Đó là: 1. “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”; 2. “sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.985).
Trách nhiệm là một từ Việt gốc Hán; trong đó, trách (bộ bối), có nghĩa là “phận sự phải làm”, như trong phụ trách, trọng trách (trách trong hờn trách, trách mắng, trách phạt cũng là chữ này); nhiệm (bộ nhân), nghĩa là “gách vác, việc phải đảm đương”, như trong đặc nhiệm, nhiệm vụ… Như vậy, trách nhiệm là một từ ghép đẳng lập và nghĩa của nó là sự tổ hợp theo hướng khái quát hóa nghĩa của hai yếu tố cấu thành.
Tự cổ chí kim, trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc là điều luôn được đề cao, coi trọng. Từ xưa, cổ nhân đã dạy quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, nghĩa là “nước nhà hưng thịnh hay suy vong, người bình thường [chứ không kể gì sĩ phu trí thức] đều phải có trách nhiệm”. Đó là bài học thấm thía trong lịch sử xây dựng quốc gia, phát triển dân tộc. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, những quốc gia mà công dân của họ có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, dân tộc đều là những quốc gia phát triển, hùng cường.
Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cũng từ đây, vấn đề trách nhiệm với cộng đồng được thể hiện rõ. Sự thiếu trách nhiệm của một số bệnh nhân khiến công cuộc chống dịch của cả nước phải làm lại từ đầu, lần này còn phức tạp, nghiêm trọng hơn trước nhiều. Những đòi hỏi, phát ngôn kém ý thức của một vài đồng bào từ nước ngoài trở về cũng làm nhiều người không bằng lòng. Rất may đó là những trường hợp hết sức cá biệt.
Trên hết, ta vẫn thấy được trách nhiệm lớn của cả cộng đồng. Từ người đứng đầu của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đến các bộ, ngành, các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, CA và bao nhiêu người khác, cả nước ai cũng nâng cao trách nhiệm trong việc ứng phó với dịch bệnh. Những kết quả đáng khích lệ như đã đạt được (chưa có trường hợp tử vong, số người nhiễm bệnh ghi nhận đến ngày 23.3 là 123, trong đó có nhiều ca đã khỏi bệnh) chứng tỏ chúng ta đang có một bộ máy có trách nhiệm và phần đông công dân Việt Nam nghiêm túc thực hiện trách nhiệm công dân của mình.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 25.3.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét