Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

"NUÔI ONG TAY ÁO" (bản gốc)


Đây là thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt, được Từ điển thành ngữ tiếng Việt phổ thông giảng như sau: “nuôi dưỡng che chở cho kẻ xấu mà không biết, để rồi về sau chúng phản thùng, làm hại mình, ví như người dại dột nuôi ong trong ống tay áo thì sẽ có lúc bị ong đốt…” (Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB ĐHQG Hà Nội, 2002, tr.554).

Tuy nhiên, chúng tôi còn sưu tầm được một cách giải thích khác, nay xin được thuật lại để bạn đọc cùng tham khảo. Cách giải thích này phủ nhận việc nuôi ong ở trong tay áo vì đây là việc chưa có tiền lệ và cũng không thể làm được. Hơn nữa, giả sử có thể nuôi ong trong tay áo thì người nuôi sẽ bị ong đốt ngay lập tức chứ không phải là “sẽ có lúc bị ong đốt”. Thành ngữ được hình thành từ quá trình đúc kết kinh nghiệm thực tiễn. Cho nên, những hiện tượng giả tưởng khó có thể xảy ra (như việc nuôi ong trong ống tay áo) thường ít được chọn làm đối tượng để khái quát nghĩa trong thành ngữ.

Theo cách giải thích này, “ong tay áo” là một loài ong. Loài ong này có đặc tính làm tổ trên cao, cả đàn tụ lại quanh tổ làm cho tổ của chúng thụng xuống, trông như ống tay áo ngày xưa. Người ta gọi là “ong tay áo” là dựa vào đặc điểm hình dáng của tổ để gọi tên. Ở nhiều nơi, loài ong này còn được gọi là “ong dều”, vì tổ của chúng trông giống cái dều (đọc lệch của diều, tức bầu diều - một bộ phận của hệ tiêu hóa ở một số loài như chim, bò sát không bay; vốn là một phần giãn nở của thực quản, là nơi giữ thức ăn trước khi được tiêu hóa ở dạ dày) của gà, vịt khi ăn no. Phương thức định danh này cũng giống như ở trường hợp “ong tay áo”.

Cũng là ong mật nhưng khác với ong vàng vốn hiền lành, ong tay áo hay ong dều có thân hình màu đen, lại hung dữ, có nọc độc. Theo quan niệm của dân gian, cũng như quạ đen, loài ong đen được cho là điềm gở (vì màu đen trên thân chúng) nên khi chúng xuất hiện, làm tổ, người ta liền hun khói để đuổi đi. Không ai nuôi loài ong này vì chúng rất dữ, hơn nữa, chúng chỉ làm tổ trong tự nhiên, trên ngọn cây cao và thường xuyên di chuyển địa điểm “đóng quân”. Nọc độc của chúng có thể gây tử vong cho người.

Như vậy, ong tay áo là loài ong vừa xui xẻo vừa nguy hiểm (tuy mật của chúng rất giá trị). Nuôi loài ong này rõ ràng không phải là việc làm hay ho, thông minh gì.

Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 8.4.2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét