Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Tạp bút THẦY CÔ TÔI NGÀY ẤY (Phạm Tuấn Vũ)


Có một thời, thầy cô tôi sau buổi lên lớp, có người vào rừng đốn củi về đổi gạo, có người ra đồng gặt mướn, có người ra sông đánh lưới cải thiện bữa cơm chiều vốn không ngày nào đi chợ. Nói ra có lẽ chẳng ai tin. Nhưng thật đã có một thời như thế, lam lũ đói nghèo, thầy cô tôi ngày ấy cũng khó khăn, thiếu thốn mọi bề, một thời bây giờ nhắc lại không ai dám nghĩ đến, và thế hệ trẻ bây giờ chắc cũng chẳng ai có thể hình dung được.

Đó là những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Quê tôi là một xã miền núi cao, thuộc diện nghèo nhất nhì trong huyện. Các thầy cô tôi ngày ấy một phần là người tại địa phương được cho đi học bổ túc rồi về đứng lớp vì ngày đó thiếu rất nhiều giáo viên, phần còn lại là những thầy cô được chuyển công tác từ nơi khác về. Người ở quê đã nghèo thiếu lắm rồi, người được chuyển đến còn chật vật hơn nữa. 

Có một thời các thầy cô tôi ở chung trong một khu nhà tập thể dành cho giáo viên lợp tranh và che bằng phên tre, hễ mưa là nước giọt không chừa chỗ nào; một thời các thầy cô tôi quanh năm lên lớp bằng một bộ đồ tây mặc đến bạc màu sờn vải, bữa cơm nhiều khi phải độn thêm sắn và thức ăn chủ yếu là rau. Ngày ấy lương giáo viên không đủ sống, các thầy cô tôi sau tiết dạy trên trường hầu như ai cũng kiếm việc làm thêm, thậm chí cả những việc chân tay nặng nhọc vốn không quen với người đứng trên bục giảng. Đó là những năm tháng gian khó không thể nào quên mà sau này mỗi lần về thăm lại trường xưa thầy cũ, thầy cô tôi thường nhắc lại cùng nhau.

Cuộc sống các thầy cô ngày ấy chật vật vô cùng, nhưng đổi lại giữa các cô thầy và người dân quê tôi có nhiều kỷ niệm ấm lòng, theo mãi nhau đi qua bao nhiêu đổi thay của cuộc sống. Người quê tôi ngày ấy nghèo lắm, quanh năm làm tắt mặt nhưng nhà nào cũng thiếu ăn. Vậy mà giàn mướp hàng cà ra quả, người làng tôi lại mang đến biếu các thầy cô. Mỗi khi đào khoai lang hay nhổ củ sắn, thể nào bà con trong làng cũng mang đến góp với các thầy cô một thúng để nấu độn với cơm ăn cho đỡ đói, nhất là những ngày mưa dầm quê tôi rất lạnh. Bọn nhỏ học trò chúng tôi ngày đó đứa nào cũng lem luốc, ngày nào sau buổi đến trường cũng ra đồng chăn trâu, tát cá, vào rừng hái rau. Thỉnh thoàng bọn tôi cũng mang cho các thầy cô vài xâu cá đồng, vài lọn rau rừng, các thầy cô vui lắm. 

Ngày ấy kinh tế còn chưa phát triển, người quê tôi làm ăn thủ công nên chẳng bao giờ đạt năng suất cao cả. Làm đủ ăn đã là mơ ước lớn của bà con quê tôi. Có nhiều lần thầy cô tôi đến nhà bà con trong làng, chỉ cho họ những tri thức khoa học về chăn nuôi, trồng trọt. Thậm chí vào mùa vụ, nhiều thầy cô cũng xuống giúp dân làng gặt hái. Mỗi mùa mưa bão về, thầy cô tôi ngày ấy hay đến giúp các gia đình đánh phên, đan tranh, sửa lại nhà cửa. Cứ như thế, người quê tôi coi các thầy cô như anh em, con cái trong nhà.

Có một thời như thế, các thầy cô của tôi thiếu thốn từng bữa cơm cho đến chỗ ăn ở nhưng chưa khi nào hết lòng hăng say, yêu nghề. Có thể sáng nhịn ăn lên lớp, có khi bộ đồ tây đã quá cũ rồi nhưng chưa bao giờ các thầy cô tôi bỏ một tiết dạy nào. Một thời khổ cực đến đỗi lương giáo viên chỉ đủ mua được hơn chục cân gạo nhưng các thầy cô tôi không một ai bỏ nghề. Dù cho có những khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô tôi vẫn đứng vững trên bục giảng, dạy cho từng thế hệ lớn lên, vun đắp cho từng học trò ước mơ thay đổi tương lai bản thân và quê hương. Có một thời khó nghèo như thế, nhưng mỗi lần nhắc đến, tôi lại thấy ấm lòng bởi những kỷ niệm yêu thương và tự hào vì tôi được học những người thầy nghĩa tình, đáng kính ấy.■

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét