Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

MỘT BÀI THƠ ĐẶC SẮC VỀ ĐỀ TÀI TÂY NGUYÊN… (Phạm Tuấn Vũ)


Trong những năm gần đây, đề tài Tây Nguyên được quan tâm nhiều hơn trong sáng tác văn chương với một số tác phẩm gây được ít nhiều sự chú ý từ dư luận. Ở địa hạt thơ, nhiều tác phẩm hay viết về Tây Nguyên đã ra đời, đem đến những góc nhìn và cảm xúc mới mẻ, độc đáo về đất và người cao nguyên nắng gió. Tạp chí Chư Yang Sin số xuân Ất mùi 2015 có đăng bài thơ Nét xuân Tây Nguyên. Đây là một trong những tác phẩm đặc sắc về đề tài Tây Nguyên của Đặng Bá Tiến nói riêng, của thơ viết về đề tài này trong thời gian gần đây nói chung.

Bài thơ mở ra một không gian ngập tràn xuân sắc, xuân tình trên mảnh đất cao nguyên bazan đất đỏ. Điểm nhìn thời gian của bài thơ là thời khắc giao mùa đông qua xuân đến. Từ điểm nhìn không thời gian đó, tác giả thả hồn mình theo những dòng cảm xúc say mê, hào hứng; dẫn người đọc đến khắp các nẻo đường xuân cao nguyên; đưa người đọc đến với những gì là hồn cốt của tình đất, tình người Tây Nguyên trong mỗi độ xuân về.

Bài thơ thành công trước hết ở cách đặt nhan đề tác phẩm chính xác mà tinh tế của Đặng Bá Tiến. Tác giả không gọi “cảnh xuân”, “mùa xuân” hay “ngày xuân Tây Nguyên” bởi lẽ những cách gọi ấy vừa mang ý nghĩa khái quát lại vừa mang sắc thái khách quan, xa lạ. Nhà thơ gọi “nét xuân” bởi nó đúng với tinh thần của bài thơ. “Nét” theo Từ điển tiếng Việt là “đường tạo nên hình dáng riêng” nhưng đồng thời cũng là “những cơ bản tạo nên, khắc họa nên cái chung” (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản). “Nét xuân Tây Nguyên” là những gì vừa chấm phá, cơ bản lại rất đặc trưng, là bản sắc riêng biệt của mùa xuân ở Tây Nguyên, khác với xuân ở những vùng miền khác, lại vừa phảng phất cái tình của người viết. Đặt nhan đề như vậy, không những thể hiện tình cảm yêu quý đối với mảnh đất Tây Nguyên mà mình nhiều năm gắn bó, tác giả còn thể hiện rõ ý thức tập trung vào khắc họa những gì là hồn cốt, là rất Tây Nguyên của con người nơi đây khi lễ hội mùa xuân về. Và bài thơ với 5 khổ, 20 dòng đã thành công với hướng đi này.

Mở đầu bài thơ, tác giả khéo léo thể hiện bước đi lặng lẽ của thời gian. Khoảnh khắc giao mùa được miêu tả tự nhiên, chính xác qua những dấu hiệu thay đổi của thiên nhiên, thời tiết:

Đã chia tay với cơn mưa muộn
gió không nhà mặc sức ruổi rong
sóng dã quỳ dâng vàng khắp lối
nắng mật phong tình những cánh ong

Ngay trong khổ thơ đầu tiên này, những gì là đặc trưng nhất của Tây Nguyên đã được nhắc đến: mưa, gió, nắng và đặc biệt là hoa dã quỳ. Thế nhưng, cái rất Tây Nguyên không chỉ có từng đó, tức cảnh sắc, thiên nhiên và khí hậu mà còn là những đặc trưng văn hóa cũng như tính cách, tâm hồn con người bản địa. Những khổ thơ tiếp theo, tác giả triển khai vấn đề này một cách sâu sắc, ấn tượng.

Bản sắc mùa xuân Tây Nguyên trước hết là nét độc đáo trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây gắn liền với mùa xuân. Trước tiên, đó là đời sống tâm linh với những phong tục, lễ hội đặc sắc của con người Tây Nguyên diễn ra khi xuân đến:

buôn gọi buôn náo nức vào mùa
cúng thần cây đa, tạ thần bến nước
chiêng dìu chiêng lên chín tầng mây biếc
mời Giàng về vui hội nhân gian

Nhắc đến văn hóa Tây Nguyên là nhắc đến văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng đa thần, sùng bái tự nhiên, lối sống hòa hợp với thiên nhiên... Nhưng đó không phải là những điều xa vời, đáng sợ. Trái lại, qua cái nhìn của nhà thơ, văn hóa tâm linh gắn bó thân thiết với con người nơi này. Thần cây đa, thần bến nước gần gũi, có mặt trong đời sống cộng đồng; cồng, chiêng trở thành mối liên lạc giữa con người và thần linh; và Giàng, đấng tối cao, cũng tham dự, chung vui với con người trong ngày hội trần thế. Giọng thơ hồ hởi với một chút ngộ nghĩnh đã góp phần thể hiện thành công nét đặc sắc trong văn hóa tâm linh của con người cao nguyên.

Đặc sắc văn hóa của người Tây Nguyên trong ngày xuân còn thể hiện qua đời sống tinh thần phong phú với những làn điệu dân ca, điệu hát, điệu nhảy truyền thống trong các lễ hội:

lúa, cà phê đã êm giấc trên sàn
ngô đã nằm đầy gian ba, gian bảy
thì ay-ray cứ thỏa lòng luyến láy
thì tay ấp tay người mà mê đắm nhịp xoang

Ở khổ thơ thứ 3 này, niềm vui ngày xuân của người Tây Nguyên thật trọn vẹn. Đời sống vật chất đủ đầy là một trong những điều kiện để đời sống tinh thần nâng cao. Mùa màng đã thu hoạch xong, ngô lúa, cà phê được mùa, người Tây Nguyên lại tưng bừng mở hội, lại dành cho nhau những câu hát, điệu nhảy cùng tình cảm say đắm, chân thành.

Trong không gian tình xuân tràn ngập khắp cao nguyên buôn làng ấy, tác giả không thể không nói đến tình yêu lứa đôi. Bởi mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu và khát vọng sống. Người Tây Nguyên từ thuở chàng Đăm San cùng nàng Hơ Nhí, Hơ B’hí đã biết yêu nhau đắm say. Mỗi khi lễ hội xuân về, bên ché rượu cần đượm men say và những nhịp xoang tình tứ, những chàng trai, cô gái bazan ngày nay lại có cơ hội để tình tự, trao gửi yêu thương. Và “anh”, nhân vật trữ tình của bài thơ, như đang “bước lạc” trong không gian mùa xuân thấm đẫm tình yêu ấy:

hương đất trời từ ché túc, ché tang
bỏ bùa gái trai nhìn nhau như dính
áo thổ cẩm đuôi công dài xúng xính
bên gốc kơ-nia em kéo vạt để anh nằm

vui hết mặt trời vui hết mặt trăng
vui cạn nhịp xoang vui khàn giọng hát
vui quá… và anh về bước lạc
bởi đuôi mắt ai dắt lối hồn mình!

Không những khắc họa được bản sắc văn hóa cũng như tâm hồn của con người Tây Nguyên, bài thơ còn thành công ở việc vận dụng lời ăn tiếng nói, kiểu tư duy ngôn ngữ của người đồng bào Tây Nguyên, ở việc thể hiện giọng thơ say đắm, vui tươi và xây dựng được hình tượng thơ giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm. Có thể xem Nét xuân Tây Nguyên là bài thơ thành công ở nhiều phương diện, một trong những tác phẩm thơ đặc sắc về đề tài Tây Nguyên.

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét