Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

VỀ MỘT HÌNH VỊ "HỒNG"


Trong tiếng Việt, có nhiều từ mang hình vị (đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất có nghĩa) “hồng” được vay mượn từ tiếng Hán. Trong đó, có không ít từ khiến nhiều người không hiểu hoặc nhầm lẫn về nghĩa. Nguyên nhân chính là ở hình vị “hồng”.

Hình vị “hồng” gốc Hán trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, như: 1. Tên một loài chim (trong các từ chim hồng, hồng mao); 2. Màu đỏ, màu hồng (trong hồng nhan, hồng cầu, hồng y, hồng tâm); 3. Nghĩa gốc là “nước lũ”, nghĩa chuyển là “lớn lao”... Trong đó, “hồng” với nghĩa “lớn lao” (bộ thủy) là một hình vị phụ thuộc (tức không thể hoạt động độc lập như một từ mà chỉ tồn tại bên trong từ cùng với một hoặc một số hình vị khác).

Vì là hình vị phụ thuộc nên phạm vi hành chức của “hồng” này khá hẹp, chủ yếu tồn tại trong một số từ cũ, từ văn chương. Thực tế, “hồng” này khá xa lạ với tâm thức ngôn ngữ người Việt. Phần lớn người Việt không nắm rõ nghĩa của từ này. Cho nên dẫn đến nhiều từ mang hình vị “hồng” này bị nhầm/ không rõ nghĩa.

Chẳng hạn, nhiều từ được dùng khá phổ biến hiện nay nhưng nhiều người không rõ “hồng” là gì nên dẫn đến không rõ nghĩa như hồng phúc, (đại) hồng thủy, (đại) hồng chung... Thực ra, “hồng phúc” có nghĩa là “phúc lớn”, “hồng thủy” là “nước lớn, tức nước lũ”, “hồng chung” nghĩa là “chuông lớn”. Cả ba từ này mang một nét nghĩa chung là “to lớn” do hình vị “hồng” trên quy định.

Nhiều người cho rằng “sông Hồng” là “sông có nước màu đỏ” (hình vị “hồng” với nghĩa “màu đỏ” (bộ mịch) vì cho rằng có nhiều thời điểm, nước của con sông này “đỏ nặng phù sa”. Thực ra, sông Hồng là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi Bắc Bộ. Con sông này còn có nhiều tên khác…Trong đó, sông Cái là tên phổ biến nhất trong dân gian của sông này. Trong tiếng Việt, “cái” có nghĩa là “mẹ” (trong từ “cái con”), rồi phái sinh nghĩa “đứng đầu, lớn nhất”. “Sông Hồng” vì vậy đơn giản là con sông lớn thôi.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định, 14.4.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét