Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

"PHONG PHANH" VÀ "PHONG THANH"


Trong lời nói hằng ngày, khá nhiều người dùng cụm từ “nghe phong phanh”, đây là cách dùng từ thiếu chính xác.

Phong phanh là một từ láy thuần Việt, có nghĩa là “mỏng manh và ít, không đủ ấm”. Từ này được dùng để chỉ hiện trạng trang phục của một người, do đó, thường đi cùng từ mặc để tạo nên tổ hợp mặc phong phanh. Chẳng hạn, có thể nói: “Trời lạnh mà anh mặc phong phanh quá!”.

Còn phong thanh lại là một từ ghép gốc Hán, trong đó, phong có nghĩa là “gió”, thanh nghĩa là “tiếng”. Phong thanh có thể hiểu là “tiếng gió”. Trong tiếng Việt, từ ghép này có nghĩa là “thoáng nghe được, thoáng biết được, chưa lấy gì làm chắc lắm”. Phong thanh thường được dùng để chỉ tính chất của thông tin, tin tức; do đó, thường đi với nghe để tạo thành tổ hợp nghe phong thanh. Chẳng hạn, có thể nói: “Tôi nghe phong thanh đâu chậu mai kiểng của anh ta bán được giá cao nhất trong hội chợ hoa tết năm nay”.

Như vậy, phong phanh và phong thanh là hai từ hoàn toàn khác nhau. Nói/ viết “nghe phong phanh” là sai. Dùng đúng phải là “nghe phong thanh”, “mặc phong phanh”. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng: “Nghe phong phanh” tuy là cách dùng từ sai nhưng đã được sử dụng từ lâu và phổ biến, cho nên, có thể chấp nhận được như một cách dùng từ đúng (như một số hiện tượng khác trong tiếng Việt). Thậm chí, một số từ điển tiếng Việt cũng cùng quan điểm này. Cá nhân tôi cho rằng, phong phanh chỉ liên quan đến việc ăn mặc, không có nét nghĩa nào liên quan đến tính chất của thông tin, tin tức. Cách nói “nghe phong phanh” như vậy chỉ góp phần làm nghèo nàn, méo mó tiếng Việt mà thôi.

ThS PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên báo Bình Định ngày 1.2.2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét