Cho đến bây giờ, dù anh em tôi ai cũng đã trưởng thành và có gia đình riêng nhưng cha vẫn giữ thói quen mỗi tháng viết thư gửi cho từng đứa. Đã nhiều năm rồi cha vẫn giữ thói quen này. Với chúng tôi, những lá thư của cha chẳng biết từ bao giờ đã trở thành một điều thân thiết, một niềm hạnh phúc đơn sơ.
Thằng út vẫn hay đùa, thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần lên mạng là có thể nói chuyện, gửi hình cho nhau, thậm chí gặp mặt trực tiếp, cần gì cha cứ phải nhọc công ngồi viết thư rồi lóc cóc ra bưu điện gửi. Mỗi lần như thế, cha lại cười, chẳng phải vì cha không “bắt kịp thời đại’, chỉ là cha thích vậy thôi.
Từ khi anh em tôi lên thành phố học, cha bắt đầu viết thư cho từng đứa. Hồi ấy, điện thoại còn hạn chế, chỉ khi có việc gì quan trọng mới phải ra bưu điện hoặc nhờ điện thoại của gia đình nào khá giả trong làng để gọi. Còn bình thường, chỉ có những lá thư tay một tuần mới tới. Ngày ấy, đều đặn tháng nào cha cũng viết thư gửi lên thành phố cho chúng tôi. Những lá thư cha gửi ngày ấy, và cả đến bây giờ, tôi đều cất giữ cẩn thận. Chữ viết của cha rất đẹp. Lá thư nào của cha cũng dài. Trong thư, có khi cha kể về chuyện mùa màng, xóm làng ở quê, có khi ân cần dặn dò những điều nhỏ nhặt, cũng có khi cha kể cho tôi nghe những câu chuyện về đạo lí ở đời, về ước mơ và những tấm gương trong cuộc sống. Trong những trang thư của cha, dù chẳng mấy khi nói những lời tình cảm, nhưng chúng tôi đều nhận ra trong đó biết bao yêu thương, kì vọng, tin tưởng mà cha gửi gắm cho từng đứa con.
Mỗi lần nhận được thư của cha, chúng tôi mừng lắm. Anh em tôi ai cũng được đi học tử tế, cũng đều khôn lớn trưởng thành là bởi công ơn nuôi dạy của cha mẹ. Và còn bởi những lá thư căn dặn, động viên của cha. Và nhiều hơn như thế, những lá thư ấy còn là yêu thương của cha dành cho từng đứa. Bây giờ, chúng tôi đều ổn định, đã có gia đình và mỗi đứa một nơi. Không còn phải ân cần dặn dò đủ thứ hay kể những câu chuyện để khích lệ, khuyên nhủ chúng tôi nhưng cha vẫn viết thư để thăm hỏi cháu con. Nhiều khi, ngồi đọc lại những tờ thư cũ ngày xưa cha gửi, bỗng nghe biết ơn, thương nhớ ngập lòng.
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Báo Đắc Nông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét