Trên báo chí hiện nay, hai từ tinh giảm và tinh giản (gắn với bổ ngữ biên chế) được sử dụng gần như tương đương. Chẳng hạn, báo Bình Định điện tử ngày 29.2.2008 có bài dùng từ tinh giảm (Tinh giảm biên chế, sao khó thế?); nhưng ngày 9.8.2016, lại có bài dùng từ tinh giản (Cần quyết liệt tinh giản biên chế).
Điều này có thể bắt nguồn từ việc hai từ tinh giảm và tinh giản có ý nghĩa và âm đọc khá gần nhau. Thậm chí, nhiều cuốn từ điển tiếng Việt còn ghi nhận hai từ này là một. Chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) ghi nhận tinh giảm là một dạng khẩu ngữ của tinh giản. Ở trang 977, cuốn từ điển này ghi: “tinh giảm đg. (kng.). Tinh giản. Tinh giảm biên chế” (kng. là quy ước viết tắt của từ khẩu ngữ được đặt ở đầu cuốn từ điển trên).
Tinh giảm và tinh giản có nghĩa là gì? Đây đều là những từ gốc Hán. Tinh có một nét nghĩa là “vật chất đã được trừ bỏ phần tạp xấu” (như trong các từ tinh túy, tinh luyện); giảm có một nét nghĩa “trừ bớt đi” (như trong gia giảm, giảm thiểu); giản có một nét nghĩa là “lược bớt” (như trong giản lược, giản yếu).
Tinh giảm có thể hiểu là “trừ bớt cho tinh, gọn”. Còn tinh giản có thể hiểu là “lược bớt cho tinh, gọn”. Hai từ này có ý nghĩa tương đương. Nói cách khác, đây là hai từ đồng nghĩa, do đó, có thể sử dụng thay thế cho nhau. Thế nhưng, đâu là nét khác nhau giữa hai từ này?
Vấn đề nằm ở giảm và giản. Hai hình vị gốc Hán này đều được Việt hóa. Trong đó, giảm được Việt hóa ở mức độ gần như cao nhất và dĩ nhiên, cao hơn giản. Cho nên, trong tiếng Việt hiện đại, giảm có thể hoạt động như một từ đơn độc lập (có thể nói giảm cho tôi mười ngàn nhé. Nhiều người còn nhầm giảm là một từ thuần Việt). Trong khi đó, giản là một hình vị phụ thuộc, khả năng hoạt động độc lập là rất hạn chế (không ai nói tôi giản bỏ ba trang sách không đọc).
Vì thế, khi đi cùng tinh, tổ hợp tinh giảm tạo nên cảm giác “nôm na” hơn tinh giản. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến tác giả Từ điển tiếng Việt cho rằng tinh giảm là dạng khẩu ngữ của tinh giản.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên báo Bình Định ngày 18.1.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét