Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN “TÔI ĐI HỌC” CỦA THANH TỊNH (Phạm Tuấn Vũ)


Nhận định về phong cách Thanh Tịnh, SGK Ngữ văn 8 viết: “Sáng tác của Thanh Tịnh nhìn chung đều toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo”. Tôi đi học (in trong tập truyện Quê mẹ, xuất bản lần đầu năm 1941) là truyện ngắn rất tiêu biểu cho phong cách này. Truyện kể về những kỉ niệm êm đềm của ngày đầu tiên đến trường, được chọn làm bài mở đầu cho chương trình Ngữ văn lớp 8. Đây là một truyện giàu chất thơ, thể hiện đậm nét trên mọi phương diện của tác phẩm.

Đề tài

Truyện viết về đề tài kỉ niệm thời đi học. Trong cuộc đời đi học của mỗi người, sẽ có nhiều lần dự khai giảng khác nhau. Nhưng Thanh Tịnh đã chọn lần đầu tiên cho câu chuyện của mình. Đây là dụng ý của tác giả. Bởi những gì gắn với lần đầu tiên bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm, những xúc cảm khó quên. Nhân vật tôi trong truyện cứ hằng năm vào cuối thu lại nhớ về những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên. Bởi đơn giản, những “cảm giác trong sáng” của ngày đầu đi học ấy, “tôi quên thế nào được”.

Hơn nữa, đề tài của truyện gắn liền với mái trường, với tuổi thơ, với trẻ con là những gì vô tư, trong sáng, đẹp đẽ nhất. Khác với những dạng đề tài thế sự, chiến tranh, thân phận con người… đề tài kỉ niệm mái trường thường thuần phác hơn, không có sự pha trộn và đặc biệt, không có sự xuất hiện của sự tranh đấu, nghi kị, giết chóc, dằn vặt, hận thù, lừa lọc… Rõ ràng, với việc lựa chọn đề tài này, tác giả đã có nhiều điều kiện để triển khai, phát triển mạch trữ tình và chất thơ trong truyện của mình, một trong những đặc điểm quan trọng làm nên phong cách Thanh Tịnh.

Cốt truyện

Tôi đi học gần với thể loại hồi kí, tản văn hơn là truyện ngắn. Bởi tác phẩm này gần như không có cốt truyện. Thông qua hồi tưởng của nhân vật “tôi”, truyện chỉ đơn thuần kể lại theo thời gian tuyến tính buổi sáng của ngày đầu tiên đi học, từ lúc theo mẹ đến trường cho tới khi vào lớp học. Không có những xung đột, kịch tính, những tình huống bất ngờ hay biến cố đột ngột, câu chuyện vì thế không gây ra sự hồi hộp, căng thẳng. Thay vào đó là cảm giác êm ái, trong trẻo gắn với cảm xúc về lần đầu tiên đến trường của “tôi”. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất thơ cho tác phẩm này.

Không xuất hiện nhiều nhân vật (trong truyện chỉ có nhân vật “tôi”, người mẹ, ông đốc, người thầy trẻ tuổi và những người học sinh, người đi đường. Hầu hết các nhân vật đều không có tên, trừ thằng Quý, thằng Sơn và thằng Minh không xuất hiện trực tiếp trong câu chuyện mà chỉ được “tôi” nhắc lại), không có quá nhiều lời thoại (cả truyện có tổng cộng 5 lời thoại, trong đó chỉ có 2 lượt là đối thoại), chủ yếu trong truyện là dòng cảm xúc miên man và những suy nghĩ dường như không dứt của nhân vật chính. Có thể nói, cùng với yếu tố không có cốt truyện, ít nhân vật và lời thoại, dòng cảm xúc và độc thoại nội tâm xuyên suốt tác phẩm làm cho câu chuyện trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng hơn. Chất thơ vì thế cũng có điều kiện biểu hiện rõ nét hơn.

Giọng điệu 

Không hề xuất hiện các giọng điệu thường gặp trong truyện ngắn (nhất là truyện hiện thực phê phán) như giọng mỉa mai, chế giễu, coi thường (như trong truyện Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng); giọng đau buồn, uất ức, bất bình (như trong truyện Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố), giọng lạnh lùng, khách quan, triết lí (như trong truyện Nam Cao)… chủ yếu trong Tôi đi học là giọng điệu tâm tình, êm ái. 

Tôi đi học gần với giọng điệu của truyện Tự Lực văn đoàn, đặc biệt gần với giọng điệu truyện ngắn Thạch Lam hơn cả. Bởi về cơ bản, truyện ngắn của Thanh Tịnh viết theo khuynh hướng chủ nghĩa lãng mạn. Không có thái độ đay nghiến, chua chát, phẫn uất, khổ đau, lạnh lùng, giễu nhại hay suồng sã, Tôi đi học êm dịu như một bài thơ mà ở đó, mỗi dòng văn như là một tâm tình, một kí ức ngọt ngào mà tác giả muốn thủ thỉ, sẻ chia cùng độc giả. Giọng điệu tâm tình cùng với những tình cảm trong sáng làm nên chất thơ cho truyện ngắn này.

Hình ảnh

Trong truyện ngắn Tôi đi học, hình ảnh được tác giả huy động sử dụng với tần số lớn. Các hình ảnh này đều mang những đặc điểm chung: đẹp, lãng mạn và thi vị.

Ngay ở phần mở đầu câu chuyện, tác giả đã dựng nên một khung cảnh cuối thu tuyệt đẹp để làm “chất xúc tác” cho những kỉ niệm tuổi thơ ùa về: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”.

Dọc theo câu chuyện, những hình ảnh giàu chất thơ như vậy thường xuyên xuất hiện: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”, “người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa”, “trường Mĩ Lí vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hoà Ấp”, “một con chim liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao”…

Những hình ảnh so sánh trong truyện cũng thật đẹp, gợi cảm: “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”, “ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”, “họ như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”…
Có thể nói, trong một dung lượng truyện tương đối nhỏ, những hình ảnh lãng mạn, ý vị được sử dụng với số lượng khá lớn đã góp phần làm cho câu chuyện trở nên giàu chất thơ, hình tượng trong truyện trở nên lung linh, đẹp hơn rất nhiều.

Từ ngữ và câu văn

Từ ngữ và câu văn cũng là một trong những phương diện góp phần quan trọng vào việc làm nên chất thơ trong truyện ngắn Tôi đi học. Dễ dàng nhận ra những đặc điểm độc đáo, nổi bật của từ ngữ và câu văn trong truyện ngắn này:

Truyện được huy động sử dụng một lượng từ láy cực lớn: 61 lần từ láy xuất hiện. Trong đó, có nhiều từ láy giàu sức tạo hình (bàng bạc, mơn man, quang đãng, xinh xắn, tươm tất, cao ráo, sạch sẽ, sáng sủa…), có sở trường trong việc miêu tả cảnh vật (tưng bừng, rộn rã, rộn ràng, vắng lặng...), miêu tả tình cảm, tâm lí con người (nao nức, rụt rè, âu yếm, non nớt, ngập ngừng, chơ vơ, lúng túng, vụng về, ước ao, lưu luyến, quyến luyến, thèm thuồng, thút thít…). Như vậy, không chỉ xuất hiện với tần suất rất lớn (88 câu có đến 61 từ láy, tỉ lệ 0,69 từ/câu, lớn hơn tỉ lệ từ láy trong phần lớn các bài thơ, điều đặc biệt hiếm gặp trong một truyện ngắn), từ láy trong tác phẩm còn được khai thác các sở trường một cách hiệu quả, mang đến cho câu chuyện những chi tiết được miêu tả một cách chính xác, tinh tế; đồng thời, làm cho truyện thêm giàu hình tượng, giàu chất thơ hơn.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ truyện còn có những đặc điểm nổi bất khác như: Sử dụng nhiều tính từ (125 từ), lời văn dung dị, trong sáng, ít sử dụng từ Hán Việt (137 từ, rất thấp so với tương quan hơn 70% từ vựng tiếng Việt là từ Hán Việt), trong đó hầu hết là những từ Hán Việt đã được Việt hóa hoàn toàn, quen thuộc trong đời sống ngôn ngữ của người Việt (cảm giác, hoa, thu, như, đầu tiên, cảnh vật, tự nhiên, trang trọng, áo quần, sách, bút, học, cảm tưởng, cảm động, oai nghiêm, phụ huynh, kỉ niệm, tưởng tượng, ông, thân, toàn thân,…).

Về câu văn, truyện sử dụng nhiều câu dài (có những đoạn văn chỉ là một câu), mở rộng nhiều thành phần, sử dụng nhiều từ có thanh bằng, âm mở để tạo nên nhịp điệu êm ái, âm điệu du dương như: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” (một đoạn, 18/34 âm tiết là thanh bằng); “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng” (một đoạn, 15/28 âm tiết là thanh bằng); “Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lê Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết” (một đoạn, 17/32 âm tiết là thanh bằng)…

Rõ ràng, ngôn ngữ truyện với những đặc điểm trên đã có vai trò quan trọng trong việc tạo nên âm hưởng êm dịu, du dương, tha thiết, gợi cảm, giàu nhạc tính cho tác phẩm, qua đó, góp phần cùng các phương diện khác làm nên chất thơ đậm nét trong truyện ngắn Tôi đi học, một sáng tác của Thanh Tịnh nói riêng và truyện ngắn theo khuynh hướng lãng mạn của văn học Việt Nam thời kì 1932-1945 nói chung.

Sáng tác của Thanh Tịnh mang một phong cách rất độc đáo. Thạch Lam, bạn văn cùng thời đã nhận định về ông như sau: “Truyện ngắn nào hay đều có chất thơ, và bài thơ nào hay đều có cốt truyện”. Thật vậy, theo như Trần Hữu Tá: “Nhìn chung, tác phẩm Thanh Tịnh đậm chất trữ tình. Thông qua tâm hồn tác giả, hiện thực cuộc sống được phản ánh giản dị mà sâu sắc, không phải chỉ ở bề ngoài, mà ở cái linh hồn sâu kín bên trong. Văn Thanh Tịnh gợi cảm, đằm thắm và trong sáng” (Từ điển văn học - nxb Thế giới, H., 2004). Tôi đi học, một truyện ngắn giàu chất thơ, là tác phẩm rất tiêu biểu cho điều này.

Quy Nhơn, 7.7.2015
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên:
- Báo Giáo dục và Thời đại
- Tạp chí Văn hóa Phật giáo
- Tạp chí Chư Yang Sin
- Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét