Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

MỘT VÀI TỪ HÁN VIỆT HAY DÙNG SAI


Trong tiếng Việt, lượng từ vựng Hán Việt chiếm tỉ lệ rất lớn. Vì nhầm lẫn âm đọc hoặc không nắm rõ nghĩa của từ mà nhiều người dùng từ Hán Việt sai nghĩa. Dưới đây là một số trường hợp phổ biến.

1. Thính giảng. Ðây là từ dùng sai, như trong cách nói “Ngày mai, chúng ta sẽ được học với giáo viên thính giảng”. Dùng đúng phải là thỉnh giảng (thỉnh: mời), nghĩa là “được mời giảng dạy ở một nơi khác, trường khác”. “Giáo sư thỉnh giảng” là giáo sư (ở nơi/trường khác) được mời đến giảng dạy. Dùng “thính giảng” (thính: nghe), như trong cụm “giáo sư thính giảng” (giáo sư nghe giảng), thì thật là vô lý!

2. Thăm quan. Nhiều người dùng sai từ này, như trong cách nói “Hôm nay, chúng ta sẽ đi thăm quan chùa Thập Tháp, tháp Cánh Tiên và thành Hoàng Ðế”. Dùng đúng phải là tham quan, nghĩa là “xem thấy tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc học tập kinh nghiệm” (tham: tham dự vào; quan: xem xét). Từ này còn có một từ đồng âm là “tham quan”, nhưng khác nghĩa - chỉ bọn quan lại tham nhũng. “Thăm quan” nếu có nghĩa thì đó là nghĩa “đi thăm viếng ông quan nào đó”!

3. Chắp bút. Nhiều người dùng từ “chắp bút” không đúng này, như trong cách nói “Quách Tấn là người chắp bút viết nên cuốn Nước non Bình Ðịnh”. Từ đúng phải là chấp bút. “Chấp” có nghĩa là “cầm, nắm, giữ”. Trong tiếng Việt, “chấp bút” được đối dịch thành “cầm bút”, nghĩa gốc là cầm lấy cây bút để viết, về sau chuyển nghĩa chỉ hoạt động khởi thảo, viết thành một văn bản, tác phẩm nào đó.

4. Tựu chung. Ðể “biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến” thì từ đúng phải là tựu trung (tựu: tụ về; trung: ở giữa).

5. Vô hình chung. Tương tự, từ đúng phải là vô hình trung (nghĩa gốc: trong cái vô hình; nghĩa chuyển: tuy không cố ý nhưng…). “Tựu chung”, “vô hình chung” là những từ sai do hiện tượng nhầm lẫn âm đọc (/tr/biến thành/ch/).

Muốn dùng từ Hán Việt hay trước hết phải dùng đúng. Người nói, viết cẩn trọng, nắm rõ nghĩa của từ để dùng từ một cách chính xác. Có như thế, hiệu quả diễn đạt, giá trị tu từ của từ Hán Việt mới được phát huy.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 15.3.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét