Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Tạp bút TRUNG THU NGÀY ẤY (Bút danh Hùng Cường)


Với bọn nhỏ chúng tôi ngày ấy, Trung thu là ngày được háo hức chờ đợi thứ hai trong năm, chỉ thua có Tết Nguyên đán. Làng tôi là một thung lũng nhỏ nằm khuất sau những quả đồi xanh; từ trung tâm huyện vào cũng mất mấy giờ đi bộ đường núi. Ở nơi ấy, bọn trẻ chúng tôi chưa bao giờ được thấy ngọn đèn đường sáng choang và những chiếc ô-tô thật đẹp đậu dưới ngôi nhà cao tầng hay bon bon chạy trên đường phố trải nhựa rộng thênh thang như trong sách vở theo trí tưởng tượng của mỗi người. Một thuở khó nghèo, chúng tôi lớn lên giữa núi đồi, thầm lặng như những những cánh rừng xanh thẳm. Tuổi thơ khép chặt giữa những ngọn đồi và dòng sông trước mặt làng, bọn tôi ngày nhỏ chẳng có nhiều niềm vui. Nên Trung thu bao giờ cũng được chờ mong nhất.

Trung thu ngày ấy đơn sơ, có lẽ bây giờ nhiều người không tưởng tượng được. Có một chiếc đầu lân nhỏ do các anh chị đoàn viên của xã xuống trung tâm huyện mua về. Phần đuôi do bọn trẻ trong làng “thiết kế” bằng những tấm rèm đã cũ mà chúng xin của cha mẹ và các cuộn dây buộc chén đã sử dụng xin của cửa hàng tạp hóa nhỏ đầu làng. Trống lân thì mượn của trường tiểu học trong làng, thầy hiệu trưởng ngày ấy nổi tiếng nghiêm khắc nhưng năm nào mượn trống ông cũng vui vẻ giao cho bọn trẻ. Các vai Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng hóa trang mọi năm đều không đẹp vì thiếu phục trang nhưng ai cũng muốn tranh phần. Vì ngày ấy, được tham gia vào đoàn múa lân với bọn nhỏ chúng tôi là một niềm hãnh diện không gì bằng.

Vui nhất là những đêm tập múa lân. Cứ trời vừa tối, bọn trẻ làng tôi hoặc đi học về hoặc mới làm đồng xong đều tranh thủ ăn vội chén cơm để đến nhà thằng Sáu Trí. Nhà nó ở ngay giữa làng lại có khoảng sân đất rộng nên tiện cho việc tập lân. Khi mọi người đã đến đông đủ, anh Cả Tâm lớn tuổi nhất phân nhiệm vụ cho từng người. Đứa tập trống, đứa múa đầu, đứa múa đuôi, đứa đóng vai các nhân vật phụ, rồi từng đứa thay nhau, ai cũng hăng say vì muốn lân của mình sẽ múa thật đẹp trong đêm rằm. Mọi người chỉ tranh thủ ngồi nghỉ uống nước một lúc rồi tiếp tục tập luyện cho bước chân thêm đều và đôi tay thêm nhuyễn cho đến khi sương khuya xuống ướt đầm và trên ngọn tre đầu ngõ vầng trăng treo lơ lửng xa mờ mới ra về. Đó là những đêm bọn trẻ trong làng được tập hợp về đông đủ ở một nơi, tha hồ kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện trong ngày, được góp phần mình trong những buổi tập vất vả nhưng tràn ngập tiếng cười, niềm vui.

Trung thu của bọn tôi ngày ấy không có nhiều quà. Cha mẹ suốt ngày ở ngoài đồng nên chẳng mấy khi chúng tôi nghĩ đến những chiếc bánh ngọt thật to và đẹp mắt, niềm ước mơ ngày ấy là thầm mong sao chuối trong vườn kịp chín hoặc bụi mía ngoài rào kịp già để mẹ mang về nhà chia phần cho từng đứa. Hồi ấy mỗi dịp Trung thu, bọn tôi đều được các cô làm ở Hội Phụ nữ thôn phát cho một suất quà nhưng cũng không có gì hơn ngoài vài chiếc kẹo, dăm cái bánh túp-lô, thứ bánh ở quê làm bằng gạo nếp cắt thành mẩu nhỏ như viên túp-lô xây nhà, được gói cẩn thận trong bì nilon nhỏ. Chỉ vậy thôi nhưng từng ấy cũng đã thỏa ước mơ một thời trẻ dại. Đó là cả niềm vui và sự mong đợi của những đứa trẻ nghèo chúng tôi ngày ấy. Bây giờ mỗi độ Trung thu có nhiều bánh ngon, nghĩ lại ngày xưa thấy thương một thời như thế…

Trung thu của tuổi thơ chúng tôi không gì vui bằng đêm rằm múa lân. Bọn trẻ làng tôi theo con lân rồng rắn qua từng con đường nhỏ, ghé vào từng nhà trong làng. Tiếng trống thùng thình rộn ràng cả một vùng quê núi rừng yên tĩnh, những ngọn đèn dầu gió thắp trong ống nứa cháy xì xèo. Trong tiếng reo hò của bọn trẻ, tiếng giục giã của trống liên hồi, những bước chân càng nhịp nhàng và con sư tử của bọn tôi thật đẹp, ai xem cũng phải khen. Người làng tôi cả đời lam lũ nhưng chưa khi nào hẹp hòi với ai, nhất là bọn trẻ, nên nhà nào lân đến cũng đều cho năm bảy ngàn, lại còn cho thêm nải chuối, mấy quả bưởi hay vài khúc mía mang về. Nhiều nhà sau khi lân đi cũng theo cùng để cổ vũ, reo hò. Cứ thế con lân của bọn tôi và đoàn người cứ mỗi lúc càng đông dần đi theo con đường nhỏ ven đồi để đến với từng nhà trong xóm. Trăng dần lên cao, càng về đêm càng tròn và sáng, ngôi làng miền núi nhỏ xa xa chìm dần vào yên ắng trong tiếng trống đều đều dần dần nhỏ và những ánh đuốc lung linh nhòa dần…

Cứ như thế, đi qua mỗi mùa Trung thu, chúng tôi khôn lớn. Hai mươi mấy lần đêm rằm múa lân qua đi, bọn trẻ của làng tôi thời ấy bây giờ phần nhiều không còn ở quê nữa, đứa xuống thành phố học, đứa vào miền trong theo kế sinh nhai. Trung thu của những đứa em, đứa cháu của bọn tôi ở quê bây giờ cũng khác, không còn thiếu thốn như một thuở khổ nghèo, những con lân cũng đẹp hơn rất nhiều, mỗi nhà trong đêm rằm đều có mâm cỗ thật ngon và đầy đủ. Mỗi lần về quê ăn Trung thu, nhìn làng mình phát triển, chúng tôi thấy vui trong lòng. Thế nhưng những gì đẹp và ý nghĩa nhất về Trung thu, với bọn trẻ chăn trâu đầu trần chân đất chúng tôi thuở ấy, có lẽ vẫn là những đêm rằm chỉ có vài chiếc kẹo, dăm cái bánh túp-lô, đôi ba quả chuối và những đêm theo lân đi khắp cùng làng cho đến tận lúc sương xuống ướt đầm cỏ lá và vầng trăng chìm dần về phía ngọn đồi mới chịu về nhà. Đó là những mùa Trung thu thiếu thốn nhiều thứ nhưng lại đong đầy trong tâm khảm chúng tôi những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ êm đềm nơi quê nghèo rừng núi yên bình.■

Hùng Cường
Bài đã đăng trên T/c Văn hoá Phật giáo số 208-Trung thu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét