Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Tạp bút NIỀM VUI TỪ MỘT CHÉN TRÀ (Bút danh Tư Hương)


Anh bạn tôi nhỏ hơn tôi vài tuổi, còn là sinh viên, nhưng lại có sở thích thưởng thức trà hàng ngày. Mỗi buổi sáng thức dậy, anh bạn tự pha cho mình một ấm trà thơm nóng rồi ngồi nhâm nhi đọc sách. Những khi tôi đến chơi, thể nào anh bạn cũng pha một ấm trà thật đậm ngon mời tôi. Biết anh bạn có sở thích này nên nhiều lần đến tôi thường mua theo một gói bánh ngọt, thế là anh em lại có một buổi uống trà, ăn bánh nói chuyện thật hợp ý.

Cũng vì sở thích này mà bạn tôi hay bị bạn bè trêu chọc, rằng thanh niên gì mà cứ như ông già, bia rượu cà-phê thì họa hoằn gọi mãi mới chịu đi, còn nhắc đến trà thì khoái cả chí, cứ có bộ ấm là tìm trà pha ngay. Thật ra thì mấy lời này cũng chỉ để đùa cho vui, nên anh bạn tôi cũng chẳng quan tâm mấy. Tôi cũng hay nói đùa rằng anh ta là đệ tử trung thành nhất của thú uống trà, anh bạn chỉ cười.

Anh bạn ấy hay bảo cùng tôi, uống trà có những thú vui mà mấy món kia không có được. Anh lý giải thế này. Bia rượu đem lại hưng phấn cho con người nhưng quá chén một tý lại thành ra luông tuồng. Mặc dù ngày nay hầu như người ta giải quyết mọi công việc trên bàn… nhậu; nhưng cũng chính từ bàn nhậu mà người ta đánh đổ cả tương lai và sự nghiệp của mình. Đấy là chưa kể bia rượu mang lại vô số tai hại cho sức khỏe, nhất là với thần kinh con người. Vậy mà ngặt chỗ, người ta ngày nay lại tìm đến rượu bia nhiều nhất. Anh bạn tôi hay bảo, giá mà bia rượu chỉ vừa đủ độ làm người ta hứng thú mà không thể làm họ say thì thế giới này đã tránh được biết bao nhiêu là tai họa rồi. Nhiều tai nạn giao thông thảm khốc, nhiều gia đình đổ vỡ hạnh phúc, nhiều người vất việc làm chỉ vì một lời nói, hành động không làm chủ được… đều từ say xỉn mà ra. Rượu bia lợi cũng có nhưng cái hại thì nhiều hơn gấp bội.

Tôi lại hỏi anh ta về ly cà-phê, anh ta bảo thế này. Người ta tìm đến cà-phê có khi để tìm cho riêng mình một phút thư giãn sau nhiều thì giờ làm việc căng thẳng, có khi như là một cách giết chết thời gian, cũng có khi là dịp gặp gỡ, giao lưu với mọi người. Con người ta không thể sống tách biệt, ai cũng có nhu cầu giao tiếp, nối kết. Việc chọn cho mình một góc quán thân quen với bạn bè hoặc với riêng mình là điều không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người. Một số người lại có thói quen tìm cảm hứng làm việc từ một ly cà- phê, có thể ở quán hoặc tự pha cho riêng mình khi ở nhà hay trong công sở. Cà-phê ngày nay đã như một phần không thể thiếu để làm nên hương vị cuộc sống. Nhưng cũng có những điều lợi bất cập hại, như việc nhiều người hằng ngày vẫn bỏ ra hàng tiếng đồng hồ lê la ở quán cà-phê, giết thời gian bằng những cuộc chuyện trò trên trời dưới đất vô bổ. Nhiều bạn trẻ ngày nay thích những buổi lê la quán xá hơn là chuyện học hành. Nhiều người nghiện cà-phê tới mức ngày nào mà không có vài ba cữ là không thể chịu nổi, cơm ăn không ngon, trong người ủ rũ, không làm được việc gì. Đây là điều rất đáng lo.

Người ta có thể tìm đến bia rượu, cà-phê để có thể có được điều lợi hoặc chấp nhận điều hại; nhưng từ chén trà ta có thể tìm được nhiều niềm vui. Trà không uống ở chốn đông người, ở nơi ồn ào náo nhiệt, cũng không thể uống với quá nhiều người. Thưởng thức trà phải ở nói yên tĩnh, xa chỗ đông người, phải với người tâm đầu ý hợp. Chén trà thơm làm cho người ta khoan khoái. Trà không làm người ta say sưa, không đem lại niềm vui quá khích, không gợi lại nỗi buồn phiền, càng không để người ta rơi vào trạng thái hư vô, mất niềm tin mất phương hướng. Một chén trà có thể làm cho người ta thêm tĩnh tâm, khiến tâm hồn bình tịnh, thư thái, giúp trí tuệ minh mẫn. Trà không thích màu mè, không cần những chỗ sang trọng. Một góc vườn có bóng cây tiếng nước, một thư phòng bài trí giản dị mà vừa ý hay một căn phòng đơn sơ nhưng ấm cúng là nơi người thưởng thức mới có thể thấy hết cái thú của từng chén trà. Người uống trà cốt không phải để giải khát, thưởng thức trà là để hưởng lấy cái hương, cái hồn trà. Bởi vậy chén trà có thể giúp người ta xa dần tội lỗi, khiến tâm niệm trong sáng, thanh sạch hơn. Uống trà cũng không thể gấp gáp vội vàng, người sống vội vã không thích hợp với chén trà. Thưởng thức trà là hưởng lấy cái vị thanh ngọt của nó. Cho nên uống trà rèn cho người ta đức tính điềm đạm, bình tĩnh an nhiên, biết lấy cái bất biến mà ứng giữa cuộc đời vạn biến. Thưởng thức trà càng không thể dành cho người thô tháo. Người uống trà phải tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng việc chọn trà, pha trà, rót trà, thưởng trà. Vậy nên, chén trà nhỏ nhưng có thể giúp người ta thêm cẩn trọng, chỉnh chu. Chén trà đơn sơ, nhưng có nhiều thú vui là như vậy.

Người Nhật đưa trà lên hàng đạo, trà đạo. Người Trung Quốc có lịch sử thưởng thức trà lâu đời; Trung Quốc cũng là quê hương của những loại danh trà có mặt khắp nơi trên thế giới này. Vậy từ đâu mà chén trà đơn sơ kia có được diễm phúc như vậy. Cũng dễ hiểu thôi, chén trà nhỏ bé nhưng chứa trong nó bao triết lý cuộc đời, bao thú vui tao nhã mà các thức uống khác không thể nào có được. Từ một chén trà, người ta có thể soi thấy mình trong đó, có thể điều chỉnh được tâm khí của mình. Trà vị ngọt thanh, có tác dụng giải nhiệt, giải độc cơ thể. Nhưng không chỉ thế, trà khiến con người an nhiên bình thản hơn trước những biến cố cuộc đời, có thể ngộ ra được nhiều điều kỳ diệu, tìm thấy được tâm thế bình thản trước những biến động hỗn phức trong thế giới ta-bà vốn nhiều sự bất trắc đổ vỡ này. Không phải ngẫu nhiên mà người tu hành tìm được sự tĩnh tại từ một chén trà. Chén trà đơn sơ nhưng có thể đưa người ta lại gần nhau, hiểu nhau hơn. Uống trà phải kén người thưởng cùng. Cổ nhân dạy rằng, “rượu ngon phải có bạn hiền”, huống gì là thưởng trà vốn không phải thức uống dành cho hạng phàm phu tục tử. Chén trà thanh đạm, không màu mè khoái khẩu, nhưng lại là nhịp cầu nối cho những tâm hồn hiểu nhau, là nơi tìm đến của những tri âm tri kỷ. Chén trà nhỏ nhưng niềm vui nơi nó thì lớn vô cùng.

Ngày hôm kia anh bạn tôi mới tậu được bộ ấm chén mới. Vừa tậu về được, anh ta gọi ngay tôi sang để khoe. Đó là bộ ấm chén đất rất đẹp, màu nâu, làm theo phong cách thiền. Ấm không to, chỉ đủ cho hai người thưởng thức. Tôi đã đọc được niềm vui trên ánh mắt bạn. Đấy là người phúc hậu, điềm đạm, hòa nhã, ít khi nào to tiếng, trước mọi chuyện đều bình thản.

Tôi có được vinh dự là người đầu tiên được anh bạn này mời thưởng trà từ bộ ấm chén mới. Tự nhiên thấy trong lòng thư thái an tịnh. Chợt thấy vui vì anh bạn độc đáo này. Đâu phải người trẻ tuổi nào cũng có được thú vui tao nhã như vậy, nhất là khi cuộc sống hiện đại quá nhiều xô bồ, vội vã, con người ta hay sa vào những thú vô bổ mà tai hại vô cùng.

Tư Hương
Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 188


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét