Trong tâm khảm mỗi người, quê hương bao giờ cũng là những điều thân quen, gần gũi nhất. Đó là một xóm nhỏ, một ngôi làng yên bình nép dưới bóng hàng tre, thấp thoáng trong những ngọn khói lam chiều.
Xóm nhỏ, chòm nhà ấy bao giờ cũng bắt đầu từ cổng làng. Từ cánh cổng thân thương ấy là con đường đất mịn, quanh quanh theo con mương, men theo bờ ruộng, len qua hàng giậu thưa, dẫn vào ngõ vắng đến với từng nhà. Từ cánh cổng chung của làng ấy là cuộc sống bao đời yên ả, là cả một khung trời kỷ niệm tuổi thơ.
Cổng làng để lại sau lưng thế giới rộng lớn ngoài kia, dẫn ta vào xóm nhỏ, đến với những mái tranh mái ngói thanh bình, với những con người cần lao quanh năm với ruộng đồng chân chất, với cuộc sống bình dị của những tấm lòng đơn sơ. Một tiếng gà trưa gọi nắng, một ngọn khói chiều từ chái bếp nhà ai, một đêm trăng về yên ngõ vắng, bước qua cổng làng là khép lại bao nhiêu ồn ào phố chợ ngoài kia. Nhiều người dân quê cả đời quẩn quanh bờ tre gốc rạ, chẳng mấy khi ra khỏi cổng làng. Cánh cổng vào xóm vì thế mà thân quen biết mấy…
Không ai bảo ai, từ bao đời cổng làng trở thành nơi gặp gỡ của bà con trong xóm. Những sáng ra đồng, những chiều ra chợ, ra cổng làng là có dịp gặp nhau. Những khi làm đồng thấm mệt, chạy vào ngồi trong bóng mát cổng làng. Những lúc cơn mưa chợt đến, đang lỡ đường lại chạy vào cổng làng trú mưa. Những ngày vào mùa, cổng làng trở thành địa điểm thân quen, bà con đến ngồi nghỉ ngơi, uống nước, ăn nửa buổi để lấy sức tiếp tục xuống đồng. Ngồi cạnh nhau dưới cổng làng, kể nhau nghe chuyện nhà nông khó nhọc, chia nhau bát nước củ khoai dưới cổng làng là nghĩa tình sau trước được người ở quê gìn giữ bao đời.
Cổng làng yêu thương, bạn tin cậy của những ai mong nhớ hò hẹn. Trai gái làng thương nhau, hẹn nhau ra cổng làng, trao nhau trái bắp quả cam, tặng nhau một đóa hoa mua, hoa nhài hái ở bờ ruộng. Tình yêu đơn sơ ấy lớn lên trong hương lúa non thơm mùi sữa, trong bóng chở che của cổng làng để đến một ngày đẹp tình lúa duyên trăng. Cổng làng làm nhân chứng cho những đêm trăng thề hẹn, cho cái nắm tay vụng về, cho những yêu thương gắn bó. Nhỡ duyên không thành, qua cổng làng chợt nghe bao xao xuyến. Còn khi đôi lứa nên duyên, làm sao quên được cổng làng một thời ngại ngùng, bẽn lẽn…
Cổng làng bao giờ cũng gắn với tuổi thơ của bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Những chiều ra đầu cổng ngóng mẹ chợ về, một cái bánh đa hay một nghìn đồng bánh đúc mà nghe vời vợi tuổi thơ. Những ngày đi học, hẹn nhau đợi cổng làng rồi dung dăng đến lớp tiếng nói cười rộn rã đường quê. Cổng làng gìn giữ cho thuở ấu thơ những gì êm ả, nuôi nấng cho bao đứa trẻ lớn lên, chứng kiến họ trưởng thành, dù có nhiều người một khi thành người chẳng mấy khi về lại cổng làng xưa nữa…
Cổng làng rêu phong mưa nắng, ở ăn gắn bó với làng. Người vãng lai tìm đến, cổng làng trở thành người chỉ đường. Người ở quê đi xa, cổng làng lại gọi về bao nhiêu thương nhớ. Rồi sẽ mất dần những cổng làng xưa khi nhiều cổng chào mới khang trang được xây nên. Chợt nghe lòng xa xót, khi đi xa nhớ làng, muốn tìm về tuổi thơ để được vỗ về đôi chân thấm mệt, ta biết tìm đâu những cổng làng xưa…
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Báo Đắc Lắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét