Khi được hỏi “đạo chích” là gì, rất nhiều người giải thích… gần đúng là kẻ cắp, kẻ trộm. Vì nghĩ vậy nên nhiều người thường viết từ này. Chẳng hạn, báo Thanh Niên điện tử ngày 14.2.2017 có bài “Bắt đạo chích trộm tài sản trong bệnh viện”.
Thật ra dùng từ “đạo chích”, để viết đúng, phải viết hoa. Vì đây là tên của một người. Vậy, Đạo Chích là ai và có liên quan gì đến ý nghĩa chỉ những kẻ trộm cướp? Đạo Chích (còn được gọi là Kiệt Chích, Liễu Hạ Chích) là một nhân vật hư cấu xuất hiện ở Trung Hoa trong thời Xuân Thu, khét tiếng trộm cướp và hung tợn. Nhân vật này được nhắc đến trong nhiều bộ kinh, sử cổ của Trung Hoa. Trong sách Nam Hoa kinh, phần Tạp Thiên viết về Đạo Chích có đoạn: “Đạo Chích cầm đầu chín nghìn bộ hạ hoành hành trong thiên hạ, xâm đoạt các nước chư hầu, đào tường khoét vách, lùa trâu bò, bắt cóc vợ và con gái người ta, tham lợi đến quên cả thân thích”.
Từ tích truyện này, từ “Đạo Chích” đi vào trong ngôn ngữ văn chương và đời sống với tư cách là một điển tích chỉ phường trộm cắp. Trong tâm thức và tín ngưỡng dân gian, Đạo Chích chính là ông tổ của nghề trộm cướp.
Hiện nay, từ “Đạo Chích” gần như chỉ được sử dụng trên báo chí; và đáng tiếc tỉ lệ viết sai khá cao. Từ cách dùng này, người viết thấy cần trao đổi lại. Thiếu vốn từ, buộc phải vay mượn là hiện tượng bình thường. Nhưng cùng với việc vay mượn phải tính đến cách làm giàu tiếng Việt. Ở đây, khi viết sai nhiều quá, khó có thể nghĩ đến việc làm giàu thêm. Hiện nay, tiếng Việt không thiếu những từ, cụm từ diễn đạt một cách cụ thể, rõ nghĩa thậm chí hàm ý ví von với đối tượng là những người trộm cướp (như kẻ trộm, kẻ cắp, đứa ăn trộm, quân ăn cướp, phường trộm cắp…). Vậy thì sao lại phải mượn một từ đến giờ đã thành xa lạ với tâm thức người Việt? Lạm dụng một từ ngữ vay mượn trong khi tiếng Việt không thiếu những từ ngữ diễn đạt hiệu quả, sáng rõ hơn thì chẳng khác gì đang làm nghèo tiếng nói của nước mình.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ - Nghĩa", báo Bình Định ngày 22.3.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét