(GLO)- Có những điều từ lâu đã trở thành “thương hiệu” của Gia Lai, Tây Nguyên. Đó là cái nắng hanh hao, cái gió đại ngàn xao xác. Lá dã quỳ vàng tươi rực rỡ, hoa cà phê trắng ngần, những rừng cao su bạt ngàn xanh thẳm… Và một điều thầm lặng hơn, là bazan đất đỏ.
Lên Cao nguyên Gia Lai, hầu như ở đâu cũng có thể bắt gặp đất bazan. Đất đỏ ở dọc hai bên đường, trong những vườn cà phê, trên những đồi thông, trong những cánh rừng già… Dưới từng bước chân êm của các em nhỏ đến trường, của các a mí lên nương, là những lớp đất bazan màu mỡ.
Đất đỏ là một đặc trưng thổ nhưỡng của Gia Lai. Theo các nhà địa chất học, đất đai ở Gia Lai rất phong phú, được chia làm 27 loại khác nhau. Theo thang phân loại của FAO-UNESCO, Gia Lai có 5 nhóm đất chính (đất phù sa, đất xám, đất đỏ vàng, đất đen dốc tụ và đất xói mòn trơ sỏi đá). Trong đó, nhóm đất đỏ vàng mà thành phần chủ yếu là đất đỏ trên đá bazan có diện tích lớn nhất với 756.433 ha, chiếm 48,69% tổng diện tích tự nhiên. Cho nên ở Gia Lai, thang lang theo từng con suối, qua bao núi đồi, dễ gặp nhất vẫn là đất đỏ dưới chân mình.
Đến Gia Lai, đi trên những con đường đất đỏ mịn màng, lang thang qua những ngọn đồi đất bazan màu mỡ, có khi nào bạn từ hỏi, những thớ đất đỏ dưới chân kia có tự bao giờ? Theo các nhà khoa học, đất bazan ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng phần lớn được hình thành từ các đợt phun trào nham thạch diễn ra từ Neogen đến kỷ Đệ tứ, cách ngày nay hơn 16 triệu năm. Trong thăm thẳm vô cùng của thời gian miên viễn, rất khó để hình dung đất đỏ Gia Lai có tự khi nào. Chỉ biết rằng, từ xa xưa khi ông bà ta có mặt trên mảnh đất này, đất bazan đã có.
Trải qua bao ngàn đời, dài theo tiếng chiêng âm vang rừng núi, đất đỏ bazan cứ gắn bó mãi với người. Trên mảnh đất này, bốn mùa ngô khoai tươi tốt, cây cho quả sai trĩu quanh năm. Đất đỏ bazan đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây công nghiệp. Cho nên, Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng cà phê, hồ tiêu, cao su lớn nhất cả nước. Ngày nay, nhắc đến Gia Lai, người ta sẽ nghĩ ngay đến thủ phủ hồ tiêu, một trong những trung tâm cà phê, cao su của Việt Nam. Cứ như thế, đất ở ăn với người chung thủy. Trên mảnh đất bazan này, nhờ sự ưu ái của tự nhiên và bởi bàn tay tài hoa, cần mẫn, người Gia Lai vươn lên làm giàu. Người nâng niu đất và đất chẳng phụ công người.
Nhiều người lên Tây Nguyên trở về hay than phiền rằng trên đó cái gì cũng tốt, chỉ riêng đường sá thì không biết nói thế nào. Mùa khô thì bụi đỏ mù trời, mùa mưa thì nhão lầy trơn trợt, lúc nào ra đường cũng dễ bị dây bẩn như chơi. Trách làm sao được vì người ta chưa gắn bó. Nhưng đã gắn bó rồi họ sẽ mến yêu thương thôi. Bởi tình đất đỏ đâu phải ở đâu dễ gì cảm nhận hết được.
Trên những con đường đất đỏ ấy, mỗi ngày có bước chân của bao nhiêu con người. Từ những bước chân trần chập chững cho đến lớn lên, đi hết cuộc đời cũng đều bởi những con đường đất đỏ đỡ nâng. Trên mảnh đất này, có tiếng cồng tiếng chiêng dài qua bao thế hệ, có những câu khan bất tận kể từ đêm này sang đêm nọ, có cả tiếng gọi đại ngàn vọng về từ thăm thẳm hồng hoang. Đất đâu chỉ nuôi sống con người. Đất bazan ở đây còn làm nên cả một bề dài và chiều sâu văn hóa.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn. Tôi không ở Gia Lai nhiều, nhưng mảnh đất này trong tôi như tấc đất nơi cố hương chôn nhau cắt rốn. Trong tôi, tình đất đỏ Gia Lai cứ sâu thẳm mãi trong tâm hồn…
TƯ HƯƠNG
Đăng trên báo Gia Lai ngày 27.1.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét