Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

TẤC LÒNG QUÊ CỦA NGUYỄN DU - TỪ GÓC NHÌN ĐIỂN CỐ (Phạm Tuấn Vũ)


Quê hương, gia đình luôn hiện hữu trong sáng tác của Nguyễn Du bằng những vần thơ chân thành, cảm động. Suốt đời phải sống kiếp xa quê, tấm thân gởi nơi mây trôi gió bụi (Tha hương thân thế thác phù vân - Thu nhật kí hứng), quê nhà trở thành ám ảnh thường trực trong thơ ông. Trên những bước đường ba mươi năm phiêu bạt nơi góc bể chân trời (Hải giác thiên nhai tam thập niên - Quỳnh Hải nguyên tiêu), Tố Như luôn hướng về cố hương với một tấm lòng nhớ thương đau đáu, ngậm ngùi. Quê nhà Hồng Lĩnh, quê vợ Thái Bình cùng những người thân trong gia đình bao giờ cũng được thi nhân thể hiện trong thơ mình bằng những tình cảm đẹp nhất. Trên bình diện phương thức nghệ thuật, hệ thống điển cố đã góp phần thể hiện điều này.

Nỗi nhớ quê nhà bao giờ cũng là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu kín nhất. Thể hiện điều này, trong thơ ca thời trung đại, điển cố là một trong những biện pháp nghệ thuật hữu hiệu nhất. Bởi dụng điển không chỉ đáp ứng được các yêu cầu thẩm mĩ của người xưa là sự súc tích, lời ít ý nhiều, tính trang nhã mà hơn nữa là nhờ đó, những điều thầm kín sẽ được diễn đạt dễ dàng, sâu sắc hơn. Có thể thấy điều này qua những điển cố mang nội dung chỉ quê hương và nỗi nhớ quê nhà mà Nguyễn Du đã sự dụng trong thơ chữ Hán của mình.

Điển bạch vân. Điển này có nguồn gốc từ sách Đường thư, lấy tích Địch Nhân Kiệt, người đời Đường, đến quận Tĩnh Châu nhậm chức Pháp tào tham quan, để mẹ cha ở lại Hà Dương cách xa ngàn dặm. Một hôm, Địch Nhân Kiệt lên núi Thái Hàng, nhìn đăm đăm về phía quê nhà thì thấy một đám mây trắng bay lững lờ, ông nhớ về cha mẹ mà ngậm ngùi nói với người xung quanh: “Bạch vân cô phi. Ngô thân xá kỳ hạ” (Mây trắng bay lẻ loi. Nhà cha mẹ ta ở dưới đó). Điển bạch vân (trong thơ văn Nôm còn có dạng chuyển dịch là mây trắng, mây bạc, mây Hàng) do đó chỉ cho tấm lòng nhớ cha mẹ, nhớ nhà.

Trong thơ chữ Hán của mình, Nguyễn Du đã sử dụng điển bạch vân với tần số khá cao để nói lên tấc lòng thương nhớ quê nhà của một người cứ mãi đi xa, nhiều năm phiêu dạt xứ người. Chẳng hạn như trong các câu: Vạn lí hương tâm hồi thủ xứ/ Bạch vân Nam hạ bất thăng đa (Muôn dặm lòng quê ngoảnh đầu nhìn lại/ Mây trắng bay về Nam khôn xiết kể - Ngẫu hứng); Cực mục hương quan hà xứ tại/ Chinh hồng sổ điểm bạch vân biên (Trông hết tầm mắt nhìn xem quê nhà ở nơi nào/ Chỉ thấy chim hồng mấy chấm nhỏ bên đám mây trắng - Thanh Quyết giang vãn diểu)...

Điển Thuần lô. Thuần lô là dạng rút gọn của điển Thuần canh lô khoái (canh rau thuần, gỏi cá vược), chỉ cho quê nhà. Điển có nguồn gốc từ sách Tấn thư, kể lại chuyện Trương Hành người nước Tần, giỏi văn chương, tính tình phóng khoáng, được Tề Vương Quýnh nước Lạc vời đến cho giữ chức thuộc quan. Đang lúc Quýnh cầm quyền, Hành đã nói rằng: “Thiên hạ loạn lạc, mối họa chưa được định, phàm là người có tên tuổi trong bốn bể cầu được lui về mà hưởng an nhàn là rất khó”. Một hôm nhân buổi gió thu, nhớ canh rau thuần, gỏi cả vược ở quê mà mà than thở: “Nhân sinh quý đắc thích chí, hà năng kỳ quan sổ thiên lý dĩ, yêu danh tước hồ” (Người ta sống quý nhất là được làm điều thích chí, hà cớ phải buộc mình ở ngoài ngàn dặm mà cầu danh hão). Rồi ông sai người thắng ngựa, xếp hành lí, bỏ quan mà lên đường về quê.

Thất vọng với mộng hiệp khách không thành (Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên - Tạp thi 1), chán ngán với đường công danh tầm thường vô nghĩa chẳng khác nào bụi trần hư vô, thi nhân muốn quay về với quê nhà có rau thuần cá vược, đạm bạc mà nghĩa tình. Ông mượn điển thuần lô để nói thay điều đó. Có 03 bài thơ xuất hiện điển này: Thí tự thuần lô tối quan thiết/ Hoài quy nguyên bất đãi thu phong (Nếu thật tha thiết với rau thuần cá vược / Thì ngóng ngày về đâu cần phải đợi tới gió thu - Ngẫu hứng 4); Kim cổ nhàn sầu lai túy hậu/ Thuần lô hương tứ tại thu tiên (Xưa nay, nỗi buồn lúc ở không thường đến sau lúc say/ Rau thuần cá vược, nỗi nhớ quê ở mùa thu trước - Dạ tọa); Thượng uyển oanh kiều đa sắc đố/ Cố hương thuần lão thượng kham canh (Vườn thượng uyển, chim oanh đẹp ghen nhau vì nhiều sắc/ Chốn quê cũ, rau thuần già nấu canh vẫn ngon)...

Các điển nhật mộ hương quan và khứ quốc. Đây là các điển thơ ca có nguồn gốc từ Đường thi, đều chỉ cho quê hương và nỗi nhớ quê nhà. Thơ Lý Bạch có câu: Trượng kiếm khứ quốc, từ thân viễn du (chống kiếm xa quê hương, từ biệt mẹ cha đi viễn du). Mượn lại chữ của Lý Bạch, Nguyễn Du trong thơ chữ Hán đã nhiều lần nhắc đến quê nhà với tất cả lòng nhớ mong da diết, như trong các câu: Thập tải phong trần khứ quốc xa/ Tiêu tiêu bạch phát kí nhân gia(Mười năm gió bụi phải xa quê/ Hiu hiu tóc trắng sống gởi nhờ nơi nhà người - U cư 2); Đại canh hữu thiệt sinh thường túc/ Khứ quốc hà tâm lão bất quy (Dùng lưỡi thay cày cuộc sống vẫn đủ/ Già rồi, quê nhà sao chẳng chịu về - Y nguyên vận ký Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên)...

Cũng như đăng cao ức hữu (lên cao nhớ bạn), nhật mộ hương quan (trong buổi chiều tà nhớ về quê cũ) là một motif phổ biến và rất được ưa chuộng trong thơ cổ. Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu có hai câu nổi tiếng được người đời truyền tụng và có ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ sau này là: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Chiều đã tà, quê hương ở nơi nào/ Khói sóng trên sông khiến người buồn). Mượn lại chữ của Thôi Hiệu, Tố Như đã thể hiện một cách kín đáo mà cảm động nỗi nhớ quê nhà trong những ngày rong ruổi trên hành trình đi sứ đất Bắc: Thi thành thảo thụ giai thiên cổ/ Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu (Thơ thành nên cây cỏ cũng được lưu thiên cổ/ Chiều xuống nhớ quê, cùng một nỗi sầu - Hán Dương vãn diểu).

Nhiều lần trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã trực tiếp nói lên tình cảm đối với quê hương của mình. Đó là một tấc lòng quê đơn sơ mà son sắt, bao nhiêu năm phiêu bạt nơi xứ người mà vẫn luôn tròn vẹn, sáng trong: Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ/ Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ (Một tấc lòng quê ánh trăng soi rõ/ Tiếng nhạn đầu mùa gợi lại dòng nước mắt li biệt năm xưa - Sơn cư mạn hứng); là nỗi bâng khuâng, hụt hẫng trong cảnh chiều tà nơi đất khách, quê nhà trở nên xa thẳm mịt mù: Cực mục hương quan tại hà xứ/ Chinh hồng sổ điểm bạch vân biên (Cố nhìn hết tầm mắt, quê nhà ở nơi nào/ Chỉ thấy cánh chim hồng như mấy chấm nhỏ bên đám mây trắng - Thanh Quyết giang vãn diểu). Các điển nhất phiến hương tâm và hương quan hà xứ đều là điển thơ ca có nguồn gốc từ thơ Đường, đã được nhà thơ của chúng ta vận dụng một cách linh hoạt để thể hiện thành công cho ý đồ nghệ thuật của mình.

Điển tang tử. Tang tử là cây dâu và cây tử, hai loài cây trồng ở nhà cha mẹ. Điển này có nguồn gốc từ Kinh Thi, lấy chữ từ câu: Duy tang dữ tử, tất cung kính chi (Nơi có cây dâu và cây tử, tất phải cung kính); do đó chỉ cho mẹ cha và rộng hơn là chỉ cho quê cha đất tổ. Trong những ngày tháng u buồn nhất, Nguyễn Du đã mượn điển này để nói thay cho nỗi lòng nhớ thương gia đình, bè bạn sâu kín trong lòng. Đó là những dòng thơ đẫm lệ xót xa gởi quê nhà đã tiêu điều sau cơn binh biến: Tang tử binh tiền thiên lý lệ/ Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư (Quê nhà thuở trước trong cơn binh lửa, ở ngàn dặm nhớ về mà nước mắt rơi/ Bà con, bè bạn giờ chỉ còn là mấy chồng sách dưới đèn - Bát muộn).

Nguyễn Du có những bài thơ thật cảm động viết dành riêng cho người thân trong gia đình. Họ là các anh em đang phải sống li tán trong bài Quỳnh Hải nguyên tiêu; là các em trai em gái nơi quê nhà lâu rồi bặt tin tức trong Sơn cư mạn hứng; là người anh cùng cha cùng mẹ đang nhậm chức xa xôi nơi thành Lục Tháp trong bài Ức gia huynh; là người anh vợ nhưng cũng là bạn thơ thân thiết trong bài Họa Hải Ông Đoàn Nguyễn Tuấn “Giáp Dần phụng mệnh nhập Phú Xuân kinh đăng trình lưu biệt Bắc thành chư hữu” chi tác; là người cha kính yêu trong bài Giang đình hữu cảm,... Đặc biệt, đó là người vợ cả (con ông Đoàn Nguyễn Thục, em gái Đoàn Nguyễn Tuấn) ân tình trong bài Ký mộng. Trong bài thơ ghi lại giấc mộng gặp vợ này, để nói lên nỗi nhớ vợ trong những ngày về Hà Tĩnh, tác giả đã dùng điển cách duy: Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn/ Kế ngôn cửu biệt ly/ Đái khấp bất chung ngữ/ Phảng phất như cách duy (Đầu tiên kể chuyện đau ốm/ Sau đó kể nỗi biệt ly lâu ngày/ Sụt sùi không nói nên lời/ Phảng phất như cách bức màn). Điển cách duy lấy tích vợ của Hán Vũ Đế là Lý phu nhân, tức Lý Diên Niên xinh đẹp và múa giỏi nhưng qua đời sớm. Thấy Hán Vũ Đế đau khổ vì ngày đêm nhớ vợ đã mất, phương sĩ Lý Thiếu Ông nói có thể cầu hồn Lý phu nhân về gặp vua. Hán Vũ Đế vui mừng đồng ý. Phương sĩ chuẩn bị tịnh thất, giữa treo một tấm màn mỏng, trên đặt đèn sáp, dùng ánh sáng của đèn chiếu lên y phục của Lý phu nhân lúc còn sống khiến vua trông như bóng vợ trở về. Trong văn học, điển cách duy chỉ cho nỗi nhớ thương của những cặp vợ chồng sinh li tử biệt.

Hơn nửa đời gởi thân nơi chân trời góc bể (Cường bán xuân quang tại hải nhai - U cư 2), nhiều năm làm khách trọ quê người, buồn thương chỉ biết dưới đèn rơi lệ (Ky lữ đa niên đăng hạ lệ - Xuân dạ), Nguyễn Du đã viết nên những vần thơ xót xa, ngậm ngùi về quê hương và gia đình với nỗi nhớ day dứt, khôn nguôi. Nỗi nhớ ấy có khi được thể hiện một cách bộc phát như không thể kìm nén được nữa nhưng chủ yếu vẫn là những gì sâu kín nhất mà thi nhân không thể nói ra. Thể hiện những điều sâu kín ấy, nhà thơ đã dùng đến điển. Và những điển cố ông dùng đã nói gần như trọn vẹn thay ông điều này. Ngày nay đọc lại thơ Tố Như, ta không khỏi xúc động trước những vần thơ chứa chan tình cảm về quê hương, gia đình của con người tự nhận mình một đời chưa bao giờ hết u buồn (Nhất sinh u tứ vị tằng khai - Thu chí 2). Một tấc lòng quê (nhất phiến hương tâm) ấy vẫn sáng trong, tròn vẹn như ánh trăng năm nào.

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng tên Tạp chí Đất Quảng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét