(GLO)- Có dịp về thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, du khách hãy một lần lên đồi Thi Nhân, rồi lần vào thung lũng Quy Hòa bình yên viếng nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Bình Định được xem là vùng “đất võ trời văn” và Quy Nhơn được nhiều người gọi là “thành phố thi ca”. Mảnh đất này từng sản sinh ra, gắn bó với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ tài năng Việt Nam thế kỷ XX như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Hổ… Trong đó, Hàn Mặc Tử là cái tên đã trở thành huyền thoại.
Hàn Mặc Tử là nhà thơ xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông quê ở Đồng Hới, Quảng Bình nhưng cuộc đời và sự nghiệp văn học lại có nhiều duyên nợ với Quy Nhơn. Vì cha là Nguyễn Văn Toản làm thông ngôn, kí lục từng nhiệm sở ở Quy Nhơn nên thời thơ ấu, Nguyễn Trọng Trí (tức Hàn Mặc Tử) từng có thời gian sống và học tập tại đây. Cũng tại thành phố biển này, ông khởi xướng ra Trường thơ Loạn; cùng với Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên là những nhà thơ ở Quy Nhơn nổi tiếng trong phong trào thơ Mới lập ra nhóm Bàn Thành tứ hữu gây được tiếng vang khắp trong Nam ngoài Bắc.
Cũng chính Quy Nhơn là nơi gắn với những năm cuối đời của nhà thơ tài hoa bạc mệnh này. Sau khi phát hiện bệnh phong đã nặng, ngày 20-9-1940, với số hiệu bệnh nhân 1134, Hàn Mặc Tử về Quy Nhơn để chữa bệnh tại nhà thương Quy Hòa là bệnh viện điều trị bệnh phong tốt nhất thời bấy giờ. Chưa đầy hai tháng sau, vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11-11-1945, ông trút hơi thở cuối cùng tại đây, kết thúc một cuộc đời đau thương ngắn ngủi. Lúc đầu, Hàn được an táng tại làng phong Quy Hòa. Ngày 13-2-1959, em trai Mặc Tử là Nguyễn Bá Tín đã dời mộ ông về Ghềnh Ráng, đặt tại đồi Thi Nhân, cách Quy Hòa khoảng 5 km về phía Đông Nam.
Hiện nay, tại làng phong Quy Hòa, ngôi mộ ban đầu của Hàn Mặc Tử vẫn còn được lưu giữ. Căn phòng nơi ông nằm dưỡng bệnh và qua đời trở thành phòng lưu niệm. Du khách xa gần về Quy Nhơn, ai cũng muốn lên đồi Thi Nhân viếng mộ Hàn, tới Quy Hòa để tưởng nhớ đến chàng thi sĩ tài năng nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Cuộc đời nhiều duyên nợ với Quy Nhơn, lúc trở về với hoa cỏ cũng được nằm lại cùng Quy Nhơn ngàn năm nghe trăng reo sóng vỗ. Âu đó cũng là niềm an ủi đối với chàng thi sĩ khổ đau Hàn Mặc Tử.
Đồi Thi Nhân nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, gần bãi đá Hoàng Hậu, bãi tắm Tiên Sa, hòn Vọng Phu là những cảnh đẹp nổi tiếng của thành phố Quy Nhơn. Đây là ngọn đồi đẹp và khá cao, lưng tựa vào đèo Cù Mông, mặt chồm ra biển. Lên đồi Thi Nhân, du khách có thể đi bằng ô tô, xe máy. Du khách cũng có thể đi bộ theo “đường lên dốc đá” Mộng Cầm để viếng nơi Hàn yên nghỉ. Từ đồi Thi Nhân, du khách có thể quay ngược ra quốc lộ 1D hoặc men theo con đường nhỏ giữa lưng chừng đồi - biển để đến nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử nằm giữa làng phong Quy Hòa yên bình và thơ mộng.
Nhiều du khách khi về Quy Nhơn đều tranh thủ thời gian để lên đồi Thi Nhân viếng Hàn Mặc Tử, thắp nén nhang thơm tưởng niệm người nghệ sĩ tài hoa bạc phận có những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Nơi ông yên nghỉ hiện nay mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến thăm. Có lẽ, nơi tinh cầu xa thi nhân không còn giá lạnh như những ngày nằm bệnh cô độc giữa Quy Nhơn đìu hiu nằm nghe biển reo, trăng gọi và viết nên những vần thơ đau thương: “Ta truốt linh hồn giữa chốn đây/Gió sầu vô hạn nuối trong cây…”.
TƯ HƯƠNG
Đăng trên mục "Du lịch", báo Gia Lai ngày 2.4.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét