(GLO)- Làm hướng dẫn viên du lịch trong nhiều năm, tôi may mắn được đi đến tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước. Tôi cũng đã đến, ở lại và trải nghiệm Gia Lai nhiều lần. Trong cảm nhận của riêng tôi, một người làm trong ngành, Gia Lai chẳng khác gì một thiên đường du lịch.
Gia Lai được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh đẹp. Những thảo nguyên bao la, những ngọn núi huyền thoại, những cánh rừng hoang sơ, những thác nước hùng vĩ, Biển Hồ trong veo, những đồi thông xanh ngát, đồi cỏ hồng đẹp ngỡ ngàng, hoa dã quỳ, cỏ đuôi chồn say đắm,… vẻ đẹp của thiên nhiên Gia Lai có thể níu chân bất kỳ du khách khó tính nào.
Gia Lai có nhiều món ăn ngon từ lâu đã trở thành “thương hiệu” như: cơm lam, rượu cần, bò một nắng, muối kiến,… có thể khiến du khách đến đều muốn thưởng thức một lần trong đời. Riêng với món phở khô, nhắc đến đặc sản này, người ta chỉ có thể nghĩ ngay đến Gia Lai.
Gia Lai còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Tây Sơn thượng đạo, Nhà tù Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết, di tích Làng kháng chiến Stor, chùa Minh Thành... Đặc biệt, Gia Lai có một bề dày lịch sử hào hùng cùng một truyền thống văn hóa đa sắc màu, đậm đà bản sắc, mang nhiều giá trị. Tiếng cồng chiêng âm vang đại ngàn, những câu khan bất tận kể đêm này sang đêm khác, những khu nhà mồ, những bộ trang phục, món ăn, lễ hội truyền thống độc đáo của người Jrai, người Bahnar… chắc chắn có thể thu hút du khách, không chỉ đến một lần.
Những thế mạnh trên không phải địa phương nào cũng có. Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch trở thành một trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Với những tiềm năng rất lớn, Gia Lai có thể phát triển hầu như tất cả các loại hình du lịch, từ du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa truyền thống, du lịch tâm linh đến du lịch sinh thái; từ du lịch tham quan, du lịch giải trí đến du lịch khám phá, nghỉ dưỡng. Sự đa dạng trong loại hình du lịch là một trong những tiền đề để phát triển ngành du lịch một cách toàn diện, bền vững.
Yếu tố thời vụ, không gian để phát triển du lịch của Gia Lai cũng rất thuận lợi. Ở nhiều địa phương, hầu như du lịch chỉ diễn ra trong một mùa vụ ngắn (mùa hoa, mùa lễ hội, du lịch biển gắn với mùa nắng) thì ở Gia Lai, hầu như cả hai mùa khô và mưa đều có thể phát triển du lịch với nhiều điểm đến trong suốt cả năm. Việc tổ chức các tuyến điểm du lịch ở Gia Lai cũng khá thuận lợi khi các di tích, thắng cảnh hầu như đều không ở quá xa và đều có đường đến thuận tiện.
Một lợi thế nữa của du lịch Gia Lai là các dịch vụ ngày càng tốt hơn. Các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, mua sắm, chăm sóc khách hàng của ngành du lịch Gia Lai được đánh giá khá tốt.
Tuy nhiên, tôi có cảm giác, Gia Lai chưa khai thác đúng mức các thế mạnh của mình để trở thành một trong các địa phương mạnh về ngành du lịch. Khách đi tham quan Gia Lai của tôi hầu hết đều hài lòng về chuyến đi của mình. Tuy vậy, nhiều người vẫn tỏ ra còn tiếc nuối một điều gì đó. Nhiều người nói với tôi rằng, Gia Lai chẳng khác nào một thiên đường du lịch. Nhưng… thiên đường ấy vẫn còn đang… “ngủ quên”. Bởi, cách mà Gia Lai khai thác các tiềm năng du lịch của địa phương mình vẫn còn chưa thật triệt để.
Tôi nghĩ rằng, người ta biết đến Gia Lai không chỉ là quê hương của chàng Đam San đi bắt nữ thần Mặt Trời, của anh hùng Núp lừng lẫy hay là thủ phủ hồ tiêu của cả nước. Gia Lai sẽ còn được biết đến với nhiều thắng cảnh, di tích, đặc sản, truyền thống văn hóa đặc sắc, dịch vụ tốt,… và với con người Tây Nguyên hào sảng, mến khách. Vấn đề là ở cách làm du lịch của Gia Lai mà thôi.
TƯ HƯƠNG
Đăng trên báo Gia Lai ngày 18.1.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét