Hẳn trong suy nghĩ của nhiều người, tảo tần (hay tần tảo) là tính từ (hoặc động từ), được tạo thành bằng phương thức láy. Nhưng nếu truy về nguồn gốc của từ này, chúng ta sẽ bất ngờ khi biết nó không phải là một động từ hay tính từ, cũng không phải là một từ láy.
Tảo tần là một tổ hợp đẳng lập của hai yếu tố tảo và tần là hai danh từ gốc Hán. Trong tiếng Hán, tảo và tần (đều thuộc bộ thảo, liên quan đến cỏ) là tên của hai loài rau mọc dưới nước (tảo trong tảo lục, tảo xoắn, tảo đa bào, tảo đơn bào… cũng là chữ tảo bộ thảo này).
Nhưng rau tần, rau tảo thì liên quan gì đến nét nghĩa chỉ đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó của người phụ nữ (mà hầu như không dùng cho nam giới) của từ tảo tần hiện nay? Điều này bắt nguồn từ truyền thống đi hái tảo, tần về nấu đồ cúng gia tiên của người phụ nữ Trung Hoa thời cổ. Rau tần mọc dại bên bờ suối, còn rau tảo thì sống trong lòng suối, đều không dễ hái. Muốn hái được chúng, người phụ nữ phải lặn lội đi tìm. Ba bài “Thái tần” (hái rau tần) trong Kinh Thi ca ngợi người con gái chăm chỉ tìm hái rau tần, rau tảo về nhà làm đồ lễ cúng tổ tiên là những bài thơ hay về truyền thống văn hóa này. Như vậy, từ chỗ là tên gọi của hai loài rau, tảo tần đã chuyển loại và phái sinh nghĩa như được sử dụng hiện nay.
Trong tiếng Việt, có nhiều từ khiến chúng ta dễ bị… mắc lừa bởi hình thức láy nhưng kỳ thực không phải là từ láy. Tử tế, túy lúy, lâm li, lâm thâm, châm chước, hùng hổ, trang trải… mà chúng tôi từng có dịp trình bày trên Báo Bình Định là những trường hợp như vậy. Với những trường hợp này, chúng ta cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc từng yếu tố tạo thành của chúng.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục Chữ & Nghĩa, báo Bình Định ngày 29.4.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét