Mùa lũ về, nhiều thứ trong cuộc sống thường nhật của người dân quê tôi xáo trộn. Chợ quê không còn họp đều đặn theo từng phiên. Trẻ con nhiều hôm nước lớn phải nghỉ học. Việc làm ăn, việc ruộng đồng cũng theo con nước bấp bênh. Cả bữa cơm mùa lũ cũng không còn bình thường như những bữa cơm khác.
Ai từng sống ở miền Trung mới hiểu hết cái khủng khiếp của những cơn lũ kinh hoàng. Lũ về đột ngột. Nước lên nhanh. Nhiều khi, nửa đêm thức dậy, đặt chân xuống nền nhà nước đã ngập ngang đầu gối. Quê tôi năm nào cũng phải chịu vài trận lũ. Lũ về bất ngờ khiến bà con không kịp trở tay. Có những ngày, chỉ sau một đêm, nước lũ về nhấn chìm gần như mọi thứ. Ruộng vườn, nhà cửa, xóm làng ngập trong biển nước mênh mông. Trong nhà, giàn củi ướt mèm. Gian bếp sũng nước. Cả bồ thóc, hũ gạo nhiều khi nước cũng vào. Bữa cơm giữa mùa lũ lắm khi qua loa cho có.
Những ngày vừa qua, lũ tràn về hoành hành nhiều tỉnh ở miền Trung, người dân lại một phen khốn đốn. Lũ chồng lũ, đâu đâu cũng chỉ thấy một màu nước đục ngầu, trắng xóa, lạnh ngắt, u buồn. Trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội, thỉnh thoảng ta lại gặp hình ảnh những con người dáng vẻ bơ phờ sau nhiều ngày chống chọi mưa lũ với bát mì gói trên tay. Đó là những “bữa cơm” đã trở nên bình thường, quen thuộc với người miền Trung mỗi khi mùa mưa lũ về.
Bữa cơm mùa lũ thường sơ sài, nhiều khi nguội lạnh. Không có bếp lửa hồng cháy đượm, không nhiều món ăn được chế biến cầu kì, đôi khi vắng cả tiếng nói cười rôm rả, bữa cơm giữa ngày lũ gần như chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất là cung cấp năng lượng để người ta tiếp tục đối phó với lũ. Nhiều nhà phải mang cả bếp lên giường, lên gác. Bữa cơm giữa ngày nước lụt tràn về thường vội vàng, nhiều lúc chìm trong lo âu, mệt mỏi.
Nhưng cũng chính từ những bữa cơm sơ sài giữa mùa mưa lũ ấy, ta thấm thía hơn tình người trong lúc gian nan của những con người quanh năm lam lũ ruộng đồng nhưng sống tình nghĩa, trong cơn nguy khó luôn biết đùm bọc, cưu mang. Họ chia nhau củ khoai, quả chuối hay gói mì để ăn tạm trong khi lũ ngập không nấu nướng được. Họ chia từng bát gạo cho hàng xóm không may gạo thóc trong nhà bị ngập nước. Có những gia đình phải ở nhờ nhà người khác, bữa cơm đông hơn mọi lần nhưng chủ nhà vẫn tận tâm, chẳng bao giờ tính toán. Nước lũ có thể cuốn đi nhiều thứ, kể cả những gì là tài sản lớn nhất của người nhà nông, nhưng chẳng thể nào lấy đi được tình người cao đẹp. Bởi bản chất của người quê tôi là vậy, thiên nhiên càng khắc nghiệt người ta lại càng gắn bó, sẻ chia.
Tôi đã từng đi qua những mùa lũ của tuổi thơ, từng có bao nhiêu bữa cơm sơ sài giữa những ngày nước ngập mênh mông. Tôi cũng đã từng ăn nhờ nhiều ngày liền ở nhà hàng xóm, từng được bác Tư chống xuồng mang sang cho mấy nải chuối, củ khoai. Tôi nhớ những gương mặt âu lo, mỏi mệt nhưng ánh mắt đầy sự quan tâm, lo lắng cho nhau của bà con quê tôi giữa mùa mưa lũ. Bữa cơm ngày lũ cho tôi những kỷ niệm đậm sâu, cho tôi những bài học về tình người, về sự sẻ chia, yêu thương, đùm bọc nhau trong hoạn nạn.
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên Báo Đắc Lắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét