Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

CHỚ NÊN LẠM DỤNG TỪ "mạnh thường quân"


Trên báo chí hiện nay, danh từ Mạnh Thường Quân được sử dụng khá phổ biến. Chẳng hạn, báo Thanh Niên điện tử ngày 8.9.2008 có bài Nàng Kiều chờ mạnh thường quân, báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 8.12.2017 có bài Mạnh thường quân hỗ trợ “ba chị em đùm bọc nhau ăn học”, báo Bình Định điện tử ngày 4.9.2017 ở bản tin “Khám bệnh, phát thuốc cho hơn 1.000 người nghèo ở Hoài Nhơn” cũng có đoạn “mới đây, Bệnh viện Quận 2 TP Hồ Chí Minh, Hưng Thịnh Corp và một số Mạnh Thường Quân trong Hội đồng hương Hoài Nhơn tại TP Hồ Chí Minh…”.

Danh từ này bắt nguồn từ một điển tích có nguồn gốc từ sử sách Trung Hoa. Mạnh Thường Quân là hiệu được phong của Điền Văn (? - 279 TCN), người nước Tề, từng làm quan tới chức tể tướng và là một trong Chiến Quốc tứ công tử. Ông là người giàu có, hào hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà lúc nào cũng chiêu nạp vài ngàn tân khách. Trong văn chương, điển Mạnh Thường Quân được dùng để chỉ những người có lòng tốt, hay cưu mang, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Trong ngôn ngữ sinh hoạt, điển này cũng được sử dụng rộng rãi với ý nghĩa trên, đồng thời, phái sinh nét nghĩa chỉ những người hoạt động từ thiện, nhà hảo tâm, tài trợ.

Có một hiện tượng thú vị là trong đời sống ngôn ngữ hiện đại, nhiều điển bị “từ hóa” (tức đánh mất dần tư cách điển để trở thành từ), hoạt động như những từ bình thường. Người viết/ nói không cần quan tâm đến câu chuyện xưa cũ chứa đựng bên trong của những điển này nhưng vẫn có thể dùng chính xác ý nghĩa hàm ẩn của chúng.Mạnh Thường Quân là một điển “từ hóa” như vậy.

Vì bị “từ hóa”, điển Mạnh Thường Quân bị nhiều người nhầm là một từ bình thường (cụ thể là một danh từ chung), do đó, không viết hoa. Thậm chí rất nhiều tờ báo cũng nhầm lẫn như vậy (như hai trường hợp vừa dẫn ở trên). Những câu như “cảm ơn sự đồng hành của các mạnh thường quân” (báo điện tử Dân Trí ngày 17.7.2017) ta có thể gặp thường xuyên trên các mặt báo.

Như vậy, viết mạnh thường quân là không đúng chính tả tiếng Việt. Thực tế, nhiều người sử dụng danh từ này như một thói quen mà không hề hiểu ý nghĩa của nó. Hơn nữa, việc mượn điển tích làm từ như vậy đến nay có thể nói là không còn phù hợp với tâm thức văn hóa người Việt. 

Ở góc độ tôn vinh văn hóa Việt, tiếng Việt, tôi nghĩ, việc vay mượn, sử dụng điển tích của những nền văn hóa khác, cần phù hợp với tâm thức văn hóa - thẩm mỹ của cộng đồng. Không lý gì ta lại dùng một điển ngoại lai cũ kỹ, xa lắc bên Tàu (gắn với câu chuyện ở nước Tàu, của người Tàu) trong khi trong tiếng Việt không thiếu những từ, cách diễn đạt tương đương, rõ nghĩa như những nhà hảo tâm, nhà từ thiện, nhà tài trợ… 

ThS PHẠM TUẤN VŨ
Đăng báo Bình Định ngày 25.1.2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét