(GLO)- Nếu thủ đô Hà Nội có Hồ Gươm, cố đô Huế có cầu Trường Tiền, thành phố Hồ Chí Minh có chợ Bến Thành là những biểu tượng từ lâu đã trở nên quen thuộc… thì Hội An, thành phố nhỏ cổ kính và thơ mộng bên bờ sông Hoài có chùa Cầu nổi tiếng.
Về thăm phố cổ Hội An, hẳn du khách sẽ được nghe câu ca dao mà người dân nơi đây ai cũng thuộc:Ai đi phố Hội, chùa Cầu/Để thương, để nhớ, để sầu cho ai/Để sầu cho khách vãng lai/Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu. Có lẽ, khách vãng lai, dù chỉ một lần đến phố Hội, thăm chùa Cầu, khi trở về trong lòng sẽ thấy ít nhiều vương vấn, nhớ thương…
Đúng như tên gọi, chùa Cầu là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắt ngang qua con lạch nhỏ trong lòng đô thị cổ Hội An một thời sầm uất (nay nằm tại giao điểm giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, phường Cẩm Phô). Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Cho nên, người dân địa phương thường gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho cầu là Viễn Lai kiều (nghĩa là chiếc cầu đón khách xa đến). Tương truyền, cầu ban đầu được xây với ý nghĩa tâm linh nhằm trấn áp quái vật Namazu (tức con Cù, quái thú gây ra động đất trong truyền thuyết của Nhật Bản). Đến năm 1653, cầu được dựng thêm phần chùa, nối với lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu. Tên gọi chùa Cầu ra đời từ đây. Trải qua sự tàn phá của thời gian cùng thiên tai địch họa, chùa xuống cấp và phải trùng tu nhiều lần. Những yếu tố của kiến trúc Nhật Bản dần mất đi, thay vào đó là nét kiến trúc mang phong cách Việt - Hoa.
Chùa Cầu là một di tích lịch sử văn hóa độc đáo. Gọi là chùa nhưng trước hết, đây là một cây cầu ngói dài 18m, có mái được lợp bằng ngói âm dương, một đặc trưng trong kiến trúc của người Việt. Trên cửa chính của cầu có một tấm hoành ghi nổi ba chữ Hán lớn là “Viễn Lai kiều”. Cầu có mái che, ở giữa có lối qua lại con theo hình cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp với bảy gian gỗ làm nơi nghỉ mát. Cả phần chùa và cầu đều được làm bằng gỗ được sơn son và chạm trổ nhiều hoa văn tinh tế. Các trụ cầu làm bằng đá. Hai đầu cầu có tượng khỉ và chó, hai linh vật được người Nhật sùng bái và tôn thờ từ thời xa xưa, bằng đá đứng chầu.
Đặc biệt, chùa Cầu không thờ Phật như hầu hết các chùa. Chùa thờ Bắc Đế Trấn Võ, một vị thần chuyên trị lũ lụt phong ba, bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người. Chùa Cầu vì thế có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
Không chỉ được xem là biểu tượng của thành phố Hội An, chùa Cầu còn là một trong những di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt. Đây là công trình duy nhất có nguồn gốc từ xứ xở Phù Tang còn lại trên đất nước ta hiện nay. Hình ảnh chùa Cầu được in trên tờ tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng. Ngày 17-2-1990, chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia. Chùa Cầu chính là niềm tự hào của người dân Hội An.
Về thăm phố cổ Hội An, du khách không thể không đến chùa Cầu, công trình được xem là linh hồn, biểu tượng của phố Hội. Đến với công trình có tuổi đời 400 năm này, ta sẽ cảm nhận được lịch sử của một đô thị cổ từng một thời là thương cảng sầm uất bậc nhất Đàng Trong, một trong hai Di sản văn hóa thế giới của tỉnh Quảng Nam. Và tin rằng, khi ra về, chùa Cầu hẳn sẽ “để thương, để nhớ” trong lòng mỗi chúng ta.
TƯ HƯƠNG
Đăng báo Gia Lai ngày 18.1.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét