Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

MẤY ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CA DAO ĐỊA DANH QUẢNG NAM (Phạm Tuấn Vũ)

Mỏ vàng Bông Miêu

Ca dao địa danh là một bộ phận của ca dao. Đó là những câu ca dao gắn liền với một hoặc một số địa danh cụ thể (tên đất, tên làng, tên núi non, tên sông suối,...) của một vùng miền cụ thể nào đó. Chính vì tồn tại gắn với một, một vài địa danh nhất định thuộc những vùng miền nhất định như vậy, ca dao địa danh mang trong mình đặc trưng tính địa phương rõ nét.



Tính địa phương được xem như là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt ca dao địa danh với các tiểu loại ca dao khác. Mặt khác, tính địa phương này còn gắn bó mật thiết với một đặc trưng nữa của ca dao là tính phản ánh những đặc trưng văn hóa đặc thù của địa phương. Ca dao địa danh là sản phẩm của một vùng miền cụ thể, với tư cách là lời ăn tiếng nói của vùng miền đó và thường phản ánh một cách đầy đủ, chân thực, sinh động nhiều mặt trong đời sống của địa phương mình.

Ca dao địa danh Quảng Nam là một bộ phận của ca dao địa danh nước ta. Cho nên nó mang trong mình hai đặc trưng quan trọng này của ca dao địa danh. Thế nhưng do tính địa phương khu biệt, ca dao địa danh Quảng Nam mang những đặc trưng riêng, khác biệt với ca dao địa danh của nhiều vùng miền khác. Do ảnh hưởng của nhiều điều kiện đặc thù (thiên nhiên, lịch sử, tính cách con người xứ Quảng,...), trong kho tàng văn học dân gian Quảng Nam, ca dao địa danh chiếm số lượng khá lớn, với nội dung phong phú và hình thức biểu hiện thuần thục, phản ánh được nhiều mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người xứ Quảng qua nhiều thời kì. Trong khả năng có hạn, bài viết này cố gắng tìm hiểu và bước đầu nêu ra một số đặc trưng cơ bản của ca dao địa danh Quảng Nam trên phương diện nội dung phản ánh.

1Phản ánh điều kiện tự nhiên, danh thắng, sản vật, văn hóa Quảng Nam

Điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình,...), các danh lam thắng cảnh, sản vật, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương là những đặc trưng quan trọng đi vào ca dao địa danh của địa phương đó sớm nhất. Đất Quảng Nam với những đặc trưng về điều kiện tự nhiên, về thắng cảnh, sản vật phong phú, đa dạng sớm được phản ánh vào trong ca dao địa danh nơi đây một cách sinh động, chân thực. Tiêu biểu như câu ca dao được xem là có từ rất sớm nhưng đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say

Hay như dốc Giảm Thọ và đèo Le gập ghềnh, khó qua lại (tên địa danh được đặt theo phương thức nói quá, qua hai con dốc và đèo này không bị giảm thọ thì cũng mệt lè lưỡi) thuộc huyện Quế Sơn từ lâu đã được người dân nơi đây nói đến bằng câu ca dao rất quen thuộc:

Gập ghềnh Giảm Thọ, Đèo Le
Cu ngói cõng mè, cà cưỡng cõng khoai

Mỳ Quảng, một trong những đặc sản nổi tiếng của Quảng Nam, là món ăn dân dã, quen thuộc mà thơm ngon, đậm đà cũng được nói đến nhiều trong ca dao địa danh xứ Quảng:

Ai đi cách trở sơn khê
Nhớ tô mỳ Quảng tình quê thì về (mặn nồng/ đậm đà)

Tiêu biểu và chiếm số lượng nhiều nhất cho đặc trưng này của ca dao địa danh Quảng Nam là những câu về các sản vật, làng nghề nổi tiếng trong quá khứ, thậm chí còn được phát triển trong cả hiện nay, là “thương hiệu” gắn liền với nhiều vùng trong tỉnh. Có thể kể ra một số bài ca dao như:

- Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai lang Trà Kiệu/ Tiên Đỏa
Thơm rượu Tam Kỳ

- Duy Xuyên tơ lụa mĩ miều
Tiếng mai cửi dệt, tiếng chiều xa quay

- Ai về chợ Vạn thì về
Chợ Vạn có nghề nấu rượu, nuôi heo

- Quê em có núi Ngũ Hành
Có nghề khắc đá nổi danh khắp vùng

- Đá than thì ở Nông Sơn
Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
Thanh Châu thì có nghề ghe
Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hòa
Phú Bông dệt lụa, dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng

- Sông Thu chẳng thiếu đò đưa
Bùi khoai chợ Được, mát dừa Kiến Tân
Quế Sơn cau, mít mấy tầng
Mê lòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My

Có thể nói, mỗi vùng miền đều có những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, về cảnh vật, nhất là các sản vật, làng nghề. Ca dao địa danh từ rất sớm đã phản ánh một cách chân thực, sinh động những đặc trưng này, như là một cách để giúp người ta dễ nhớ đến đặc trưng của những vùng miền khác nhau, nhưng đồng thời cũng là cách bày tỏ thái độ, tình cảm của nhân dân lao động (tự hào, trân trọng) về truyền thống, thế mạnh của địa phương mình. Ca dao địa danh Quảng Nam có một số lượng khá lớn những câu thể hiện đặc trưng này. Nó phần nào khẳng định không chỉ đất Quảng giàu có, đa dạng về sản vật, điều kiện tự nhiên mà người Quảng cũng không kém phần tự hào, hãnh diện về truyền thống quê hương mình.

2. Phản ánh các giá trị lịch sử, xã hội Quảng Nam

Cùng với những đặc trưng về tự nhiên, danh thắng, sản vật, văn hóa mà các giá trị lịch sử, xã hội Quảng Nam trong nhiều thời kì cũng được ca dao địa danh xứ Quảng phản ánh một cách chân thực, cụ thể. Có thể kể ra bài ca dao tiêu biểu như sau.

Đứng bên ni sông ngó qua bên kia sông
Thấy nước xanh như tàu lá
Đứng bên ni Hà Thân ngó qua Hàn
Thấy phố xá nghinh ngang
Kể từ Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu
Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau

Bài ca dao này phản ảnh một giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc trên mảnh đất Quảng Đà. Đó là giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp sau khi nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, xâm lược nước ta. Quảng Đà là địa phương có vị trí chiến lược trong hành trình xâm lăng cửa thực dân. Đây cũng là nơi có nhiều nguồn tài nguyên phong phú, ngay từ rất sớm đã bị thực dân dòm ngó. Bài ca dao đã phản ánh được hai hoạt động vơ vét của cải của Pháp tại Quảng Đà trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là khai thác than đá Nông Sơn (đào sông Câu Nhí, còn gọi là Cu Nhí để chở than đá từ Nông Sơn về Đà Nẵng) và vàng Bông Miêu (đắp đàng Bông Miêu từ Tam Lãnh về Tam Kỳ để vận chuyển vàng). Đây là một trong những bài ca dao địa danh hay và cảm động nhất trong việc phản ánh lịch sử, xã hội Quảng Nam trước đây.

Hay như bài ca dao dưới đây nói về một nhân vật lịch sử đã lãnh đạo phong trào Cần vương tại Quảng Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX:

Ai lên mấy nhánh sông Côn (có nơi viết là sông Con)
Hỏi quân Hường Hiệu có còn đánh Tây

Ngoài ra, còn có những câu ca dao địa danh hay nói về các giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử Quảng Nam như:

- Trăng rằm mây phủ còn lu
Tấm gương chị Lý nghìn thu sáng ngời

- Tai nghe súng nổ đì đùng
Tàu Tây đã lại vũng Thùng hôm qua

3. Phản ánh tính cách con người đất Quảng

Một trong những đặc trưng quan trọng của ca dao địa danh là phản ảnh tính cách, đời sống tâm hồn của người dân cư trú tại địa phương đó. Ca dao địa danh Quảng Nam rất tiêu biểu cho đặc trưng này. Trong kho tàng ca dao xứ Quảng có một tỉ lệ lớn những bài ca dao địa danh phản ánh tính cách, tâm hồn con người đất Quảng, có thể kể ra những câu quen thuộc như sau:

Con người Quảng Nam hiếu thảo, nặng tình cảm gia đình:

Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi;

ăn ở thủy chung, gắn bó:

Anh đi cách trở sơn khê
Nhớ tô mì Quảng tình quê mặn nồng;

dầu khổ cực vẫn lạc quan, yêu đời và sống chan hòa, tình cảm:

Ai về đất Quảng làm dâu
Ăn cơm ghế mít hát câu ân tình;

đối với ai cũng nặng nghĩa, nặng tình:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Đối với ai ân trọng, nghĩa dày
Một hột cơm cũng nhớ, gáo nước đầy vẫn chưa quên;

Người xứ Quảng nói chung, người phố Hội nói riêng bao giờ cũng thật thà, trung hậu, hiền hòa:

Hội An đất chật, người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu;

Quảng Nam là mảnh đất nghĩa tình thuần hậu, nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em. Từ bao đời, giữa các cộng đồng cư dân vẫn đoàn kết, sống chan hòa, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau:

Trà My sông núi đượm tình
Nơi đây là chỗ Thượng, Kinh chan hòa.

Con người xứ Quảng nổi tiếng hiếu học, thông minh, chịu khó mà cũng không kém phần tài hoa, đa tình:

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy/ mấy cô gái Huế bước đi không đành

Có thể nói, cùng với các bộ phận khác của nền văn học dân gian Quảng Nam, ca dao địa danh đã góp phần quan trọng trong việc phản ánh chính xác, chân thực những nét tiêu biểu trong tính cách, tâm hồn con người xứ Quảng, không chỉ ở số lượng lớn mà còn ở hình thức biểu đạt giản dị, trong sáng nhưng giàu giá trị thẩm mỹ.

4. Tình yêu đôi lứa trong ca dao địa danh Quảng Nam

Chiếm tỉ lệ lớn và là bộ phận giá trị của ca dao nói chung, ca dao địa danh nói riêng là những bài nói về tình yêu lứa đôi. Ca dao địa danh Quảng Nam có hàng trăm bài về đề tài này. Trong phạm vi nhất định, xin dẫn ra một số câu quen thuộc để khẳng định rằng, phản ánh những cung bậc cảm xúc trong tình cảm nam nữ là một trong những đặc trưng quan trọng của ca dao địa danh xứ Quảng:

Bao giờ cầu Mống gãy đôi
Sông Thu cạn nước em thôi thương chàng

Người con gái đã lấy hình ảnh của hai sự vật có tính bền vững, trường tồn (cầu Mống và nước sông Thu Bồn) để ví von cho tình cảm dành cho chàng trai của mình. Hai địa danh ở Quảng Nam này đã đi vào bài ca dao giản dị mà đẹp đẽ, như là vật minh chứng cho tình yêu mãnh liệt, thủy chung của con người xứ Quảng.

Ai đi phố Hội, chùa Cầu
Để thương để nhớ, để sầu cho ai

Phố Hội, chùa Cầu thuộc Hội An, nơi nổi tiếng với hoạt động giao thương sầm uất một thời. Người đi phố Hội, chùa Cầu có thể đi để làm ăn, buôn bán hoặc vì một lí do nào khác nhưng điều quan trọng bài ca dao muốn nói là nỗi nhớ thương, sầu muộn mà người ở lại dành cho người ra đi. Hai địa danh phố Hội, chùa Cầu trở thành không gian li biệt trong tình yêu, đồng thời cũng là không gian của nỗi nhớ mong khắc khoải.

Sông Tiên nước chảy đôi đường
Ai về nhắn bậu người thương vẫn chờ

Sông Tiên thuộc huyện Tiên Phước chảy theo hướng Đông về Tây nên dân gian gọi “Sông Tiên nước chảy đôi đường” hoặc “Sông Tiên nước chảy ngược dòng”. Trong bài ca dao này, chủ thể trữ tình mượn hình ảnh dòng sông Tiên quanh co, ghềnh thác, chảy ngược như là ẩn dụ về sự cách xa, thử thách trong tình yêu để chứng minh cho tình cảm đậm sâu và tấm lòng thủy chung, son sắt của mình. Địa danh sông Tiên đi vào bài ca dao trở thành không gian thử thách, không gian minh chứng cho tình yêu.

Ngoài ra, còn rất nhiều những bài ca dao địa danh hay về tình cảm gái trai, như:

- Bao giờ cạn nước Thu Bồn
Ngập chùa Non Nước lời đồn em mới tin;

- Sông Thu Bồn chảy về cửa Đại
Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn
Ai về Đà Nẵng, Hội An
Cho tôi nhắn gửi vài hàng tâm tư

- Buồn trông ngọn nước chảy dưới sông Hàn
Thấy xôn xao ghe cộ, nhưng bóng chàng thấy đâu
Ngó lên Thương Chánh thấy mấy nhịp cầu
Lá lay vì con Ô thước khéo để sầu cho ta

4. Liệt kê địa danh Quảng Nam như là một chức năng đặc thù

Có thể nói, chức năng trước hết và đặc thù nhất cho ca dao địa danh là liệt kê, trình bày nhiều địa danh một cách cụ thể, chi tiết. Như là một “đặc quyền”, ca dao địa danh có những bài rất dài mà các từ trong đó hầu hết là tên gọi của nhiều địa danh khác nhau ở một vùng miền nào đó. Ca dao địa danh xứ Quảng rất tiêu biểu cho đặc trưng này. Trong kho tàng ca dao địa danh Quảng Nam, không khó để tìm những bài cao dao dạng này, như:

Kể từ Ông Bộ kể ra,
Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bà Bầu,
Tam Kỳ, Chợ Vạn bao lâu,
Ngó qua đường cái thấy lầu Ông Tây,
Chiên Đàn, Chợ Mới là đây,
Kế Xuyên mua bán đông tây rộn ràng,
Hà Lam gần sát Phủ Đàng,
Phía ngoài bãi cát Hương An nằm dài,
Cầu cho gái sắc, trai tài
Đồng tâm xây dựng tương lai huy hoàng.

Hay như bài ca dao sau:

Kể từ Đồn Nhứt kể vô,
Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô xuống Hàn,
Hà Thân, Quán Cái, Mân Quang,
Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra,
Ngó lên chợ Tổng bao xa,
Bước qua Phú Thượng, Đại La, Cồn Dầu,
Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu,
Ngó lên đường cái thấy cầu Giáp Năm.
Bây chừ thiếp viếng, chàng thăm,
Ở cho trọn nghĩa cắn tăm nằm chờ.

Có thể thấy, ở các bài ca dao này, ngoại trừ hai câu cuối bày tỏ tâm tư, tình cảm của chủ thể trữ tình, các câu còn lại hầu như chỉ thuần túy liệt lê địa danh. Đây có thể là một cách “vòng vo tam quốc” để đi vào vấn đề chính là chuyện bày tỏ tấm lòng vốn không dễ mở lời của chủ thể trữ tình. Cũng có thể đây là một cách thể hiện sự hiểu biết, tài thơ của tác giả dân gian. Bởi rất dễ để nhận ra, các địa danh được sắp xếp khá hệ thống và đặc biệt, chúng được ghép với nhau một cách vần vè, một lần đọc là có thể nhớ ngay. Hiện tượng này cũng thường xuyên xuất hiện trong ca dao địa danh nói chung, bởi liệt kê địa danh như là một chức năng đặc thù và được xem là đặc trưng cơ bản nhất của ca dao địa danh.

Phạm Tuấn Vũ
Nguồn: Tạp chí Đất Quảng 151+152

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét