Phần lớn người Việt - khi nói cũng như viết - đều hiểu “đệ tử Lưu Linh” là những người hay uống rượu, thậm chí là nghiện rượu, không phải là nhân vật tích cực. Vậy, “Lưu Linh” là ai?
Ngữ liệu trên vốn là một điển tích bắt nguồn từ lịch sử Trung Hoa. Vào cuối đời Ngụy đầu đời Tấn có một người là Lưu Linh. Ông tự Bá Luân, một trong bảy thành viên của “Trúc Lâm thất hiền” - nhóm những học giả, nhà văn và nhạc sĩ theo trường phái Đạo giáo.
Bên cạnh năng lực trí tuệ, học vấn, Lưu Linh nổi tiếng về khả năng uống rượu, suốt đời xem rượu là bạn và lấy rượu làm vui. Lưu Linh học rộng tài cao nhưng không màng danh lợi. Tương truyền, ông thường ngồi trên một chiếc xe hươu kéo với những vò rượu lớn và uống triền miên, sai người vác cuốc theo sau và bảo mình chết ở đâu thì chôn ở đó. Ông có bài Tửu đức tụng ca ngợi đức của rượu và người uống rượu được người đời truyền tụng.
Từ tích truyện trên, ngữ liệu “Lưu Linh” và hình thức phái sinh “đệ tử Lưu Linh” đi vào ngôn ngữ văn chương và đời sống với hàm nghĩa chỉ những người say sưa rượu chè. Bên cạnh đó, vì Lưu Linh coi thường danh lợi, chỉ thích lang thang đây đó nên ngữ liệu trên còn mang hàm nghĩa chỉ những người trôi nổi đó đây, không nghề nghiệp ổn định. Thành ngữ “Lưu Linh lạc địa” chính là từ hàm nghĩa này.
Trong ngôn ngữ đời sống, nhất là ngôn ngữ báo chí, cụm từ “đệ tử Lưu Linh” được sử dụng khá phổ biến. Gõ từ khóa “đệ tử Lưu Linh” trong công cụ tìm kiếm Google, ta được khoảng 3,61 triệu kết quả trong vòng 0,34 giây! Trong đó, không ít trường hợp viết sai khi không viết hoa tên người là Lưu Linh.
Trong tiếng Việt, có nhiều cụm từ, cách diễn đạt giàu hình ảnh có thể thay thế cho ngữ liệu trên như kẻ/ người + nghiện rượu/ nát rượu/ be bét rượu chè/ rượu chè bê tha/ say sưa tối ngày, ma men… Thiết nghĩ, không nên lạm dụng ngữ liệu “đệ tử Lưu Linh” vốn xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc và tâm thức ngôn ngữ người Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 28.4.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét