Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC - MẪU HÌNH NGƯỜI ANH HÙNG MỚI TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM (Bút danh Tư Hương)


1. 

Trước Nguyễn Đình Chiểu, nhân vật người nông dân đã xuất hiện trong văn học trung đại ở nước ta. Nhưng phải đến Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc, người nông dân trở thành nhân vật trung tâm của văn học. Không những thế, họ còn đi vào văn chương với tư thế trang trọng, đẹp đẽ chưa từng thấy bao giờ: Những tượng đài bất tử, những người anh hùng mới của thời đại.

Có thể nói, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm kết tinh, điển hình cho chủ nghĩa anh hùng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu và người nghĩa sĩ Cần Giuộc là những hình mẫu người anh hùng mới, tiến bộ của thời đại. Xây dựng thành công hình tượng người nông dân đánh giặc trong tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu đã đóng góp xuất sắc vào dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại Việt Nam những mẫu hình người anh hùng của thời đại mới cùng một quan niệm tiến bộ về chủ nghĩa anh hùng.

Dưới góc độ văn hóa giới, văn học trung đại phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng là văn học nam quyền. Lực lượng sáng tác là nam giới giữ vai trò chủ đạo trong việc làm nên diện mạo của mỗi giai đoạn văn học. Nhân vật trung tâm của văn học trung đại nước ta cũng là nam giới. Nhà văn nữ và tác phẩm viết về người phụ nữ có số lượng không nhiều. Do đó, từ rất sớm, hình tượng người nam nhi - quân tử - anh hùng đã có mặt trong văn học. Nhiều hình tượng người anh hùng trở nên quen thuộc, để lại dấu ấn nhất định trong đời sống văn chương như Từ Hải, Lục Vân Tiên,… Tuy nhiên, đó hầu hết đều là những anh hùng cá nhân, hữu danh và có xuất thân từ tầng lớp trên. Phải đợi đến nửa cuối thế kỷ XIX, với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, lần đầu tiên trong mười thế kỷ văn học trung đại có một hình tượng người anh hùng tập thể, vô danh và có xuất thân nông dân, tầng lớp dưới chưa bao giờ được xem là đối tượng thẩm mĩ (ngoại trừ bộ tứ ngư, tiều, canh, mục với bút pháp ước lệ, sáo mòn) cũng như đối tượng tiếp nhận của văn học trung đại.

2.

Có thể khẳng định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã mang đến cho văn học trung đại những nhân vật anh hùng hết sức mới mẻ, chưa từng có trong văn chương trước đó. Đó là hình tượng người anh hùng nông dân đánh giặc ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang đứng trước biến cố lịch sử chưa từng có tiền lệ: Đối diện với ngoại xâm phương Tây. Vậy, những người anh hùng nông dân khởi nghĩa mà Đồ Chiểu dụng công xây dựng trong bài văn tế có gì mới và đặc biệt so với truyền thống mười thế kỉ văn học trung đại, cũng như với chính bản thân tác giả Nguyễn Đình Chiểu ở giai đoạn sáng tác trước đó?

Phẩm chất đầu tiên và quan trọng nhất của người anh hùng bao giờ cũng là phi thường, xuất chúng. Để xây dựng phẩm chất này, bút pháp quen thuộc của các tác giả trung đại là cường điệu hóa, ước lệ, tượng trưng. Nhân vật Tử Hải trong Truyện Kiều rất tiêu biểu cho điều này. Đây là một nhân vật phi thường toàn diện, từ lai lịch xuất thân (Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi, Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông), ngoại hình (Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao) cho đến tài năng (Đường đường một đấng anh hào/ Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài; Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh; Đại vương họ Hải tên Từ/ Đánh quen trăm trận sức dư muôn người), bản lĩnh (Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà; Trong tay muôn vạn tinh binh/ Kéo về đóng chật một thành Lâm Tri), khí phách (Đội trời đạp đất ở đời; Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì), tính cách (Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai)… Tình yêu, thậm chí cái chết của nhân vật này cũng không bình thường. Đó là cái chết đứng uy nghi, lẫm liệt: “Khí thiêng khi đã về thần/ Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng/ Trơ như đá, vững như đồng/ Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”. Do đó, Từ Hải không thuộc về cộng đồng, không đại diện cho tập thể. Nhân vật này phá vỡ mọi khuôn khổ quan hệ thông thường.

Cái phi thường của người anh hùng trong quan niệm truyền thống là phi phàm, xuất chúng, do đó, thường xa rời quần chúng, đối lập hoặc vượt lên trên cộng đồng. Khi xây dựng hình tượng người nông dân đánh giặc trong tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu đã vượt ra ngoài bút pháp mang tính quy phạm này. Nghĩa sĩ Cần Giuộc trong trong mẫu hình người anh hùng mới của Nguyễn Đình Chiểu gần như ngược lại so với những người anh hùng truyền thống. Xuất thân từ quần chúng lao động, người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc không hiện lên oai phong, kỳ vĩ mà được thể hiện một cách đời thường, giản dị như bao người nông dân không tên không tuổi khác. Họ đi ra từ tầng lớp nông dân và hiện lên trong tác phẩm với tư cách là những người nông dân đúng nghĩa. Đó là những người nông dân của đời thường lam lũ, hiền lành, cục mịch. Họ lặng lẽ đi vào tác phẩm với tất cả những toan lo, khó nghèo, đáng thương, tội nghiệp:

Cui cút làm ăn;
Toan lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu đến trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa tưng ngó. 

Thế nhưng, những điều đời thường, bình thường ấy không hề làm người nông dân Cần Giuộc hiện lên tầm thường trong tác phẩm. Trái lại, chính những điều ấy làm cho những người anh hùng chân lấm tay bùn trở nên phi thường, phi thường giữa đời thường, từ nền tảng đời thường. Họ vốn chỉ là những người nông dân hiền lành, chất phác, không biết việc nhà binh (Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lĩnh diễn binh/ Chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ). Nhưng khác với bọn vua quan nhu nhược đớn hèn, họ biết lo lắng trước tình thế nguy cấp của đất nước (Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa), căm thù giặc Tây xâm lược (Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ/ Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan/ Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ). Họ ý thức trách nhiệm của mình đối với vận mệnh nước nhà (Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu/ Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó), tự nguyện ra trận đuổi giặc (Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình/ Chẳng thèm trốn ngược trốn xui, chuyến này dốc ra tay bộ hổ) dù rằng quân trang, vũ khí thô sơ (Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi/ Trong tay cầm một ngọn tầm vong, chi nài sắm dao tu nón gõ/ Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia/ Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ) và chưa được luyện tập, trang bị kiến thức, kinh nghiệm quân sự (Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn/ Chín chúc trận binh thư, đâu chờ bày bố). Họ dũng cảm xung trận mà chẳng hề khiếp sợ trước sức mạnh của giặc xâm lược (Chi nhọc quan quản trống kỳ trống giục, đập rào lướt tới, coi giặc cũng bằng không/ Nào sợ thằng Tây đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có), coi cái chết nhẹ như lồng hồng khiến cho quân thù kinh khiếp (Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh/ Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ)… Tất cả những điều ấy đều diễn ra tự nhiên, có cơ sở từ hiện thực, phù hợp với quy luật tâm lí - hành động của con người bình thường. Chính vì thế, hình tượng người anh hùng nông dân trong tác phẩm hiện lên với vẻ đẹp anh dũng, hiên ngang nhưng cũng thật thân quen, gần gũi.

3.

Nếu bút pháp khi xây dựng hình tượng người anh hùng truyền thống là ược lệ, tượng trưng, phóng đại thì với người nghĩa sĩ Cần Giuộc, bút pháp mà Đồ Chiểu sử dụng nghiêng về tả thực. Đó là lí do những điển cố, thi liệu, từ Hán Việt liên quan đến việc đặc tả con con người (ngoại hình, phẩm chất) với sắc thái trang trọng vốn là một đặc trưng trong ngôn ngữ thể loại văn tế lại ít được sử dụng trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Ngược lại, chất liệu văn học dân gian, lối nói khẩu ngữ, đặc biệt là lớp từ ngữ địa phương (phương ngữ Nam bộ) lại được Nguyễn Đình Chiểu huy động sử dụng với số lượng khá lớn trong việc khắc họa chân dung người anh hùng chân đất. Chính nhờ điều này, hình tượng người anh hùng nông dân trong bài văn tế hiện lên rất gần gũi, cụ thể, chân thực, từ hoàn cảnh, đời sống cho đên suy nghĩ, hành động. 

Cũng vậy, nếu như người anh hùng trong văn học trung đại thường hiện lên với vẻ đẹp hùng tráng thì người anh hùng Cần Giuộc lại là tượng đài của vẻ đẹp bi tráng. Xây dựng hình tượng người anh hùng chân đất, bên cạnh cảm hứng ngợi ca, Nguyễn Đình Chiều còn thể hiện rõ tấm lòng yêu thương, cảm phục, xót xa. Những dòng viết về sự hi sinh của những người nông dân nghĩa sĩ của ông thật sự cảm động: Ôi thôi thôi/ Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm/ Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ. Và những dòng viết về nỗi đau của quê hương và người thân ở lại cũng thấm đẫm nước mắt xót xa: Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng/ Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ… Não nùng bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều/ Não nùng thay! Vợ vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ. Đó là lí do mà Hoài Thanh khẳng định đầy trân trọng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là “một trong những bài văn hay nhất của chúng ta”, hơn nữa, “trước đó chưa bao giờ có và sau đó đến mấy chục năm cũng chưa hề có trong văn thơ ta một cái nhìn yêu thương và kính phục như vậy đối với người nông dân” (1).

4.

Với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã cụ thể hóa, điển hình hóa quan niệm về chủ nghĩa anh hùng yêu của mình. Trong quan niệm của thơ ca truyền thống, người anh hùng bao giờ cũng gắn liền với những việc làm phi thường, những chiến công hiển hách. Đó có thể là sự nghiệp “một tay gây dựng cơ đồ” (Truyện Kiều), là quan niệm sống hành hiệp trượng nghĩa “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” (Lục Vân Tiên),… Với cụ Chiểu, bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp trên, người anh hùng còn phải yêu nước và sự nghiệp anh hùng phải có ích cho đất nước, nhân dân. Cho nên, người nông dân Cần Giuộc dù đã ngã xuống (Những lăm lòng nghĩa lâu dùng/ Đâu biết xác phàm vội bỏ), cuộc khởi nghĩa của họ chưa thành nhưng lòng yêu nước của họ vẫn còn sáng mãi, được nhân dân ghi nhớ muôn đời: Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen/ Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ. Những người nông dân nghĩa sĩ ấy chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng yêu nước cao đẹp mà Nguyễn Đình Chiểu theo đuổi trong nhiều tác phẩm của mình. Dĩ nhiên, quá trình định hình của chủ nghĩa anh hùng trong quan niệm Đồ Chiểu qua các thời kì có nhiều sự thay đổi, bổ sung, phát triển. Từ truyện thơ Lục Vân Tiên đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, quan niệm về chủ nghĩa anh hùng của ông có sự thay đổi căn bản về chất, đúng như nhận định của Nguyễn Đồng Chi: “Từ chủ nghĩa anh hùng yêu nước phong kiến, Nguyễn Đình Chiểu đã dần chuyển sang chủ nghĩa anh hùng yêu nước kiểu nông dân, mặc dầu còn giữ ít nhiều hình thức phong kiến. Đó là dấu hiệu chuyển biến về chất trong quan niệm của ông” (2).

Cuối bài văn tế, nhà thơ dành những lời trang trọng nhất cho anh linh những người nghĩa sĩ và tôn xưng người nông dân Cần Giuộc là những vị anh hùng yêu nước thương dân: Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thương dân. Với hình tượng nghĩa sĩ Cần Giuộc được dụng công khắc họa, Nguyễn Đình Chiểu không những thể hiện thái độ cảm phục, yêu thương trước những người nông dân khởi nghĩa năm xưa mà còn xây dựng thành công một mẫu hình người anh hùng mới, không chỉ đối với gần mười thế kỉ văn học trung đại nước đại mà còn mới với chính cả nhà thơ ở giai đoạn sáng tác trước đó. Đó là những người anh hùng nông dân đánh giặc vì dân vì nước hi sinh, là những người anh hùng chân chính sống mãi trong lòng nhân dân.

Chú thích:

1: Hoài Thanh, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, một trong những bài văn hay nhất của chúng ta, in trong sách Nguyễn Đình Chiểu về tác gia, tác phẩm, Nguyễn Ngọc Thiện giới thiệu và tuyển chọn, tái bản lần thứ 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.455.

2: Nguyễn Đổng Chi, Nguồn gốc và quá trình hình thành chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu, in trong Nguyễn Đình Chiểu về tác gia, tác phẩm, Sđd, tr.189.

Tư Hương
Bài đã đăng trên:
- Báo Giáo dục và Thời đại
- Tạp chí Văn hóa Phật giáo
- Tạp chí Lang Bian


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét