Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

VÌ SAO LẠI GỌI "ĂN CHÙA"?

“Ăn chùa” được rất nhiều người dùng theo nghĩa hoán dụ là “ăn miễn phí, không tốn tiền”. Có người cho rằng, ý nghĩa trên của từ “ăn chùa” bắt nguồn từ một điển tích có từ đời nhà Đường (Trung Quốc).

Chuyện là có học trò nghèo hay chữ tên Vương Bá thường đến chùa Mộc Lan (sau đổi thành chùa Thạch Pháp) xin cơm chay. Trước mỗi bữa ăn, các sư đánh chuông ra hiệu, Vương Bá nghe chuông thì đến chùa cùng ăn. Thấy hàn sĩ ăn ké, nhưng lại ăn quá khỏe, nhiều sư không thích, bèn lỡm họ Vương bằng cách, một hôm ăn xong mới đánh chuông. Như mọi lần, nghe tiếng chuông, họ Vương đến chùa thì cơm canh đã hết sạch.

Vương Bá xấu hổ lắm, đề hai câu thơ lên vách chùa - Thướng đường dĩ liễu các tây đông/ Tàm quý đồ lê phạn hậu chung (tạm dịch là: Lên chùa thăm khắp cả tây đông/ Cơm sư nghĩ lại thẹn tiếng chuông).

Về sau, Vương Bá thi đỗ cao, được tin, nhà chùa lấy sa xanh che hai câu này lại, gìn giữ bút tích như của quý giá. Lúc Vương Bá đến thăm cảnh cũ, thấy cách làm của chùa, bèn cảm khái mà viết tiếp hai câu nữa, thành một bài tứ tuyệt - Tam thập niên lai trần phác diện/ Như kim thủy đắc bích sa lung (Ba mươi năm chẵn nhem nhuốc mặt/Đến nay mới được gấm the lồng). Hàn sĩ thành tài và cách ứng xử của nhà chùa khiến bài thơ thêm nổi tiếng, người đời sau đặt tên cho bài thơ là Đề Mộc Lan viện.

Nhưng chúng tôi không cho rằng từ “ăn chùa” xuất phát từ tích này. Vì cơ bản, cái tên chùa Mộc Lan Viện, Vương Bá, cách ứng xử của nhà chùa… hoàn toàn xa lạ với tâm thức và văn hóa Việt.

Cách dùng từ “ăn chùa” bắt nguồn từ một hiện thực khá phổ biến trong xã hội nước ta. Đó là vào các ngày rằm lớn trong năm (rằm các tháng giêng, tư, bảy, mười), người Việt thường đi ăn cơm chùa. Đây là dịp các chùa thết đãi cơm chay cho bá tánh. “Ăn cơm chùa” vì thế không tốn tiền. Tục đi ăn cơm chùa có từ lâu đời trên khắp đất nước ta, là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Cũng xin nói thêm rằng, thành ngữ Việt có câu “đất vua, chùa làng”, có nghĩa chùa chiền là tổ chức thuộc về cộng đồng làng xã.

Tuy nhiên, trong những người đi ăn cơm chùa, không phải ai cũng có lòng hướng Phật. Nhiều người vẫn còn đầy lòng tham, sân, si. Với họ, đi ăn chùa là một dịp để đỡ tốn tiền cơm. Nhiều người không những ăn uống xô bồ mà còn mang cả thức ăn về. Ăn xong là họ… về luôn, không có một hành động công quả bù lại nào như phụ bếp, dọn bàn, rửa chén… “Ăn chùa” từ đó có thêm sắc thái nghĩa tiêu cực, chỉ những kẻ “chỉ thích chơi mà không thích chi”. Các từ “đồ chùa”, “của chùa” cũng mang sắc thái tiêu cực như vậy.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 30.5.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét