Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Tạp bút GIÀN BẦU CỦA MẸ (Phạm Tuấn Vũ)



Năm nào nhà tôi cũng có một giàn bầu trước ngõ. Giàn bầu ấy mẹ tôi trồng. Mẹ tôi cả đời làm ruộng, chỉ biết quanh quẩn sau lũy tre làng với cánh đồng, mảnh vườn. Chợ tỉnh, chợ huyện bà mới ra được vài lần, sau này tôi định chở mẹ xuống phố mua sắm, bà lại bảo chỗ ấy đông người, mẹ… sợ. Qua năm này tháng nọ, mẹ tôi chỉ loanh quanh trong xóm, ra chợ làng, thăm vài người bạn láng giềng rồi lại trở về với căn nhà, góc sân, lại tự tay ươm trồng, vun vén cho hàng cà giàn mướp. Mẹ tôi thích ăn bầu, bà bảo ăn bầu người mát, nên năm nào cũng trồng một giàn trước ngõ cho trái sum suê.

Mẹ tôi là người kỹ tính. Từ việc để giành hạt giống mùa trước, cho đến ươm hạt lên mầm, bắc giàn cho bầu bò lên, bà đều làm tỉ mỉ. Có lần mẹ đi làm đồng, tôi ở nhà nấu cơm trưa. Tôi ra giàn bầu hái một quả đẹp nhất vào nấu canh cho mẹ. Tưởng rằng trưa mẹ về sẽ vui bởi bữa cơm do thằng con vụng về như tôi nấu. Ngờ đâu, khi mẹ về, tôi thấy mặt mẹ không vui: “Con hái trái bầu lớn nhất giàn rồi phải không”. Tôi hồ hởi dạ. Mẹ thở dài “Trái đó mẹ để làm giống mà”. Tôi mới ngớ người ra, bao giờ mẹ cũng để trái ra đầu tiên lấy hạt cho năm sau trồng. Rồi bà gõ đầu tôi, trái đầu tiên để giống mới tốt, lần sau làm gì cũng phải để ý nghe con. Tôi chỉ biết cười xòa. Rồi tự tay mẹ dọn cơm cho tôi.

Mẹ tôi cả đời lặng lẽ. Có niềm vui nỗi buồn nào bà cũng giấu cho riêng mình, nếu có nói ra cũng chỉ nói với dây bầu, quả bí bằng ngôn ngữ của ánh mắt thoáng buồn mà tôi chẳng bao giờ hiểu được. Tôi ngày ấy vô tư đến độ dại khờ, chưa một lần chợt nghĩ về những nỗi lòng của mẹ. Chỉ riêng giàn bầu thương mẹ nhọc công, lam lũ mà năm nào quả cũng sai. Có năm giàn bầu trĩu trái, mẹ chọn những quả đẹp nhất hái mang đi biếu từng nhà trong xóm. Tôi hỏi mẹ sao không bán lấy tiền. Mẹ chỉ cười: “Chẳng được mấy đồng đâu con, láng giềng chỗ tình nghĩa giúp nhau”. Tôi hồi ấy hay làm phép tính nhân, nếu bán cả giàn bầu thì nhẩm ra cũng được vài trăm nghìn đồng chứ ít gì. Rồi tôi thấy tiếc, sao mẹ không bán để có thêm vài đồng, bớt lại vài ngày đi làm mướn nhỉ. Sau này đi ra với cuộc đời, được bạn bè cưu mang, tôi mới hiểu hết lời của mẹ.

Giàn bầu trước ngõ được mẹ tôi nâng niu lắm. Mỗi ngọn bầu non bò ra, bà lại bắc lên giàn cho ngay ngắn. Chiều chiều mẹ lại ra mương xách nước về tưới gốc bầu. Từng quả bầu bụ bẫm, mẹ gửi gắm yêu thương như chính bà bao giờ cũng thương yêu, kỳ vọng vào đứa con trai mình. Giàn bầu nhà tôi do vậy mà bao giờ cũng xanh mượt, ai đi ngang qua cũng tấm tắc khen. Mẹ tôi vui, một niềm vui đơn sơ thầm lặng. Giàn bầu thương mẹ nên cứ đâm ngọn, xanh rợp cả con ngõ quê nhà. Mẹ thường ra ngồi dưới giàn bầu hóng mát mỗi trưa hè hay cùng bạn trong xóm ngồi uống nước chè, nói chuyện vào những buổi chiều khi việc ruộng đồng đã xong. Sau này tôi xa nhà đi học, mỗi lần gọi điện về, mẹ lại nhắc mùa này bầu cho nhiều quả non, con về mà ăn canh bầu với mẹ.

Còn gì ngon bằng bát canh bầu mẹ nấu. Nhà tôi ngày xưa nghèo lắm, chẳng bao giờ có được tôm mà nấu với bầu. Nhưng bát canh đơn sơ mẹ nấu, tôi vẫn thích ăn nhất đến giờ. Có lần về quê, tôi mua một cân tôm tươi cho mẹ nấu canh với bầu. Ăn lần đầu mẹ bảo cũng ngon nhưng lần sau không thích nữa. Tôi chợt băn khoăn, hay là mẹ không ăn được tôm. Cả một đời khổ nghèo, mẹ thành ra quen miệng với những món đạm bạc. Bà hay bảo, canh bầu đã ngọt mát rồi, cần gì cho thêm tôm nữa. Tôi chợt giật mình, hay là những năm tháng sống nơi phố thị, tôi đã quên hương vị quê nhà mất rồi…

Chiều nay hết việc, một phút thảnh thơi, tôi chợt nghĩ về mẹ. Gọi điện về hỏi thăm, bà lại bảo, bây giờ bầu đang nhiều quả non, con có rảnh thì về ăn canh bầu với mẹ. Chợt thấy thương giàn bầu trước ngõ, bao nhiêu năm tháng cứ ăn ở thủy chung, thương mẹ tảo tần mà mùa nào cũng tươi tốt. Còn tôi, tôi cứ đi hoài…

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Báo Đắc Lắc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét