Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ, NGUỒN CẢM HỨNG BẤT TẬN CỦA THƠ CA CÁCH MẠNG (Bút danh Tư Hương)



Trong suốt tiến trình 30 năm vận động và phát triển, người lính Cụ Hồ luôn là đề tài phổ biến, nguồn cảm hứng anh hùng ca bất tận của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ cách mạng nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có việc khắc họa thành công nhiều hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ.

Theo suốt hành trình thơ ca cách mạng, ngay từ những tác phẩm đầu tiên, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, con người mới của thời đại, nhân vật trung tâm của lịch sử, đã trở thành đối tượng phản ánh chủ yếu, được xây dựng thành những hình tượng đẹp đẽ. Các nhà thơ tìm đến hình tượng người lính Cụ Hồ trong tâm thế chiêm ngưỡng tầm vóc thời đại của những con người làm nên lịch sử ở thế kỷ XX; đồng thời khơi những mạch nguồn cảm hứng sử thi bất tận về lịch sử dân tộc, về hai cuộc kháng chiến thần thánh, về đất nước và nhân dân…

Bằng niềm ngưỡng mộ và tự hào, các nhà thơ đã tạc nên những tượng đài người lính kỳ vĩ, bất tử trong thơ ca với tất cả những gì đẹp nhất. Đó là hình tượng tuyệt đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ trên đường đi chiến đấu hòa quyện vào cái hùng vĩ của núi rừng Tổ quốc: Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo (Lên Tây Bắc -Tố Hữu). Người lính Cụ Hồ trở thành biểu tượng của chân lý thời đại, của sức sống bất diệt và tinh thần lạc quan của dân tộc: Ở đây bản vắng rừng u tối/ Bộ đội mang theo ánh chói lòa/ Ở đây những mặt buồn như đất/ Bộ đội cười lên tươi như hoa (Lên Cấm Sơn -Thôi Hữu).

Trong cảm hứng bất tận, thơ ca tìm về với những phương diện đời thường của người lính để qua đó nhận chân ra được tầm vóc lịch sử lớn lao của người lính Cụ Hồ, từ đó nâng hình tượng lên những tầm cao mới. Người lính có thể là những nông dân từ nhiều vùng quê nghèo khổ: Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá (Đồng chí - Chính Hữu); là những người bước ra từ đói nghèo, tăm tối: Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi “một hai” (Nhớ - Hồng Nguyên) hay là người trí thức rời xa thành phố để đi theo kháng chiến trường kỳ: Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy (Đất nước - Nguyễn Đình Thi); những thanh niên gác lại giấc mộng riêng tư để một lòng đi đánh giặc: Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm (Ngày về - Chính Hữu)… Nhưng tất cả đều chung một lòng căm thù giặc sục sôi, chung một lòng yêu nước sâu nặng, chung một tình đồng chí keo sơn: Lòng vẫn cười vui kháng chiến/ Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm/ Áo vải chân không/ Đi lùng giặc đánh (Nhớ), Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ (Đồng chí)…

Người lính Cụ Hồ tự nguyện gắn liền hạnh phúc cá nhân với số phận dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, đi đánh giặc cứu nước không ngại gian khổ hiểm nguy, không sợ hy sinh mất mát: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh (Tây Tiến - Quang Dũng). Và nhiều người chiến sĩ đã nằm xuống: Hôm qua còn theo anh/ Đi trên đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ (Viếng bạn - Hoàng Lộc). Để rồi tất cả làm nên sức mạnh vô địch của quân đội ta, của dân tộc ta. Chính những người lính ấy đã làm nên biết bao chiến công lừng lẫy làm chấn động địa cầu: Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng/ Rực trời đất Điện Biên toàn thắng (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu); nâng tầm vóc dân tộc lên ngang tầm thời đại, trở thành biểu tượng của hòa bình và chính nghĩa của nhân loại: Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào anh con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang, bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi (Bài ca xuân 68 - Tố Hữu).

Tiếp nối qua từng thời kỳ, với từng lớp nhà thơ nối tiếp, đề tài anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn là nguồn cảm hứng không vơi cạn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, với lớp nhà thơ trẻ trưởng thành từ trong kháng chiến chống Mỹ vốn phần lớn là những người lính trực tiếp cầm súng ra chiến trường, hình ảnh người lính Cụ Hồ trong thơ được khắc họa sinh động, gần gũi hơn. Có hình ảnh người bộ đội luôn trung thành với lý tưởng sáng ngời trong thơ Vũ Cao: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường (Núi đôi), có hình ảnh người chiến sĩ với tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt trong thơ Chế Lan Viên: Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông (Sao chiến thắng), có hình ảnh người lính trong đau thương, mất mát càng thêm căm thù giặc và son sắt một lòng với cách mạng trong thơ Lê Anh Xuân: Dù trên đường còn những hố bom/ Dù áo em vẫn còn mảnh vá/ Chỉ có trái tim chung thủy sắt son/ Và khẩu súng trên tay cháy bỏng căm hờn (Trở về quê nội), có hình ảnh người chiến sĩ luôn yêu đời, lạc quan và kiên định dù hoàn cảnh chiến đấu hiểm nguy trong thơ Phạm Tiến Duật: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng (Bài thơ về tiểu đội xe không kính), có hình ảnh những anh bộ đội được sống trong sự yêu thương, đùm bọc, tin tưởng của nhân dân trong thơ Hoàng Trung Thông: Các anh về mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười/ Rộn ràng xóm nhỏ/ Các anh về tưng bừng trước ngõ/ Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con ở rừng sâu mới về (Bộ đội về làng)… Tất cả đều được khắc họa một cách hết sức đẹp đẽ.

Có thể nói, trong suốt quá trình vận động và phát triển, chưa bao giờ hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ vắng bóng trong thơ ca cách mạng. Nói cách khác, cảm hứng về đề tài người lính chưa bao giờ đứt đoạn trong thơ ca cách mạng nước ta. Các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ viết nhiều và hầu như tác giả nào cũng đều có những tác phẩm thành công về đề tài này. Nhiều đỉnh cao của thơ ca cách mạng là những tác phẩm viết về người lính. Dù ở mỗi chặng đường phát triển, hình tượng người lính Cụ Hồ trong thơ có những sắc thái đa dạng nhưng tất cả đều là những hình tượng thật đẹp, những tượng đài bất tử.

Thân thương sao tiếng gọi anh Bộ đội Cụ Hồ. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, giáo dục mà ngày càng lớn mạnh, thực sự trở thành đội quân tiên phong, anh hùng. Và người lính, anh Bộ đội Cụ Hồ với lý tưởng cao đẹp “Trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” (Chủ tịch Hồ Chí Minh) là niềm tự hào của đất nước, niềm tin yêu của nhân dân. Điều này phần nào được thể hiện rất rõ trong thơ ca cách mạng nước ta với hình tượng người lính được khắc họa hết sức đẹp đẽ cùng một nguồn cảm hứng về đề tài anh Bộ đội Cụ Hồ chưa bao giờ vơi cạn.

Tư Hương
Bài đã đăng trên Tạp chí Lang Bian


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét