Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

"CHÚT NGHĨA CŨ CÀNG" - SỰ TINH TẾ CỦA NGUYỄN DU (Phạm Tuấn Vũ)



Sau “nửa năm hương lửa đương nồng” sống hạnh phúc bên nàng Kiều, Từ Hải “thoắt đã động lòng bốn phương” bèn từ biệt vợ, “nói lời dứt áo ra đi” lập công danh sự nghiệp. Trong những ngày âm thầm lẻ bóng đợi Từ Hải quay về (Sân rêu chẳng thấy dấu giày/ Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân), Kiều nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ (Đoái thương muôn dặm tử phần/ Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa/ Xót thay xuân cỗi huyên già/ Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi) và nghĩ về người tình đầu Kim Trọng. Tâm trạng của Kiều khi nghĩ về chàng Kim ngày xưa được Nguyễn Du khắc họa thành công qua hai câu thơ nổi tiếng:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Dễ nhận ra, tâm trạng của Kiều lúc bấy giờ là sự tiếc nuối về một tình đầu đẹp như mơ nhưng dang dở không thành. Như vậy, tiếc phải là tiếc tình. Tại sao Nguyễn Du lại viết là “tiếc thay chút nghĩa”. Phải chăng nhà thơ đã nhầm lẫn điều gì, vì trên thực tế Kim Kiều chưa nên duyên chồng vợ nên chưa thể gắn với nhau bằng chữ “nghĩa”?

Có người cố gắng biện giải điều này bằng cách cho rằng Nguyễn Du phải thay chữ “tình” (thanh bằng) thành chữ “nghĩa” (thanh trắc) cho đúng luật thơ lục bát (chữ thứ 4 câu lục phải là thanh trắc). Hơn nữa giữa hai chữ “tình” và “nghĩa” vẫn có sự gần gũi, tương đồng nhất định về nghĩa, trong một số trường hợp có thể thay thế cho nhau. Thật ra, cách lý giải này chỉ thể hiện tấm lòng yêu mến Nguyễn Du mà không thấy hết được sự tinh tế và tài năng ngôn ngữ tuyệt vời của thi hào, cũng như sự sâu sắc trong suy nghĩ của Thúy Kiều mà tác giả đã dụng công khắc họa.

Có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng, việc dùng chữ “nghĩa” trong hai câu thơ trên là hoàn toàn có chủ ý của nhà thơ. Đây là một trong những “nhãn tự” thâu tóm toàn bộ nội dung và cái hay của hai câu thơ, thể hiện ở nhân vật Thúy Kiều những suy nghĩ vừa sâu sắc, vừa chín chắn và cũng rất hiện thực; đồng thời nói lên ở Nguyễn Du ý thức lựa chọn, sử dụng ngôn từ cao độ cũng như cách nhìn, cách cảm hết sức tinh tế, chính xác của ông.

Trước hết, thử tìm hiểu tại sao khi nghĩ về chàng Kim ngày xưa, Thúy Kiều không còn tiếc nuối về chữ “tình” của nhau. Ai cũng biết, mối tình với Kim Trọng là mối tình đầu gắn với thời thiếu nữ “êm đềm trướng rủ màn che” của Kiều. Đó là cuộc tình đẹp đẽ, trong trẻo nhất, mang lại nhiều hạnh phúc cho Kiều và được nàng Kiều trân trọng, giữ gìn ở một góc sâu thẳm trong lòng trên những bước đường mười lăm năm lưu lạc. Thế nhưng, cũng chính Kiều là người hơn ai hết ý thức rất rõ về tư cách, về sự xứng đáng với người yêu. Trong màn tái hợp chính Kiều đã nói: “Người yêu ta xấu với người/ Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”. Kiều cũng ý thức rất rõ về tấm thân “ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” của mình “từ ngộ biến tới giờ” với “biết bao bướm lả ong lơi”, “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Kiều là người thông minh và được giáo dục bài bản từ nhỏ, nàng thừa hiểu rằng, tấm thân vấy bẩn “hương dưới đất, hoa cuối mùa” của mình không còn xứng đáng với chàng Kim nữa. Trong suy nghĩ của Kiều lúc này, mối tình đầu của ngày xưa cũng tàn lụi theo dần theo cùng với tấm thân qua bao nhiêu lần chìm nổi. Ngay cả một chữ “nghĩa”, Kiều cũng không đủ can đảm để khẳng định (chú ý từ “chút” và “cũ càng”). Cho nên Doãn Quốc Sỹ đã có lý khi nhận định: “Sự đọa đày trong “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” đã khiến Kiều quen với ý nghĩ tình xưa đổ vỡ hoàn toàn. Giờ đây nhắc đến chàng Kim thì nói là nghĩa (bổn phận nhớ lời thề cũ) chứ không dám nói là tình nữa” (“Tình quê hương của Thúy Kiều”, in trong sách Chân dung Nguyễn Du, Nam Sơn xuất bản, Sai Gòn, tr. 121-122).

Trong quan niệm đạo đức thẩm mỹ của người phương Đông, người xưa cho rằng, trai gái gặp nhau là do chữ duyên, đến được với nhau là do chữ nợ; yêu nhau là chữ tình mà lấy nhau là chữ nghĩa. Duyên có thể tùy nhưng nợ thì vương vấn, tình có thể mất nhưng nghĩa thì buộc ràng. Đã nên duyên chồng vợ, chữ tình dường như không còn quan trọng nhất, mà thay vào đó là chữ nghĩa. “Đã rằng là nghĩa vợ chồng/ Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời” (Ca dao). Vợ chồng gắn bó, ràng buộc nhau bằng một chữ nghĩa, nghĩa phu thê, gắn liền với danh dự và các chuẩn đạo đức. Điều này lý giải tại sao thời phong kiến, mối quan hệ gia đình rất bền chặt, tình cảm gia đình ít khi đổ vỡ như trong xã hội hiện đại ngày nay.

Trở lại với nàng Kiều, sẽ có người thắc mắc vì Kim - Kiều chưa thành chồng vợ, sao nàng có thể tùy tiện nói đến cái gọi là “nghĩa”. Đây chính là chỗ rất đỗi tinh tế của Nguyễn Du. Ta nhớ lại rằng, dù chưa thực hiện một nghi thức nào trong sáu lễ của hôn phối (nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kì và thân nghinh), tức là chưa hề là vợ chồng của nhau, nhưng Kim - Kiều đã từng một lần thề nguyền. Đó là buổi thề thiêng liêng, trang trọng và đẹp nhất trong Truyện Kiều (trong kiệt tác của Nguyễn Du còn có những lần nhân vật thề thốt khác với nhiều cung bậc sắc thái khác nhau) với đầy đủ các nghi thức của một buổi thề ước (giấy ghi lời thề, vật đính ước, lời thề và chứng nhân là vầng trăng): “Tiên thề (tức tờ giấy viết lời thề, tiên nghĩa là giấy-T.H) cùng thảo một chương/ Tóc mây một món, dao vàng chia đôi/ Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song/ Tóc tơ căn dặn tấm lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Ta chú ý hai chữ “trăm năm”. Điển “trăm năm” (dịch từ chữ bách niên), lấy ý trong câu “nhân sinh dĩ bách niên viết kỳ” (Lễ kinh, nghĩa là: Người ta sống trăm năm bảo rằng là một chu kỳ), đời người, về sau phái sinh nghĩa chỉ việc hôn nhân, vợ chồng (bởi trong các mối quan hệ giữa người với người thì chỉ có quan hệ vợ chồng mới có thể gắn bó trọn một kiếp người trăm năm). Cho nên khi chúc phúc trong ngày hôn lễ, người ta hay nói: “Bách niên giai lão” (trăm năm cùng nhau đến già), “Trăm năm hạnh phúc”, “Trăm năm tình viên mãn/ Bạc đầu nghĩa phu thê”.

Như vậy, trong buổi thề nguyền thiêng liêng ấy, cả chàng Kim và nàng Kiều đã coi nhau như vợ chồng (cho nên sau đó, những hành động quá đà “sóng tình dường đã xiêu xiêu” của Kim Trọng là do cảm xúc không kìm nén được, nhưng cũng có thể là do xuất phát từ quan niệm đã xem nhau như vợ chồng của Kim). Điều này giải thích việc khi từ biệt nàng Kiều để về Liêu Dương chịu tang thúc phụ (chú), Kim mới dặn Kiều như dặn dò người vợ sắp cưới: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời” và chính Kiều cũng hứa đinh ninh như hứa với vị hôn phu của mình: “Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”. Như vậy, việc Kiều nghĩ về chàng Kim ngày xưa, tiếc nghĩa cũ là chính xác, nói lên ở nàng Kiều con người “sâu sắc nước đời” với tấm lòng chung thủy son sắt trước sau, đồng thời cho thấy khả năng dùng từ tinh tế đến tuyệt diệu của Nguyễn Du.

Thế nhưng đó lại là “chút nghĩa cũ càng”. Điều này cũng dễ hiểu thôi. “Chút” là bởi cái “nghĩa trăm năm” cũng chỉ là lời thề non hẹn biển, cuối cùng rồi tình đầu cũng tan vỡ, Kim - Kiều không thể nên duyên vợ chồng. “Cũ càng” là bởi sau bao nhiêu năm lưu lạc, cố nhân cách mặt chưa gặp một lần, bản thân Kiều cũng lênh đênh trôi dạt, qua tay bao người. “Chút” gợi lên cái nhỏ nhoi, yếu ớt, đáng thương. “Cũ càng” gợi về quá khứ xa xăm, mờ nhạt. Ta hiểu được tâm trạng của Kiều lúc này, có một thoáng nhớ thương tiếc nuối, nhưng chủ yếu vẫn là thái độ buông xuôi, từ bỏ. Bởi lúc này Kiều đã là vợ của Từ Hải, sống yên bình trong những ngày đợi chồng trở về. Nhưng quan trọng hơn cả, là lúc này, khi đã đi qua “những là oan khổ lưu ly” với bao nhiêu đọa đày, đau khổ, tâm hồn Kiều dường như không thể tổn thương được nữa. Vượt lên mọi nỗi đau mà cuộc đời bất công gây ra cho mình, Kiều dường như trở lại bình thản với cuộc đời. Kiều là người thông minh sâu sắc, nàng thừa hiểu rằng tình xưa là mộng đẹp quá khứ nhưng đã tan biến lâu rồi, không thể cứu vãn được nữa. Cái mà nàng cần là cuộc sống hiện tại và tương lai. Chàng Kim “Phong tư tài mạo tót vời/ Vào trong nho nhã ra ngoài hào hoa” gắn với tình đầu đẹp đẽ nhưng không làm gì được cho Kiều. Từ Hải “đường đường là đấng anh hào” đã và đang đem lại cho Kiều sự bình yên, hạnh phúc. Nguyễn Du là bậc thầy tâm lý nhân vật, chỉ với bốn chữ “chút nghĩa cũ càng”, nhà thơ đã nói lên được những gì sâu thẳm nhất trong tâm trạng và suy nghĩ của Kiều một cách chính xác và vô cùng tinh tế. Đọc lên câu thơ này, độc giả không khỏi xót xa, thương cảm, thấu hiểu cho Kiều…

Không chỉ có nghĩa, Kiều còn “là giống hữu tình”. Nghĩ về Kim Trọng, Kiều vẫn còn lưu luyến một chút tình xưa: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Ta chú ý đến hai hình tượng ẩn dụ “ngó ý” và “tơ lòng”. Ngó sen khi bị bẻ, chúng chưa tách hẳn ra vì vẫn còn những sợi tơ vương giữa hai đầu ngó. Ý Kiều muốn nói rằng, dẫu mối tình xưa không còn nhưng tình cảm chưa hẳn đã hết, tơ lòng vẫn còn đó chút vấn vương. Điều này phù hợp với tâm lý chung. Bởi chàng Kim là mối tình đầu của Kiều. Mà tình đầu thì bao giờ cũng đẹp, cũng để lại ấn tượng đậm sâu, khó phai nhạt.

Tuy nhiên, khẳng định như Doãn Quốc Sỹ: “Căn cứ vào câu: “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng” mà bảo rằng tình xưa với chàng Kim đã nhạt cũng không đúng. Ta phải hiểu khi nhắc đến chàng Kim, Kiều còn bồi hồi, xúc động lắm nên chị mới phải tìm đủ cớ chứng minh rằng: Tình không còn nữa thì còn nghĩa (bổn phận) thôi” (Tlđd, tr. 122) là có phần chưa chính xác. Quả thật lúc này Kiều có nghĩ về chàng Kim với một thoáng nhớ thương nhưng tình cảm ấy không còn mạnh mẽ, day dứt nữa (từ sau khi quyết định bán mình, Kiều nhiều lần nghĩ về chàng Kim, nhưng càng về sau, theo thời gian, càng mờ nhạt dần). Trước hết, ta chú ý số câu thơ Nguyễn Du đặc tả tâm trạng nhớ quê nhà, cha mẹ và hai em (từ câu 2235 đến câu 2240 và từ câu 2243 đến câu 2246, tổng cộng 10 câu) của Kiều nhiều hơn gấp 5 lần so với số câu thơ miêu tả tâm trạng nhớ về Kim Trọng (câu 2241 đến câu 2242, 2 câu). Hơn nữa câu “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” tuy là một câu nhấn mạnh (dẫu… còn…) nhưng ở mức độ thấp, thiếu quả quyết (5/8 chữ mang thanh bằng, không có đại từ nhân xưng xuất hiện), đặt trong giọng thơ chung của hai câu (buồn thương, buông xuôi), đó dường như chỉ để nói lên rằng tình xưa vẫn chưa dứt hẳn mà thôi. Bởi từ sau khi phải trở lại lầu xanh lần thứ hai, bất lực trước mọi cố gắng vượt lên trên định mệnh, Kiều dường như buông xuôi tất cả và bắt đầu mang những định kiến về chữ tình ái (Biết thân chạy chẳng khỏi trời/ Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh). Lúc này Kiều hầu như không còn mặn mà với chuyện yêu đương nữa (ngay cả khi thể hiện tâm trạng của Kiều dành cho chồng là Từ Hải đang ở phương xa, Nguyễn Du cũng chỉ dành cho 2 câu thơ. Hơn nữa, Kiều cũng không nghĩ về Thúc Sinh), nàng nghĩ nhiều hơn về quê hương và gia đình (Kiều khuyên Từ ra hàng Hồ Tôn Hiến cũng xuất phát từ suy nghĩ “dần dà rồi sẽ liệu về cố hương”). Nghĩ về chàng Kim “là người ngày xưa”.

Nguyễn Du là nhà văn có khả năng đi sâu vào ngõ ngách tâm lý nhân vật. Ông còn là “bậc thầy của ngôn ngữ dân tộc, là tập đại thành về ngôn ngữ của thời đại ông, là người đã nâng ngôn ngữ văn học dân tộc của thời đại lên một đỉnh cao chói lọi” (Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII-hết thế kỷ XIX), tái bản lần thứ 5, Nxb Giáo dục, H. 2004, tr. 419). Điều này được thể hiện nhiều lần trong Truyện Kiều, nhất là những đoạn khắc họa tâm trạng nhân vật trung tâm, trong đó có tâm trạng khi nghĩ về Kim Trọng trong lúc Từ Hải ra đi của Thúy Kiều như trên đã phân tích. “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” có thể nói là một trong những câu thơ hay nhất, miêu tả thành công tâm lý nhân vật, đồng thời thể hiện rõ tài năng ngôn ngữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên
- Báo Giáo dục và Thời đại
- Tạp chí Lang Bian


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét