(GLO)- Sáng nay, vào Gia Lai Online lướt xem tin tức quê nhà. Đọc bài “Mùa mía đắng!” mà nghe trong lòng một người xa quê như tôi buồn rười rượi. Vậy là hơn 1.500 ha mía của người nông dân Phú Thiện quê tôi lại lao đao…
Chuyện nhà nông “ơn trời mưa nắng phải thì” ai cũng biết. Chuyện may rủi trong nông nghiệp tôi cũng biết và chứng kiến nhiều lần, trên chính những rẫy, ruộng mía quê mình. Mà sao mỗi lần nghe tin mía được mùa rớt giá hay không có đầu ra, sao cứ thấy trong mình ngậm ngùi đến thế…
Bởi lẽ, với một người con Gia Lai như tôi, cây mía và những vụ mía từ lâu không chỉ là hình bóng quê hương mà còn trở thành một phần cuộc sống!
Nhắc đến Cao nguyên Gia Lai xinh đẹp, người ta thường nghĩ ngay đến những rẫy cà phê xanh biếc, những vườn hồ tiêu sum suê hay những nông trường cao su tít tắp. Nhưng ở quê hương Gia Lai của tôi còn có nhiều loại cây đặc trưng nữa. Hôm nay tôi sẽ kể về cây mía quê tôi...
Nếu bạn theo tôi về cao nguyên bazan thân yêu đầy nắng gió, tôi sẽ đưa bạn đi xem các ruộng mía bạt ngàn. Theo bước chân lang thang giữa thảo nguyên, từ Phú Thiện qua các huyện thị miền Đông Gia Lai như thị xã An Khê, các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ…, ở đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp cây mía. Trên quê hương yêu dấu của tôi, cây mía mướt xanh cứ mọc lan tràn, như sức sống của con người cao nguyên rắn rỏi. Ở nơi ấy, cây mía chẳng biết từ bao giờ đã không còn là sinh kế, mà trở thành người bạn thiết thân của mỗi người dân quê tôi, là hình ảnh mến thương khi ở phương xa ngồi nhớ về quê mẹ…
Tôi chẳng biết cây mía có trên quê hương Gai Lai từ bao giờ. Chỉ nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, cây mía có từ lâu lắm. Những trang đầu tiên của lịch sử ngành mía đường Việt Nam có lẽ sẽ nhắc đến cây mía Gia Lai. Tôi chỉ biết, khi mình lớn lên, đã thấy trước ngõ nhà mình những rẫy mía xanh xanh nhấp nhô theo những triền đồi. Chỉ biết cả một thời tuổi thơ êm đềm của tôi gắn với từng lóng mía ngọt ngào, từng ruộng mía in hằn mồ hôi của mẹ cha tôi vất vả. Cây mía thủy chung gắn bó, cùng người dân quê tôi lam lũ đi qua một thuở khó nghèo…
Làm sao tả hết những vẻ đẹp của từng ruộng mía. Từ lúc mới nảy mầm đến cả lúc trổ bông, cây mía sao cứ đẹp thế. Ở quê tôi, chỉ cần mở cửa bước ra khỏi nhà là đã thấy mía. Mía mọc tràn theo những con đường đất mịn, mía len vào cả khu vườn, mía nối tiếp nhau mấp mô qua những đồi nương, mía đong đưa khua tàu lá ngoài đầu ngõ… Chẳng biết từ bao giờ, mía trở thành một phần thao thiết trong tâm hồn của người dân quê tôi, như lúa xanh với người đồng bằng, như rừng già trầm mặc với người miền núi.
Mía cho đời chất ngọt. Mía đem về cho quê nhà những mùa vui. Cả những những giọt mồ hôi nhọc nhằn, lo lắng. Nhớ sao những lúc thư nhàn, chia nhau lóng mía ngọt, ngồi nói với nhau chuyện làm mía, cùng mong cho nhau một năm mưa thuận gió hòa, cây mía được giá. Nhớ những khi vụ mía vào mùa, cả làng quê bỗng dưng hối hả. Những năm mía được giá, nụ cười giòn tan như tiếng mía reo trong gió mai. Nhớ cả những lần mía rớt giá, lăn trên từng bó mía là những giọt nước mắt tủi buồn, nhai lóng mía mà nghe lòng đắng đót. Và… Dù được hay mất, trên mảnh đất này, cây mía lại mọc lên. Sau một vụ thất thu lại gieo thêm niềm tin vào một vụ mùa mới. Cứ thế, qua đi những hết mọi thứ, cây mía vẫn ở lại với chúng tôi, vẫn xanh mượt theo khắp đồi nương, vẫn khua lá hát reo với gió đại ngàn lồng lộng.
Cây mía lá xanh rờn, thân thẳng tắp, lòng ngọt ngào, như tình người tình đất Gia Lai…
Hôm nay, đọc tin quê nhà mà chạnh lòng buồn thương. Muốn về Phú Thiện, ra đồng mía động viên các bác nông dân, ngồi cung nhau ăn lóng mía uống bát nước chè xanh, nói nhau nghe về chuyện làm mía, trao cho nhau những niềm hy vọng mới về cây mía quê mình.
Chợt thương lắm… tình mía ngọt quê hương.
Bút danh TƯ HƯƠNG
Đăng trên mục "Điểm đến Gia Lai", báo Gia Lai ngày 6.3.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét