Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

KHÔNG NÊN LẠM DỤNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI


Hiện nay, việc nhiều người, đơn vị sính dùng tiếng nước ngoài trong cả lời nói lẫn trên văn bản là thực trạng đáng lo ngại. 

Ta dễ dàng bắt gặp những từ có nguồn từ tiếng Anh như OK, hot boy, hot girl, baby, hi, bye… Thậm chí ngay trên các trang báo, các chương trình truyền hình cũng vậy, các từ như hit, hot, top, style, teen,… cũng được dùng rất phổ biến. 

Một số người dẫn chương trình khi thể hiện sự ngạc nhiên thì gào lên wow, thể hiện sự đánh giá tốt thì nói good, thể hiện sự thích thú thì yeah. Phải chăng tiếng Việt không có những từ tương đương, buộc họ phải mượn tiếng nước ngoài để thể hiện? Không phải vậy! Trong những trường hợp vừa kể, từ rất lâu, tiếng Việt đã có nhiều từ, cách diễn đạt tương đương, ví dụ: ồ, tuyệt vời, thú vị quá… Một vài người cho rằng, đó là chuyện bình thường ở thời đại hội nhập, toàn cầu hóa. Xin phép được nói ngay, chính ở thời buổi hội nhập, càng tô đậm bản sắc bao nhiêu, cơ hội vượt lên càng rõ bấy nhiêu.

Thế cho nên, thật không bình thường khi trong một câu thuần Việt, tự nhiên lòi ra một số từ nước ngoài, ví dụ: “Là bản hit của năm, bài hát “Lạc trôi” không những luôn nằm trong top đầu của các bảng xếp hạng mà đến nay vẫn chưa hết hot!”. Điều đáng lo là trên một số chương trình giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhiều người dẫn chương trình hồn nhiên sử dụng tiếng nước ngoài, phổ biến là các từhit, hot, top, style… mà quên mất rằng VTV, VOV là những kênh truyền thông có sức lan tỏa, tác động rất mạnh đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Tôi nghĩ, những câu nửa Tây nửa ta, người Tây đọc lên không hiểu, người Việt mình thì thấy không thuần Việt, chỉ có thể làm hỏng tiếng Việt, một thứ tài sản vô giá của người Việt trong con đường hội nhập, mà thôi.

Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác […]. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”. Vay mượn để làm giàu cho tiếng mẹ đẻ là việc tất yếu (và có tính phổ quát của mọi ngôn ngữ). Nhưng lạm dụng tiếng nước ngoài để làm méo mó tiếng Việt (rồi ngụy biện là để hội nhập) là việc rất không nên.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng báo Bình Định ngày 28.12.2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét