Đó là bài báo Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đăng trên Tạp chí Hồn Việt (số 67-tháng 3-2013).
Đầu năm 1979, ông Nhuận là Giám đốc Chính trị báo Tin Sáng (bộ mới), Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM, đi dự hội nghị Trung ương MTTQ ở Hà Nội. Bài báo viết: “…vào lúc chiến trận biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam đang tiếp diễn ác liệt, tôi nằng nặc xin đi Lạng Sơn, lấy cớ là nhà báo Sài Gòn duy nhất có mặt, không ra chiến trường săn tin e bà con độc giả Sài Gòn chê trách…”.
Ông được đồng chí Xuân Thủy bố trí cho một xe quân đội, loại nhỏ, và lương thực ăn đường. Cùng đi có GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cùng một cán bộ tháp tùng.
Bài báo viết: “…Ải Chi Lăng núi non hiểm trở, trùng điệp, hùng vĩ- mà tôi mới đặt chân đến lần đầu- như hối thúc tôi dồn bước về phía trước (…)”. Và “đạn Trung Quốc bắn ào ào, xối xả phía trên đầu mà tôi cứ tỉnh bơ bấm máy ảnh”. Dọc đường lên tuyến đầu Tổ quốc, ông còn gặp những người dân tản cư lùa theo từng đàn trâu béo núc ních. Một dân quân quàng súng lên vai, đạp xe chở mẹ già, nói “đưa mẹ đi gởi rồi về đánh tiếp!”.
Bài báo cho thấy, gần thị xã Lạng Sơn, chợ vẫn nhóm. Trên nóc nhà bên chợ, một cặp bồ câu đứng rỉa lông nhau. Lên cao hơn, thấy các hang núi được biến thành nơi làm việc hay trạm xá. Tới gần đỉnh đồi, nhìn xuống thị xã Lạng Sơn có cả dọc dài xe báo chí nước ngoài. Nhìn quanh đồi núi chen nhau như bát úp. Ta và địch chia nhau làm chủ và đấu pháo qua lại. Pháo địch rót xuống đường dưới chân đồi dẫn vào thị xã Lạng Sơn.
Xe chở nhà báo Hồ Ngọc Nhuận vẫn nhắm thị xã lao tới. Đạn pháo ùm oàng. 2 bên đường vài chiếc thiết giáp nằm kềnh, trâu trúng đạn ngã phơi bụng, cây cối đổ ngã. Một xe truyền hình Thụy Điển chạy theo xe ông. Một xe trinh sát trờ tới đổ quân, bố trí đội hình. Bệnh viện Lạng Sơn tan hoang. Phóng viên truyền hình Thụy Điển lăn xả vào tác nghiệp. Đạn bay như gió bão qua đầu (…).
Đoạn tiếp theo, bài báo thuật lại một anh bộ đội bị thương, xe ông Nhuận kêu lái xe tới đưa anh về trạm y tế. Lên xe, anh bộ đội nói “Tôi đã chuẩn bị trái lựu đạn, hễ quân Trung Quốc ào tới là tôi cho nổ tung”,…
Bài báo cũng viết về sự hy sinh cao cả của nhà báo Takano của báo Cờ Đỏ Nhật Bản trong lúc đang lăn xả lên tuyến trước tác nghiệp thì bị trúng đạn Trung Quốc; và ghi hình quân Trung Quốc giật sập cầu Kỳ Lừa trước khi rút chạy…
Qua bài báo, ta thấy nhà báo có dấn thân như thế mới tiếp cận được thông tin chính xác và sống động. Qua bài báo, ta thấy một anh dân quân đạp xe chở mẹ già gởi chỗ an toàn rồi quay trở lại trận địa để đánh tiếp. Trong khi một chiến sĩ khác bị thương, rút chốt lựu đạn cầm tay, hễ quân địch ào tới là anh cho nổ tung và hy sinh. Hai hình ảnh ấy đẹp biết bao!
Và hình ảnh đẹp nữa là các nhà báo nước ngoài đến để đưa tin chiến trường đã lăn xả vào làn tên mũi đạn tác nghiệp nhằm vạch trần dã tâm của kẻ thù đòi “dạy cho Việt Nam một bài học” mà quên rằng ngàn năm trước, Lý Thường Kiệt đã đọc tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” và hơn 200 năm trước, Quang Trung-Nguyễn Huệ dõng dạc truyền hịch trước ba quân tướng sĩ: “Đánh cho sử tri Nam quốc sơn hà chi hữu chủ!” để rồi quét sạch quân thù ra khỏi cõi bờ Tổ quốc chỉ trong chớp nhoáng.
Vĩ Thanh-Lạng Sơn, nơi địa đầu Tổ quốc với ải Nam Quan và Quỷ Môn Quan. Đại thi hào Nguyễn Du đã từng đi sứ sang Tàu qua đây và làm nhiều bài thơ chữ Hán. Bài Quỷ Môn quan là một ví dụ: “Liên sơn cao sáp nhập thanh vân/ Nam Bắc quan đầu tựu thử phân/ Như thử hữu danh sinh tử địa/Khả liên vô số khứ lai nhân/ Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ/ Bố dã yên lam tụ quỷ thần/ Chung cổ hoàng phong xuy bạch cốt/ Kỳ công hà thủ Hán tướng quân”.
Phạm Tuấn Vũ dịch nghĩa: “Núi liền nhau cao vút nhập vào mây xanh/ Nam Bắc chia ranh giới tại chỗ này/ Nơi đây có tiếng là đất sinh tử/ Thương thay vô số kẻ đi không về/ Bụi gai đầy đường rắn, cọp ẩn nấp/ Khí độc khắp đồng, quỷ thần tụ họp/ Muôn đời gió lạnh thổi bao gò xương trắng/ Chiến công của tướng quân nhà Hán có gì đáng khen đâu!”.
“Khả liên vô số khứ lai nhân” - thương thay vô số kẻ đi không về - ấy là tấm lòng Nguyễn Du tràn đầy nhân ái, xót thương cho binh lính phương Bắc, chỉ vì lợi ích riêng của tướng quân nhà Hán mà bỏ thây thành gò đống trên xứ Lạng./.
Quang Hảo
Bài đăng trên Báo Long An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét