Trong hệ thống địa danh tỉnh của khu vực Trung Bộ (và cả nước), địa danh “Bình Định” có một vị trí khá thú vị.
Đó là, trong khi hầu hết các địa danh cấp tỉnh khác đều mang ý nghĩa về đường lối trị nước (như Quảng Trị có nghĩa “việc cai trị được trải rộng”, Thừa Thiên là “tuân theo ý trời”, Quảng Nam là “mở rộng về phương Nam”,Quảng Ngãi là “làm cho điều nghĩa được lan rộng”) hoặc những mong ước tốt đẹp (như Quảng Bình có nghĩa là “bình yên trải rộng”, Phú Yên là “giàu có và yên bình”, Khánh Hòa là “vui mừng và thuận hòa”, Ninh Thuận là “yên ổn và thuận lợi”, Bình Thuận là “yên bình và thuận lợi”) thì địa danh “Bình Định” lại có ý nghĩa khác.
“Bình Định” có nghĩa là “bình yên và ổn định”. Từ này còn có một nghĩa nữa là “dẹp yên, làm cho yên ổn”. Địa danh “Bình Định” mang ý nghĩa thứ hai, do đó, hoàn toàn tách biệt với hệ thống địa danh cấp tỉnh khu vực miền Trung trên phương diện ý nghĩa.
Hiện tượng này bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử đặc biệt diễn ra trên chính vùng đất về sau mang tên Bình Định.
Tháng 6.1799, sau khi hạ được thành Quy Nhơn và đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh xuống dụ cho đổi tên vùng đất này thành Bình Định. Sự kiện này được chép trong sách Đại Nam thực lục ở kỷ thứ nhất thuộc quyển thứ 10, phần thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế.
Như đã biết, vùng đất Bình Định ngày nay là nơi phát tích của vương triều Tây Sơn, cũng là nơi đóng đô của Thái Đức trung ương hoàng đế. Nơi đây còn chứng kiến thế trận giằng co và những thắng lợi quan trọng dẫn đến việc đánh bại nhà Tây Sơn của quân Nguyễn Ánh - sau này lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long.
Do đó, đổi tên từ thành Quy Nhơn ra dinh Bình Định (năm 1808 đổi thành trấn Bình Định, năm 1832 được nâng cấp và đổi thành tỉnh Bình Định dưới thời Minh Mạng), vua Gia Long có lẽ không chỉ muốn nói lên ý nghĩa “đã dẹp yên vùng đất của loạn đảng” mà dụng ý còn “thể hiện tư thế ngạo nghễ của người chiến thắng” (Võ Minh Hải, “Tìm hiểu một số địa danh lịch sử - văn hóa ở Bình Định”, báo Bình Định điện tử ngày 23.4.2016).
Như vậy, về mặt từ nguyên, địa danh “Bình Định” ra đời với một lịch sử đặc biệt, do vậy, cũng mang một ý nghĩa đặc biệt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 10.5.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét