Trong triết học, tâm lý học…, ý thức là những khái niệm mang nội hàm khác nhau. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến từ ý thức dùng trong ngôn ngữ hằng ngày. Từ điển tiếng Việt định nghĩa ý thức là “sự nhận thức đúng đắn, biểu hiện bằng thái độ, hành động cần phải có” và “có ý thức” (Hoàng Phê chủ biên, 2007, tr.1127), tức có sự nhận thức đúng đắn như trên.
Về nguồn gốc, ý thức là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, ý (bộ tâm) có các nét nghĩa “ý nghĩ, ý định, ý muốn, suy nghĩ…”; thức (bộ ngôn) có các nét nghĩa “biết, nhận biết, sự hiểu biết…”. Nghĩa gốc của ý thức là “nhận ra, thấy được, sự nhận biết”. Nghĩa này được bảo lưu khi ý thức đi vào tiếng Việt.
Đối lập với ý thức là vô ý thức. Nghĩa của vô ý thức là “không có chủ định (làm việc sai trái), không nhận biết rõ ý nghĩa của việc (sai trái) mình đang làm” (Sđd, tr.1086). Một điều khiến không ít người thắc mắc là cùng nằm trong hệ thống các yếu tố phủ định gốc Hán nhưng tại sao vô lại đi được với ý thức mà không phải là bất hoặc phi.
Như đã biết, bất thường đứng trước động từ hoặc tính từ với nghĩa không/ chẳng làm/ như thế, như trong bất an, bất bạo động. Phi thường đứng trước danh từ với nghĩa không/ chẳng phải/ là, như trong phi chính phủ, phi quân sự. Vô cũng thường đứng trước danh từ nhưng với nghĩa không/ chẳng có, như trong vô chủ, vô cực… Với nghĩa “không có ý thức” thì đứng trước ý thức hẳn nhiên là vô.
Nhưng đó là câu chuyện của ngôn ngữ. Còn trong cuộc sống, ý thức của cá nhân đối với cộng đồng là vấn đề luôn được coi trọng. Bởi chính sự vô ý thức của một vài người có thể dẫn tới hậu quả lớn cho cả cộng đồng. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn ở nước ta do sự vô ý thức của một số cá nhân là minh chứng rõ nhất.
Hiện nay, cả nước đang chung tay chiến đấu với dịch Covid-19. Từ nay đến ngày 15.4 được xem là “cơ hội vàng” để đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này. Để làm được điều này, một trong những yếu tố tiên quyết là ý thức của mỗi người dân trong việc hạn chế di chuyển, tiếp xúc đông người, tăng cường nâng cao sức khỏe, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, không hoang mang, lo sợ, không tung tin thất thiệt gây bất an dư luận. Mỗi người đều nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, vì cộng đồng, vì cả nước và vì chính bản thân, thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 1.4.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét