường ít có lân. Bởi quê tôi xa thành phố quá, biết mua lân nơi nào. Mà dẫu có lân bán gần đấy, chắc gì chúng tôi ngày ấy dám mua. Ba mẹ nhiều khi đêm rằm tranh thủ trăng sáng tỏ làm thêm ruộng cỏ ngoài đồng. Mà chúng tôi ngày nhỏ cũng chẳng ai quan tâm lắm đến những con sư tử rực rỡ, lộng lẫy, đẹp xinh, dẫu rằng có đôi lần trong lòng ao ước. Bạn bè bắt cá thả diều của tôi ngày xưa cứ mỗi độ trăng rằm là tụ nhau lại, mang thùng, can nhựa ra gõ, rồi vô tư ca hát, hát những bài ca tuổi thơ chưa bao giờ thuộc hết ca từ và có đôi khi quên cả giai điệu. Vậy mà như những chú ve con, lũ chúng tôi cứ say sưa ca hát, và những tiếng cười không dứt trên môi. Trung thu tuổi thơ đọng lại không phải âm thanh rộn ràng của trống lân, mà là những tiếng gõ can nhựa lộp bộp và những bài ca nghêu ngao quên cả tháng ngày.
Trung thu tuổi thơ tôi có những đêm trăng sáng tỏ. Trăng núi rừng trong trẻo và thanh thoát vô cùng. Ở thành phố, ít khi nào ta để ý đến trăng, bầu trời ô vuông bởi nhà cao tầng chia cắt che khuất mất bóng trăng lặng thầm. Và ánh sáng văn minh hoa lệ đôi khi lấn mất ánh trăng vốn rất hiền lành, e thẹn. Nhưng ở núi rừng, trăng đến vô tư, dịu dàng như cô gái mới lớn nhà ai đi ngang qua đây, mải ham chơi chưa muốn về nhà. Ở thành phố, đôi lần ta phải giật mình vì trăng vô tình xuất hiện sau lưng khi phố xá tắt dần đèn điện, trăng đến khẽ khàng nơi đầu cửa sổ căn phòng trên lầu cao. Nhưng ở núi rừng, lũ chúng tôi có trăng làm bạn, gần gũi và hiền hòa. Trung thu ở thành phố người ta ít khi nào nghĩ đến trăng. Còn ở quê tôi, Trung thu dường như chỉ gắn liền duy nhất với vầng trăng tròn trĩnh, tỏa sáng lung linh. Ngày ấy, trong những đêm rằm, bọn tôi hay băn khoăn, tại sao trăng cứ đi theo mình mãi vậy. Câu hỏi ngu ngơ của cái thời khờ dại, đến bây giờ tôi mới hiểu hết. Có những điều tưởng đơn sơ mà cao đẹp, tưởng gần gũi mà thiêng liêng, tưởng xa vời mà gắn bó. Trăng cứ thế theo tôi trọn đời.
Trung thu tuổi thơ tôi không có đêm rằm rước đèn ông sao, nối đuôi theo lân đi khắp phố phường. Bạn bè chăn trâu ngày ấy chỉ có những đêm trăng mát dịu, bầu trời trong veo và đồng cạn. Trăng lên cao, treo lơ lửng trên ngọn tre làng, lũ chúng tôi tụ nhau chơi trò đuổi bắt, hát những bài đồng dao, tha hồ reo hò cho đến khi mệt lả, trăng về phía bên kia núi, sương đêm giăng xuống đồng ướt đầm, chúng tôi mới chia tay nhau ra về, hẹn sáng mai lại đón trâu lên núi. Trung thu ngày ấy, tôi còn có những đêm ngồi nghe suối chảy bên tán cây có trăng làm lồng đèn mà mơ mộng những điều vu vơ, có những đêm thôi chạy nhảy cùng bạn bè ra đồng tát nước với mẹ, cả những đêm chờ mãi cho đến khi mờ sáng con lân xinh đẹp làng bên ghé qua… Ấy là những đêm Trung thu đẹp mãi ký ưc tuổi thơ tôi.
Tuổi thơ ai cũng dần qua đi, như sông đời chảy mãi, hết khúc này phải đến khúc khác thôi. Sông đứng lại sẽ thành biển chết. Mỗi mùa Trung thu rồi cũng dần đổi thay, sẽ thôi không còn thiếu thốn, khát khao như một thuở khó nghèo. Tôi đã đón nhiều Tết Trung thu nơi thành phố. Ấy là những đêm rằm háo hức, rộn ràng đông vui mà ngày xưa có lẽ bọn tôi chưa bao giờ mường tượng được. Vậy mà đi qua nhiều năm tháng, bụi thời gian làm rối mái đầu, ánh trăng đơn sơ nơi núi rừng và những niềm vui nhỏ bé, thơ dại của một thời đầu trần chân đất nơi quê nghèo rừng núi mỗi khi Trung thu về vẫn còn hoài trong tôi, gắn bó chân thành và đi theo mãi cho trọn cuộc đời, như vầng trăng theo chân ngày xưa bé dại băn khoăn… ■
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét