Tọa lạc trên một ngọn đồi thấp nằm giữa thành Đồ Bàn huyền thoại (nay thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 27 km về hướng bắc), tháp Cánh Tiên là một trong những công trình kiến trúc Chăm đẹp nhất còn lại trên đất Bình Định ngày nay.
Tháp Cánh Tiên có nhiều tên gọi. Ngoài tên “tháp Đồng”, theo Quách Tấn trong sách “Nước non Bình Định”, tháp còn có tên chữ Hán là “Tiên Dực”, người Pháp gọi là “Tour de cuivre” (tháp Thau). Sở dĩ tháp có tên gọi “Cánh Tiên”, theo người dân trong vùng, vì nhìn từ xa, ngọn tháp đẹp như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời. Cũng có người cho rằng, tên gọi của tháp bắt nguồn từ hình ảnh những phiến đá trang trí các tường phía trên ngọn tháp vươn ra như những cánh tiên. Sách “Đại Nam nhất thống chí” lại giải thích tên gọi của tháp như sau: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên nên gọi tên ấy”.
Đến thăm tháp Cánh Tiên, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ngạo nghễ thâm trầm của ngôi tháp có kiến trúc hoàn mĩ này. Tháp cao 20 m, mang kiến trúc hình khối vuông vững chãi với những cột ốp và mặt tường nổi lên thành từng mảng lớn vuông vức, những vòm cửa giả vút cao, những tháp nhỏ trang trí ở các tầng cuộn thành khối khỏe khoắn, những phiến đá trang trí với hoa văn tinh xảo… Về tổng thể, tháp được xây trên một nền đế vuông cao, 4 mặt quanh thân tháp được trang trí bằng các trụ ốp tường, các góc thân tháp được bó bằng những khối đá có kích thước lớn. Tháp có 4 cửa vòm nhọn vút lên cao, quay về bốn hướng, trong đó, cửa hướng Đông ăn thông với thân tháp bên trong, 3 cửa còn lại là cửa giả.
Theo các nhà nghiên cứu, tháp Cánh Tiên có niên đại thế kỷ 12, được xây dựng dưới thời vua Chế Mân (Jaya Sinbavarman III), thuộc phong cách tháp Chăm Bình Định, có ảnh hưởng từ phong cách Angkor Wat của người Khmer do sự giao thoa văn hóa Chăm - Khmer mạnh mẽ ở thời kỳ này. Về cấu trúc, tháp mang đặc điểm cấu trúc chung của tháp Chăm truyền thống với hai phần tiền sảnh và điện thờ. Phần tiền sảnh của tháp hiện nay đã bị sụt lún, chỉ còn lại một số hiện vật sót lại.
Những ai quan tâm đến tháp Chăm sẽ bất ngờ với những nét riêng biệt độc đáo về kiến trúc của tháp Cánh Tiên: Trang trí trên tháp đạt đến trình độ hoàn mĩ với những dải hoa văn hình xoắn uyển chuyển xếp lớp đối xứng nhau; các mặt tường phía ngoài thân tháp được trang trí bằng cột đá, các khung dọc nhô mạnh ra ngoài là điều hiếm gặp ở các tháp Chăm khác; phần ngoài của các trụ ốp góc tường được ốp kín bằng những phiến đá sa thạch màu, các diềm mái của tháp cũng được làm bằng đá là điều kỳ lạ hiếm thấy; đây là khu đền tháp có kiến trúc một tháp, khác với hầu hết những cụm tháp khác; và đặc biệt, tháp nằm trên một ngọn đồi ở trung tâm thành Vijaya (tức thành Đồ Bàn, cố đô của người Chiêm Thành xưa). Từ những điều đặc biệt này, các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng tháp Cánh Tiên hẳn từng phải có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tôn giáo - tinh thần ở kinh thành Vijaya lúc bấy giờ.
Đến thị xã An Nhơn, ngoài những địa điểm nổi tiếng như thành cổ Đồ Bàn, chùa Thập Tháp (ngôi cổ tự lâu đời nhất ở Bình Định), bến My Lăng huyền thoại từng đi vào thơ Yến Lan, du khách đừng quên ghé thăm di tích tháp Cánh Tiên để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mĩ của ngọn tháp cổ này. Đứng trên ngọn đồi nhìn về cố đô Đồ Bàn một thời lẫy lừng nay chỉ còn lại phế tích, lặng mình chiêm nghiệm trước bụi mờ thời gian và dâu bể cuộc đời, chắc chắn trong lòng du khách sẽ đọng lại nhiều ấn tượng khó quên...
Tư Hương
Bài đã đăng trên Báo Đăk Lăk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét