Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

GIÁ TRỊ CỦA TỪ HÁN VIỆT TRONG BÀI THƠ "HẦU TRỜI" (Phạm Tuấn Vũ)



Các tác giả Văn học Việt Nam 1900-1945 (Nxb Giáo dục, H. 2009) đã nhận định: “Tản Đà là nhà thơ dân tộc. Vinh dự đó đến với ông không giống như với Phan Bội Châu bằng con đường yêu nước, viết văn thơ yêu nước và cách mạng, mà bằng con đường phát huy vốn sống dân tộc, trau dồi ngôn ngữ và phát triển thơ ca dân tộc” tr.12. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những đóng góp to lớn của Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu trên phương diện “trau dồi ngôn ngữ dân tộc” mà ông đã làm được cho văn học nước ta hồi đầu thế kỷ XX.

Thật vậy, Tản Đà được xem là “người của hai thế kỷ” (Hoài Thanh - trong Thi nhân Việt Nam), là gạch nối của hai thời đại. Đến Tản Đà, tiến trình văn học Việt Nam có sự chuyển mình sâu sắc từ phạm trù trung đại sang hiện đại. Là nhà văn có vai trò bản lề, “dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa” (Hoài Thanh), Tản Đà đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ngôn ngữ thơ trở về gần gũi với đời sống sinh hoạt, với lời ăn tiếng nói của nhân dân; trở nên mềm mại, uyển chuyển và vẫn rất linh hoạt trong việc phản ánh được những nét mới của hiện thực xã hội và tâm lý của thời đại. Một trong những biểu hiện ấy là việc sử dụng từ ngữ Hán Việt một cách chọn lọc, có ý thức và phát huy được tối đa thế mạnh của hệ thống từ ngữ này mà Hầu trời là bài thơ khá tiêu biểu.

In cùng những bài thơ nổi tiếng khác như Thề non nước, Hỏi gió, Cảm thu tiễn thu... trong tập Còn chơi, xuất bản năm 1921, Hầu trời là một tác phẩm lạ và độc đáo. Đây là bài thơ thể hiện rõ “điệu tâm hồn mới mẻ, “cái tôi” lãng mạn bay bổng, vừa phóng khoáng ngông nghênh, vừa cảm thương ưu ái” (Ngữ văn 11, Cơ bản, tập 1, Nxb Giáo dục, H., tr.12) của Tản Đà. Bài thơ thành công trên nhiều phương diện, trong đó có nghệ thuật sử dụng từ ngữ Hán Việt với một hiệu quả cao.

Khảo sát 798 chữ trong 114 câu thơ của bài Hầu trời, chúng tôi nhận thấy từ Hán Việt có 226 chữ, chiếm 28,32 % tổng số chữ. Đây là một tỉ lệ khá cao. 226 chữ là từ Hán Việt này được sử dụng theo hai hướng chủ yếu: Một là những từ Hán Việt được Việt hóa hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn (ví dụ như các từ: Thật, như, sướng, thích, sai, học, văn, cao, sương, tuyết,... Hai là những từ Hán Việt ít được sử dụng trong đời sống ngôn ngữ sinh hoạt, chủ yếu là từ cũ, từ thi ca (ví dụ như các từ: Thiên môn, đế khuyết, tâm, cơ, Hằng Nga, Chức Nữ, Song Thành, Tiểu Ngọc, chư tiên, thiên tiên, trích tiên, thiên tào, hạ giới, trần ai, Á châu, Nam Việt,...). Loại thứ nhất mang màu sắc trung tính, chúng ta không xét đến (nhưng nếu đặt trong tổng thể, loại này vẫn có những giá trị nhất định do các đặc trưng của từ Hán Việt). Loại thứ hai được tác giả sử dụng có chủ đích, đem lại nhiều giá trị độc đáo cho bài thơ.

Từ Hán Việt thuộc ngôn ngữ ngoại lai, được cha ông ta trong quá trình giao lưu và tiếp biến ngôn ngữ Việt hóa từ tiếng Hán dựa trên âm đọc thời Đường và quy luật ngữ âm của tiếng Việt. Từ Hán Việt do nhiều yếu tố quy định (như chữ Hán là thứ chữ ô vuông tượng hình; quá trình du nhập vào nước ta có sự chọn lọc khắt khe chủ yếu qua con đường truyền bá đạo Phật, hành chính quan phương và khoa cử. Nhiều thời kỳ chữ Hán ở nước ta được đề cao, tôn sùng là chữ nghĩa của đạo thánh hiền;...) nên mang trong mình những đặc trưng như tính tĩnh tại, mơ hồ, khái quát, trừu tượng, hàm súc, cô đọng, có khả năng gọi tên những khái niệm, có ưu thế trong việc tạo sắc thái cổ kính, trang nghiêm, tao nhã. Từ ngữ Hán Việt chiếm số lượng rất lớn (hơn 60 %) trong kho từ vựng tiếng Việt, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống ngôn ngữ, văn chương của nước ta. Vậy, với những đặc trưng trên, trong bài thơ Hầu trời, từ Hán Việt, nhất là những từ cũ, từ thi ca được sử dụng với tỉ lệ khá cao, đã có những giá trị gì? Theo chúng tôi, chúng có một số giá trị như sau:

Thứ nhất, từ ngữ Hán Việt giúp nhà thơ dựng lại khung cảnh, không khí của một buổi “hầu trời” một cách hiệu quả. Bài thơ là câu chuyện trong mơ lên thượng giới ngâm thơ cho Thượng đế cùng chư tiên thưởng thức của thi nhân “tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn”. Để dựng lại bức tranh khung cảnh thiên đình cùng không khí trang trọng, cổ xưa, nhà thơ bắt buộc phải sử dụng nhiều từ Hán Việt, nhất là những từ cũ, những biệt ngữ xã hội. Với những câu như “Thiên môn đế khuyết như là đây”, “Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày/ Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng”, “Thiên tào tra sổ xét vừa xong/ Đệ sổ trình lên Thượng đế trông”, “Trời sai Khiên Ngưu đóng xe tiễn”, “Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống”... thì rất khó để thay thế từ Hán Việt đã được dùng bằng những từ thuần Việt (bởi nhiều từ Hán Việt, lớp từ thuần Việt không có từ tương đương thay thế). Và nếu có thể thay thế được thì sắc thái cổ kính, cung đình, trang nghiêm sẽ giảm đi rất nhiều. Bởi ta biết, từ thuần Việt mang trong mình những đặc tính gần như đối lập lại với lớp từ Hán Việt là tính cụ thể, sinh động, gợi hình, nhiều khi dân dã, bình thường. Do đó, nó không có ưu thế trong việc mô tả những khung cảnh, không khí mang tính chất trang trọng, cổ xưa như trên.

Bài thơ cũng là dịp để Tản Đà mạnh dạn khẳng định giá trị thơ văn của mình. Đó không chỉ ở số lượng tác phẩm lớn (Những áng văn con in cả rồi… Chửa biết con in ra mấy mươi) mà quan trọng hơn, còn ở chất lượng đích thực của nó. Qua lời khen của Ngọc Hoàng, giá trị ấy được khẳng định rõ ràng: Nhời văn chuốt đẹp như sao băng/ Khí văn hùng mạnh như mây chuyển/ Êm như gió thoảng, tinh như sương/ Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết. Trong bốn dòng thơ này, từ Hán Việt được huy động sử dụng rất nhiều (14/28 chữ). Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Cùng với phép so sánh xuất hiện liên tiếp, những hình ảnh so sánh đẹp đẽ, từ Hán Việt trong đoạn thơ này đã phát huy được ưu điểm của mình là tạo sắc thái trang nhã, sang trọng, rất thích hợp trong lời khen ngợi, ca tụng. 

Ở gần cuối tác phẩm, có một khổ thơ miêu tả cảnh chia tay giữa “thiên tiên” và “trích tiên” (Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi/ Trông xuống trần gian vạn dặm khơi/ Thiên tiên ở lại, tích tiên xuống/ Theo đường không khí về trần ai), trong tâm trạng luyến tiếc, bịn rịn mang màu sắc thần tiên. Ở khổ này, 15/ 28 (hơn một nửa) chữ là từ Hán Việt. Việc sử dụng lớp từ ngữ này với một tần số cao như vậy đã giúp nhà thơ mô tả thành công không khí, tâm trạng trong buổi giã từ. Bởi sắc thái trang trọng của từ Hán Việt đã phát huy được sở trường. Ta còn nhớ hai câu thơ chia ly trong Truyện Kiều “Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”. Ở phương diện nào đó, có thể cho rằng bức tranh tâm - cảnh trong buổi chia tay Thúc - Kiều được quy tụ trong sắc thái của hai từ Hán Việt: “Phong thu” và “quan san”.

Cùng với thể thơ bảy chữ trường thiên, từ Hán Việt được sử dụng với tỉ lệ khá cao đã phát huy được ưu thế của lớp từ ngữ này trong việc dựng lại không khí cổ xưa, trang nghiêm. Bài thơ xứng đáng là một trong những tác phẩm hay nhất của Tản Đà, đồng thời cho thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ, ý thức chọn lọc, sử dụng linh hoạt từ ngữ vay mượn của nhà thơ, đúng như nhận xét: “Giữa lúc thơ phú nhà Nho tàn cuộc, Tản đà có lối đi riêng, vừa tìm về với ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc, vừa có những sáng tạo độc đáo, tài hoa” (Ngữ văn 11, Cơ bản, tập 1, tr. 12).

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên
- Báo Giáo dục và Thời đại
- Tạp chí Lang Bian


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét