Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Tủ sách gia đình: Cánh cửa mở tương lai


“Đọc sách nhiều sẽ giúp cho gương mặt thanh tú và sáng trưng, dù xấu nhìn vẫn sáng”. Đó là một trong rất nhiều đúc kết đầy hóm hỉnh trong quyển sách “Cà phê cùng Tony” tác giả Tony Buổi Sáng. Tủ sách gia đình là nơi kết nối đam mê sách qua nhiều thế hệ, hình thành thói quen đọc sách ở mỗi người để thêm nhiều “điểm cộng” cho cuộc sống hàng ngày. 

Nuôi giữ đam mê

Tháng 3.2016, gia đình anh Trần Xuân Việt (29 tuổi) chuyển nhà từ khu vực chợ Đầm lên đường Hoàng Văn Thụ (TP Quy Nhơn). Mọi vật dụng quan trọng trong nhà chuyển đi chẳng có gì để nói, nhưng đau đầu nhất là mấy tủ sách. Ở nhà cũ, 3 thế hệ trong gia đình có 3 tủ sách riêng, chuyển hết lên nhà mới với diện tích nhỏ hơn là cả vấn đề. Ông nội - cụ Trần Xuân Quế năm nay tròn 90 tuổi, vẫn khăng khăng để tự mình xếp sách vào từng bao, “không để mất quyển nào, mà dễ tìm lại khi cần”.

Trong khi đó, người cha - ông Trần Xuân Hưởng (Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Tâm thần tỉnh) lại “đau đầu” vì phải lọc bớt kho sách tiếng Nga chuyên ngành, nhiều lần “nâng lên đặt xuống” mới loại được mớ sách quá cũ kỹ, hư hỏng. Với người biết, sách là kho báu, với người không biết thì chỉ là mớ giấy lộn.

Ngay từ nhỏ, anh Việt đã bị mê hoặc bởi kho sách của ông nội và cha. Sách nghiên cứu tôn giáo, nhân tướng học, công nghệ thông tin, nghệ thuật sống, tiểu thuyết Kim Dung… cứ thế được anh thâu nhận qua từng ngày. Và, vốn sống, kiến thức từ đó cũng dày lên, phục vụ đắc lực cho học tập, làm việc và cuộc sống thường ngày. Là Phó phòng Công nghệ thông tin của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, thỉnh thoảng anh vẫn phải cậy mấy quyển sách chuyên ngành tiếng Nga của cha. “Con trai mới 1 tuổi, hay đau vặt. Tôi đang nghiên cứu một số sách y khoa về phòng, chữa bệnh cho trẻ theo hướng giảm tối đa phụ thuộc vào thuốc men”, anh cho biết.

Ở Bình Định, tủ sách gia đình của thầy giáo Võ Minh Hải (khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn) được xếp vào hàng “bề thế”, với trên dưới 6.000 cuốn sách. Trong đó, có nhiều bộ sách quý, nhất là bộ sưu tập gần như đầy đủ bản Quốc ngữ, chữ Nôm cùng các công trình nghiên cứu về “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Anh mua nhiều sách nhất là giai đoạn từ khi đi làm (năm 2003) đến năm 2015. Mỗi quyển đều được trang trọng đóng dấu “sở hữu”, sắp xếp khoa học theo chủ đề trên nhiều giá sách.

“Mở lối” vào cuộc sống 

Kho sách đầy đặn chính là nguồn tư liệu dồi dào để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy. Thầy giáo Võ Minh Hải cho rằng, mỗi cuốn sách hay là một người bạn thông thái. Đặc biệt là những tác phẩm nghiên cứu về văn hóa cổ xưa giúp chúng ta hiểu, cảm về cách nhìn nhận thế giới và con người của ông cha đi trước, để “bổ khuyết” cho cuộc sống hôm nay của mỗi người. Riêng những công trình nghiên cứu văn hóa địa phương làm cho bài giảng về du lịch, địa danh của anh thêm phần phong phú, lôi cuốn. “Hơn thế, chúng còn mang lại cho ta thêm nhiều hiểu biết để tự hào hơn về truyền thống quê hương”, anh chia sẻ.

Với Phạm Tuấn Vũ, chàng trai đất Quảng Nam đang sinh sống ở thành phố biển Quy Nhơn, sách cũng là đam mê đặc biệt. Dù đời sống kinh tế có phần chật vật, nhưng Vũ vẫn dè sẻn chi tiêu để mua sách, đến nay cũng đã có “gia tài” kha khá với hơn 2.000 cuốn sách. Đổi lại, sách mang đến cho anh niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. “Khó có thể diễn tả được cảm giác “sướng” khi đọc được một trang sách hay, một ý tưởng độc đáo. Đọc cũng là để bồi bổ cho kiến thức và tâm hồn. Chỉ cần dừng đọc một thời gian ngắn, tôi thấy như cạn kiệt chủ đề, câu chuyện, ngôn ngữ để giao tiếp với người khác”, Vũ bộc bạch. 

Về nhà mới, gia đình anh Việt chưa bố trí được giá sách cho từng người; thay vào đó, cứ để mỗi nơi một ít. “Một người Do Thái từng nói đại ý rằng, sách thì không cần trưng bày, mà cứ để nơi nào cũng có sách để ta có thể đọc mọi lúc mọi nơi. Đọc để hiểu người và hiểu mình, để biết cách sống tốt hơn với mình và tử tế với mọi người. Tôi vẫn tâm đắc nhất với quyển “Đắc nhân tâm”, lấy đó làm lẽ đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày”, anh Việt tâm sự.

Mai Lâm
Bài đăng trên báo Bình Định


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét