Đây là thành ngữ quen thuộc, được sử dụng phổ biến đến mức trở thành từ, được ghi nhận trong nhiều từ điển tiếng Việt. Chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2007) ghi nhận đây là một danh từ và giải nghĩa là “cảnh đẹp nổi tiếng” (tr.233).
Tuy vậy, vẫn có nhiều trường hợp dùng không chuẩn thành ngữ này, ví như cách nói “Kỳ Co, Eo Gió là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định”. Nguyên nhân nằm ở yếu tố thứ hai của thành ngữ này: lam. Nghĩa của yếu tố này hầu như ít người tường tận.
Lam (bộ thảo) trong tiếng Hán có nghĩa là “màu chàm”, như trong Lam Sơn, lam sơn chướng khí. Nó cũng được người Hán dùng để phiên âm chữ Phạn “sangharama”, âm Hán Việt đọc là tăng già lam ma, nghĩa là nơi ở của nhà sư (các từ tăng già, già lam bắt nguồn từ cách phiên âm này). Từ đó, lam mở rộng nghĩa chỉ chùa chiền nói chung. Như vậy, danh lam thắng cảnh có thể hiểu là “chùa nổi tiếng, cảnh đẹp”.
Cách nói như vừa nêu trên không chuẩn ở chỗ nếu chỉ có toàn cảnh đẹp thiên nhiên thì không thể gọi chung là “danh lam thắng cảnh” được. Bởi “danh lam” vốn chỉ “ngôi chùa nổi tiếng”, mở rộng nghĩa chỉ “di tích nổi tiếng”.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều cách diễn đạt vừa gọn vừa chuẩn xác hơn, tiêu biểu như: danh thắng. Đây là dạng rút gọn của những thành ngữ tương đương danh lam thắng cảnh, danh lam thắng tích; được được dùng phổ biến và cũng trở thành một mục từ được ghi nhận trong các cuốn từ điển tiếng Việt.
Ngay cả cách nói “danh lam thắng cảnh/danh thắng nổi tiếng” cũng không chuẩn vì thừa. Bởi trong yếu tố “danh” đã mang nét nghĩa “danh tiếng, nổi tiếng”.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục Chữ & Nghĩa, báo Bình Định ngày 22.4.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét