Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Tạp bút NHỮNG LÁ THƯ CỦA CHA (Phạm Tuấn Vũ)



Cha tôi có một gia tài mà ông cất giữ cẩn thận. Đó là những lá thư đã theo ông hơn nửa cuộc đời. Những lá thư ấy là một phần cuộc sống, lưu giữ những kỷ niệm của nhiều chặng đường cha đã đi qua. Có những lá thư đã cũ, màu chữ phai mờ, có những lá thư không còn phong bao… tất cả đều được cha nâng niu, gìn giữ.

Cha có một chiếc rương bằng lõi mít rất đẹp. Ông dùng nó để cất giữ những lá thư. Có đến mấy trăm phong thư được để ngăn nắp trong chiếc rương này. Những lá thư mà bạn đồng hương, ông bà nội gửi cho cha trong những ngày ông đi làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Có lá thư của người đồng chí đã mãi mãi nằm xuống chiến trường K. Có cả những lá thư của người đồng đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về vẫn gửi tới cha cho đến bây giờ. Những lá thư ấy mỗi lần đọc lại, tôi thấy trên ánh mắt cha một nỗi buồn thẳm xa.

Đã có một thời, cha và đồng đội kề vai chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp. Hoàn thành nghĩa vụ vẻ vang, có người đã nằm lại, có người giải ngũ trở về quê hương, có người trôi dạt về những miền xa xứ bận rộn với cuộc sống mưu sinh. Cha tôi trở lại quê nghèo, với ruộng nương lam lũ. Cuộc sống khó khăn nên cha vẫn chưa có điều kiện tìm gặp những đồng đội ngày ấy. Vậy là, trong những đêm cha con ngồi nói chuyện, ông lại giở những lá thư ngày xưa đọc cho tôi nghe. Rồi ông thở dài, biết bao giờ cha mới được đi thăm từng người con nhỉ. Mà biết lúc đó đồng đội có còn nhận ra nhau, ai còn ai mất…

Nhớ những người đồng chí một thời sát cánh bên nhau, cha tôi lại viết thư hỏi thăm từng người. Chữ cha viết rất đẹp, mỗi dòng chữ đều được ông nắn nót rất kỹ, và lá thư nào cũng dài vài trang. Tôi nhìn thấy trên những dòng chữ của cha từng kỷ niệm không quên, những yêu thương chan chứa. Mẹ hay bảo, bây giờ ai cũng có điện thoại rồi, gọi cho nhau vừa tiện lại vừa được nghe giọng nói của nhau không tốt hơn sao. Cha tôi chỉ cười. Thỉnh thoảng ông và các đồng đội vẫn gọi điện cho nhau. Điện thoại thì tiện thật nhưng cha và các bác ấy vẫn không bỏ thói quen viết thư tay. Cứ độ hơn nửa tháng, người bưu tá lại mang đến cho cha vài lá thư. Cả chục năm nay đều như vậy. Người bưu tá già cũng từng là quân nhân đã trở thành bạn thân của cha tôi. Tôi đã nhìn thấy những niềm vui không giấu được khi ông nhận được thư của đồng đội xưa. Có nhiều lần đọc xong thư, mắt ông rớm lệ vì bạn gặp chuyện không may. Cha hay bảo tôi, ngày trước, thế hệ cha sống với nhau nặng tình nghĩa lắm, con à.

Rồi tôi xa nhà đi học. Đều đặn tháng nào tôi cũng nhận được thư cha. Tôi đọc được ở từng con chữ cha viết là những yêu thương, ân cần, là niềm kỳ vọng, lý tưởng một đời cha gửi gắm. Tôi thấy hạnh phúc và tự hào về cha, người đã sống gần trọn một đời tình thâm nghĩa trọng. Tôi hãnh diện kể với bạn bè về những lá thư của cha. 

Và giờ, tôi lại làm như cha. Nâng niu từng cánh thư đến và gửi yêu thương vào những cánh thư đi. Đến cha mẹ, bạn bè, những người tôi mến yêu…

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Báo Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét