Khi nắng bắt đầu chói chang trên những con đường cát trải, gió lào bắt đầu thổi những đợt nóng và khô cũng là lúc bông lúa trên đồng ngả màu vàng óng. Người dân quê tôi lại tất bật chuẩn bị cho mùa gặt.
Quê tôi là một ngôi làng nho nhỏ nằm ven sông, những ngôi nhà xinh xắn thấp thoáng sau những ngọn cau; trước mặt là cánh đồng yên ả có đàn cò trắng nhẹ nhàng chao nghiêng mỗi lúc chiều về. Người quê tôi bao đời nay làm lúa, mỗi bàn chân gắn với ruộng cạn đồng sâu, quanh năm giọt mồ hôi rơi thánh thót xuống từng cây mạ non, mặn chát trên từng gốc rạ. Ở nơi ấy tuổi thơ tôi đi qua với những buổi chiều quê yên bình.
Khi những trà lúa chín vàng trên đồng, người làng tôi lại hối hả bao nhiêu công việc. Nào đi nhờ người gặt giùm, nào chuẩn bị liềm, lạt tre buộc lúa, đòn gánh, máy tuốt, rồi chuẩn bị nấu đồ ăn quẩy ra đồng cho người làm ăn nửa buổi. Phụ nữ cắt lúa, đàn ông bó lúa gánh về, trẻ con phụ ôm lúa, đưa lúa cho người tuốt. Quê tôi ngày ấy làm lúa thủ công, bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn, nhà nào cũng sắm được máy gặt, máy tuốt. Mọi người mừng vì việc làm lúa không còn vất vả như trước nữa.
Có những mùa gặt của tuổi thơ, đến bây giờ còn nhớ mãi. Đó là những ngày ra đồng giúp mẹ cắt lúa được các cô chú trong làng khen ngoan; là những chiều lúa đã về nhà, xong việc rồi nên cùng đám bạn trong thôn ra đồng thả diều, cùng đùa vui chơi trốn tìm sau những đụn rơm thơm mùi lúa mới; là những đêm trăng lên tròn vành vạnh, sáng dịu dàng, mát rượi khắp cả cánh đồng lúa đã gặt xong, cùng đám bạn ra ngoài ruộng cạn ngồi trò chuyện, hát hò. Đó là những mùa gặt rộn tiếng nói cười, mệt nhoài nhưng đong đầy niềm vui, không thể nào quên.
Tư Hương
Bài đã đăng trên Báo Đăk Nông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét