Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

MIẾNG TRẦU TÌNH NGHĨA NGÀY XƯA


(GLO)- Từ ngày bà mất, tôi không còn niềm vui chiều chiều chạy sang nhà bà, ngồi xuống bậc thềm bên cạnh bà đang đưa võng, nghe bà kể chuyện xa xưa, rồi mang cối ra giã trầu cho bà. Bà tuổi nhiều, răng yếu nên trầu phải giã…

Cũng từ ngày bà đi, cơi trầu nhỏ không được dùng đến, nằm buồn thiu bên những kỷ vật về bà mà cha cố giữ. Cả cây cau trước nhà không còn ai hái quả, dây trầu ngoài vườn lặng lẽ cũng lụi dần. Nhà tôi từ sau bà không còn ai ăn trầu nữa. Cha tôi thi thoảng những ngày giỗ tết mới ăn đôi miếng với bạn bè khách khứa. Còn bọn trẻ chúng tôi thì chẳng ai có thể ăn được trầu.

Bây giờ, ở làng tôi, trừ các cụ thì hầu như chẳng còn mấy ai biết ăn trầu. Có lẽ do cuộc sống đổi thay, con người hiện đại chẳng còn thời gian để thảnh thời ngồi nhai miếng trầu cay đượm. Mà có lẽ miếng trầu chỉ còn thuộc về kí ức của quá khứ, chỉ tồn tại trong hoài niềm về văn hóa của một thuở xa xưa. Con người thời văn minh đã có cà phê bia rượu và bao nhiêu thứ khác, miếng trầu với họ có thơm ngon bổ béo gì.

Tôi lại nhớ về hình ảnh bà mỗi chiều nằm thong thả đưa võng, những hôm chống gậy ra vườn, cả những sáng ra chợ, lúc nào bà cũng nhai trầu. Miếng trầu thân thiết với bà, cả một đời gắn bó, một buổi không có trầu thôi bà đã bảo như thiếu thiếu thứ gì. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà ngồi giã trầu trong cối nhỏ, miệng móm mém nhai trầu, khi nói chuyện bao giờ cũng nở một nụ cười thật hiền từ. Đó là những hình ảnh thân thương, đẹp đẽ nhất trong ký ức tuổi thơ mà tôi sẽ không bao giờ quên được.

Ngày trước, mỗi lần giỗ chạp, nhà tôi bao giờ cũng có một ấm nước chè xanh và đĩa trầu do tự tay bà têm. Bà têm trầu đẹp lắm. Ngày ấy, mâm cỗ đơn sơ nhưng ngày giỗ nào cũng thật đông vui, đầm ấm. Bà con, khách khứa đến nhà, xong cỗ rồi vẫn còn ngồi lại thật lâu, uống bát nước chè xanh, ăn miếng trầu cay đượm mà nói chuyện đến tận chiều. Bây giờ, cuộc sống đầy đủ, giỗ chạp nào cũng mâm cao cỗ đầy, rượu bia không thiếu gì nhưng chẳng còn vui như thuở trước. Cha giữ thói quen của bà vẫn nấu nước chè, têm trầu mời khách nhưng chẳng còn mấy ai dùng đến…

Thế hệ chúng tôi rồi sẽ chẳng còn mấy ai biết đến miếng trầu. Những câu ca dao, tục ngữ từng một thời là người bạn tinh thần tin cậy của ông bà ta xưa như “Trầu này trầu nghĩa trầu tình/ Trầu loan trầu phụng trầu mình trầu ta”, “Từ ngày ăn phải miếng trầu/ Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu ngẩn ngơ” rồi sẽ chẳng còn mấy ai thuộc và hiểu nữa. Rồi đây, truyền thống văn hóa tốt đẹp “miếng trầu là đầu câu chuyện” tự bao đời của dân tộc ta sợ rằng cũng sẽ bị lãng quên dần như ta đang quên dầu miếng trầu đỏ thắm nghĩa tình…

Chiều nay, cha nhớ bà, lại đem trầu ra ăn, một mình…

PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Văn hóa", báo Gia Lai ngày 27.3.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét