So với văn xuôi, Nhật ký trong tù, thơ chúc Tết,… thơ tự thọ chỉ là một bộ phận nhỏ trong di sản văn học đồ sộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, đây lại là mảng sáng tác có giá trị của Bác. Bởi qua những vần thơ giản dị mà Bác “tức cảnh” trong những lần sinh nhật, ta hiểu hơn về Người.
1. Bác hồ viết thơ tự thọ
Thơ tự thọ hiểu đơn giản là những bài thơ được tác giả viết trong dịp/ để tự mừng chính sinh nhật của mình, thường là khi đã qua tuổi “tri thiên mệnh”. Trong những dịp quan trọng của cuộc đời như ngày lên lão, lên thọ, người xưa thường viết một hoặc vài bài thơ (thường là chữ Hán, luật Đường) vừa để tự mừng tuổi mình vừa để chiêm nghiệm lại những chặng đường mình đã đi qua. Thơ tự thọ vì thế thường có âm hưởng sâu lắng, thâm trầm, đôi khi hài hước khi tác giả muốn tự trào bản thân.
Các nhà nho ở nước ta thời xưa thường có thói quen làm thơ tự thọ. Chẳng hạn, cụ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ có bài thơ chữ Hán Thất thập tự thọ viết nhân lên thọ 70. Hoặc như, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có bài thơ chữ Nôm Mậu thân tự thọ viết khi sang tuổi 74. Cũng như nhật kí, thơ tự thọ thường viết riêng cho tác giả. Đối tượng tiếp nhận mà nhà thơ hướng đến là chính bản thân mình.
Xuất thân nhà nho, mang trong mình tinh hoa văn hóa phương Đông, Bác là hiện thân của cốt cách con người Việt Nam, con người phương Đông đẹp nhất. Sinh thời Bác Hồ từng viết một số bài thơ tự thọ. Vào các năm 1949, 1950, 1953, 1968,… nhân những lần sinh nhật của mình, Bác viết một số bài thơ tự mừng thọ. Hầu hết những tác phẩm này đều ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Nhìn chung, thơ tự thọ của Bác ngắn gọn, trong sáng, giản dị nhưng ở đó toát lên được nhiều điều về con người vĩ đại “Mênh mông áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Tố Hữu, Bác ơi!). Bác Hồ hiện lên qua những bài thơ tự thọ vừa lớn lao vừa thật gần gũi. Bởi vậy, qua những vần thơ tự thọ Bác viết, ta sẽ hiểu hơn về nhân cách, tâm hồn của Người.
2. Một nhân cách vĩ đại
Như đã nói, thơ tự thọ là viết cho mình, do đó thường hướng đến những vấn đề cá nhân. Thơ tự thọ của Bác gần như ngược lại. Dù rằng thơ viết một điều rất riêng tư, nhưng Bác vẫn không quên hướng đến những vấn đề của cộng đồng, đó là công cuộc kháng chiến cứu nước trường kì, là vận mệnh của dân tộc. Chẳng hạn, năm 1949, nhân dịp Bác tròn 59 tuổi, có vị trong Chính phủ đề nghị tổ chức ăn mừng sinh nhật Bác. Bác không đồng tình. Người làm bài thơ nói thay suy nghĩ:
Vì nước chưa nên nghĩ tới nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.
Với Bác, nước phải đặt trên nhà, Bác đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân. Bác xem sinh nhật mình là một điều nhỏ bé so với sự nghiệp to lớn của dân tộc là công cuộc kháng chiến, cứu nước. Bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, có hai câu cuối thật hay, giản dị mà thân thiết, vừa thể hiện được con người cao cả, vừa toát lên phong thái ung dung của vị lãnh tụ cả cuộc đời hi sinh cho dân tộc.
Thông thường, trong thơ tự thọ, nhà thơ thường có xu hướng nhìn lại quá khứ đối thoại với chính bản thân với cái nhìn chiêm nghiệm. Trong thơ tự thọ của Bác, Người thường nhìn về hiện tại và tương lai, vừa đối thoại với bản thân vừa hướng tới cộng đồng với cái nhìn lạc quan, tin tưởng. Thơ tự thọ của Bác, vì thế không chỉ viết cho mình mà còn viết cho người, không chỉ để nói với bản thân mà còn muốn nhắn nhủ đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong thơ tự thọ, Bác thường chẳng mấy khi quan tâm đến ngày sinh của mình. Vấn đề trung tâm trong thơ tự thọ của Bác luôn là công cuộc kháng chiến và vận mệnh nước nhà. Điều này thể hiện rất rõ trong bài thơ tự thọ viết năm 1968 khi Người sang tuổi 78:
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến toàn dân đang thắng lợi
Tiến bước ta cùng con em ta.
3. Một tâm hồn cao đẹp
Trong thơ tự thọ, bên cạnh một nhân cách vĩ đại, hình tượng tự họa Bác Hồ còn hiện lên là một tâm hồn cao đẹp. Cũng như trong toàn bộ di sản văn học của Bác, ở mảng thơ tự thọ này, ta luôn thấy ở Bác một con người lạc quan, hóm hỉnh. Nói về tuổi tác của mình, bao giờ Bác cũng dùng giọng điệu vui đùa, dí dỏm. Ở cái tuổi người ta “đã kêu già”, Bác lại thấy mình vẫn còn rất trẻ: Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già (năm 1949), Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán (năm 1950), Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai (năm 1953). Thậm chí, ở tuổi 78, biết là đã già, khi sức khỏe đã yếu, Bác vẫn bông đùa với tuổi của mình: Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm (năm 1968).
Thơ tự thọ thường được viết khi tác giả đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh”. Ở tuổi ấy, cái nhìn trong thơ tự thọ thường điềm tĩnh, thâm trầm, đôi khi bi quan. Thơ tự thọ của Bác gần như ngược lại. Ở đó không có chỗ cho sắc thái bi quan, yếm thế. Thơ tự thọ của Bác khi ung dung đĩnh đạc, lúc sôi nổi hào hứng, lúc nào cũng thể hiện rõ một tâm hồn tươi trẻ, yêu đời, yêu cuộc sống. Cái tôi trữ tình hiện lên trong thơ tự thọ của Bác, vì thế luôn trẻ trung, thông minh, nhiều khi hài hước, dí dỏm.
Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe
Trần gian như thế kém gì tiên.
Ở tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (60 tuổi nhìn mọi việc không còn thấy chướng tai gai mắt), Bác tự xem mình vẫn còn như thiếu niên khi so với tuổi của Bành tổ (theo truyền thuyết, sống 800 năm), vẫn “ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe” và thấy mình chẳng “kém gì tiên”. Bởi lẽ Bác, “sống quen thanh đạm nhẹ người/ việc làm tháng rộng, ngày dài ung dung” (thơ tự thọ năm 1953). Với Bác, được tự do tự tại, được làm việc, cống hiến cho đất nước là niềm vui sướng “tột bật”. Rõ ràng, không phải bởi một tâm hồn lạc quan, yêu đời, không thể có được những vần thơ tự thọ vừa ung dung, đĩnh đạc lại vừa thông minh, trẻ trung, sảng khoái như thế.
Trong thơ tự thọ, người ta thường ít nhắc đến tương lai, thay vào đó là cái nhìn tĩnh tại chiêm quan về quá khứ. Trong thơ tự thọ của Bác, cái nhìn động hướng về hiện tại và tương lai. Cũng như bút pháp chung trong thi pháp thơ Hồ Chí Minh là luôn hướng về cái động, cái sáng, trong mảng thơ tự thọ, cái nhìn của Bác luôn hướng về tương lai tươi sáng, thắng lợi, dĩ nhiên đó là tương lai của cách mạng, của vận mệnh dân tộc: Chờ cho kháng chiến thành công đã (năm 1949), Kháng chiến toàn dân đang thắng lớn (năm 1968). Rõ ràng, đó là cái nhìn của một con người đầy cương nghị luôn tự thấy “vẫn vững hai vai việc nước nhà” (năm 1968), đầy bản lĩnh với một ý chí, niềm tin sắt đá, và trên hết, luôn hướng về đất nước, nhân dân, luôn đặt vận mệnh dân tộc lên trên hạnh phúc riêng tư của bản thân mình. Đó là nét đẹp trong tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế kính yêu, như lời thơ của Tố Hữu đã ca ngợi:
Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa.
(Theo chân Bác)
“Như đỉnh non cao tự giấu mình” (Tố Hữu), Bác Hồ trong cuộc sống, trong thơ văn nói chung, trong những bài thơ tự thọ nói riêng lúc nào cũng thật lớn lao, vĩ đại mà lại rất đỗi gần gũi, đơn sơ. Thơ tự thọ có số lượng không nhiều nhưng là một mảng đặc biệt trong di sản văn học của Bác, và đặc biệt cả trong dòng thơ tự thọ của nước ta. Đọc thơ tự thọ của Bác, ta hiểu hơn về nhân cách và tâm hồn của Người để rồi có thêm những bài học trong cuộc sống, như Tố Hữu đã viết: “Hồ Chí Minh, trẻ mãi không già/ Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” (Sáng tháng Năm).
Tư Hương
(Quy Nhơn, Bình Định)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 450
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét