(GLO)- Lên Phố núi Pleiku, tôi được thưởng thức nhiều món ăn nổi tiếng. Ngoài phở khô, cơm lam, gà nướng… là những món ăn trứ danh của Gia Lai, tôi còn được thưởng thức một đặc sản nữa là món bún mắm cua.
Tôi ăn bún mắm cua lần đầu tiên ở quán 87 đường Phan Đình Phùng. Tôi tìm đến món ăn này chủ yếu là để thỏa trí tò mò. Trước khi đến với Pleiku, tôi được bạn bè giới thiệu rất nhiều về món ăn “nghe là ghê, ăn là mê” này nên quyết tâm tìm ăn cho biết. Ban đầu tôi cũng chỉ định ăn thử một lần, vì những món ăn thuộc “dòng” mắm nói thật là tôi không thích lắm.
Nhưng rồi cuối cùng tôi lại phải thay đổi ý định. Tôi phải tìm đến bún mắm cua nhiều lần. Tôi còn đến nhiều quán khác như quán 339 Lê Duẩn, quán 38 Nguyễn Thiện Thuật, quán đường Ngô Gia Tự, quán ở góc đường Phùng Hưng… để tận hưởng những hương vị khác nhau của món ăn độc đáo nơi Phố núi này.
Bún cua gây ấn tượng đặc biệt với tôi bởi hương vị có một không hai trên đời của nó. Trước khi chở tôi đến quán 87 Phan Đình Phùng, bạn tôi đã cảnh báo trước, nếu ăn không quen thì bún mắm cua sẽ rất khó ăn, thậm chí còn dọa nếu không đủ… can đảm thì không nên thử. Tôi tin bạn và cũng chỉ nghĩ rằng mình sẽ cố ăn thử một lần cho biết thế nào. Nhưng rồi, bún mắm cua lại thuyết phục được một người khá kỹ trong chuyện ăn uống như tôi ngay trong lần đầu tiên.
Ấn tượng đầu tiên của tôi, và có lẽ với tất cả những thực khách lần đầu tiên thưởng thức bún mắm cua chúng là mùi vị rất lạ của món ăn này. Người Phố núi gọi đây là món bún cua thối có lẽ cũng chính từ mùi vị đặc trưng của nước dùng được nấu từ cua bằng cách rất riêng của món ăn này (thực tế thì cua được xay nấu nước dùng đều là cua tươi, sống chứ không hề là cua ương, thối).
Chính việc nước dùng được nấu từ cua xay đã ủ cho lên men chua là bí quyết làm nên hương vị đậm đà nhưng cũng không kém phần khác lạ, độc đáo của món bún mắm cua Gia Lai. Với người lần đầu ăn bún mắm cua, hương vị lạ lẫm này có thể gây khó chịu. Nhưng cứ thử một hai lần, chắc chắn thực khách sẽ đâm ra ghiền. Bởi món ăn dân dã này lại có một sức quyến rũ kỳ lạ mà không phải thứ cao lương mĩ vị nào cũng làm được. Ngay cả một người vốn không chuộng “dòng mắm” như tôi cũng nghiện đặc sản này.
Ăn bún mắm cua nhiều lần, tôi còn biết được nhiều giá trị văn hóa từ món ăn dân dã này. Tôi được biết, cũng như bánh hỏi, bún mắm cua Gia Lai có nguồn gốc từ Bình Định, được người dân Bình Định lên cao nguyên Gia Lai lập nghiệp mang theo. Dần dà theo thời gian, hai món ăn này trở thành đặc sản của Gia Lai. Với người dân Phố núi, bún mắm cua, bánh hỏi cháo lòng từ lâu đã trở thành món ăn thân quen, là niềm tự hào khi kể về quê hương, là nỗi nhớ quê nhà mỗi lúc đi xa…
Mỗi lần lên Phố núi, tôi đều cùng người bạn thời đại học lê la hết các quán bún mắm tôm ở Pleiku. Có thể là bởi tôi rất thích món này. Cũng có thể là một cách để tôi thỏa nỗi nhớ mỗi khi ở xa và tận hưởng Pleiku khi trở về giữa lòng Phố núi.
Lên Phố núi, nếu chưa thưởng thức phở khô, bún mắm cua, coi như bạn chưa gặp Pleiku…
PHẠM TUẤN
Đăng trên mục "Điểm đến Gia Lai", báo Gia Lai ngày 3.4.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét